Đánh giá về vai trò của Kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air cho biết, mỗi năm, kinh tế tư nhân tạo ra 1,2 triệu việc làm với hơn 750 nghìn doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 43% GDP, trong đó dịch vụ đóng góp tới 85% GDP.
Với ngành hàng không, sự tấp nập của 21 cảng hàng không trên cả nước phản ánh sức sống của nền kinh tế Việt Nam. Thống kê quốc tế cho thấy, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4-0,5% GDP và điều này cũng đúng ở Việt Nam khi hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua còn GDP đạt trên dưới 7%. Riêng hãng hàng không tư nhân Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đóng góp tới 70% trong kết quả tăng trưởng chung của cả ngành hàng không.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn kinh tế 2019
“Chúng tôi nói đùa rằng những việc chúng tôi làm trong 6 năm qua bằng hoạt động 63 năm của ngành Hàng không Việt Nam”, nữ tỷ phú nhấn mạnh.
Theo bà Thảo, trong năm 2018, Vietjet Air đã đóng góp tăng trưởng hơn 23 triệu lượt khách trong tổng số 49 triệu lượt khách của ngành hàng không, thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 39 đường bay nội địa, 66 đường bay quốc tế tới Nhật, Hàn, Thái, Singapore, Camuchia… Thu hút khách trong các chuyến bay quốc tế được đánh giá cao với tổng doanh thu đạt 52.000 tỷ đồng.
Vietjet Air thuộc nhóm nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế và phí lên 6.192 tỷ đồng, tăng gần 50% và tương đương đóng góp ngân sách trung bình một tỉnh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nhấn mạnh việc Vietjet Air đã mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người và là nhân tố thúc đẩy đổi mới tích cực cho ngành hàng không trong nước về nhiều mặt.
Toàn cảnh phiên Đối thoại
Từ ví dụ của bản thân, CEO Vietjet Air cho biết để thực sự thúc đẩy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, từ Chính phủ đến các cấp ngành cần phải tập trung thực hiện một số hành động.
Thứ nhất, tốc độ tái cơ cấu, và cổ phần hóa khu vực Doanh nghiệp Nhà nước, và khu vực ngân hàng cần đẩy nhanh hơn, để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng của quốc gia trong đó có kinh tế tư nhân
Thứ hai, Chính phủ đã khẳng định những gì tư nhân có thể làm tốt thì nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm. Vậy Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, biện pháp, để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng trên toàn xã hội.
“Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 máy bay, vận chuyển gần một nửa lượng khách toàn ngành hàng không nhưng toàn bộ các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng, nhà ga, sân bay, mặt đất, xăng dầu… đều phụ thuộc vào một doanh nghiệp độc quyền của Nhà nước. Chúng tôi nói vui rằng doanh nghiệp mình không "tấc đất cắm dùi" tại các sân bay lớn, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực. Chúng tôi có thể đầu tư khẩn trương, chất lượng, không dùng nguồn vốn ngân sách”, CEO Vietjet Air bày tỏ.
Thứ ba, Doanh nghiệp tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng hướng tới xây dựng những tập đoàn tư nhân là đầu tàu cho chuỗi công nghiệp phụ trợ và niềm tin cho doanh nhân khởi nghiệp mang thương hiệu quốc gia, dân tộc như Samsung, Toyota, Alibaba… của các nước.
CEO Vietjet Air nhắc lại sự cố hạ cánh nhầm của hãng cách đây khoảng 1 tháng, cũng như khó khăn của doanh nghiệp mình với các chính sách hiện nay.
"VietJet là công ty có chứng chỉ khai thác bay quốc tế, có các chỉ số an toàn chất lượng, nhưng khi có cùng một sự cố, 2 hãng hàng không khác nhau bị ứng xử khác nhau. Hai hãng hàng không cùng bị sự cố đáp xuống sân bay Cam Ranh như nhau, cách nhau 4-5 tháng, nhưng chúng ta thấy giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước bị phản ứng khác nhau. Tất nhiên ta thấy có thể khác nhau về kỳ vọng, hoặc là sự ứng xử quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi muốn có cái nhìn tin tưởng hơn và công bằng hơn”, bà Thảo nói.
CEO VietJet là mong muốn Vietjet Air được đối xử công bằng, bình đẳng. Bà cũng mong muốn được đưa tin, tuyên truyền một cách khách quan, bình đẳng, không để hình ảnh của doanh nghiệp tư nhân xấu xí, không ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội.
Bà Thảo cũng kiến nghị Việt Nam cần có những quy định mở cửa cho cán bộ cũng như chuyên gia nước ngoài làm việc cho đất nước. Cụ thể, Việt Nam cần có chính sách visa và quy định làm việc cho người nước ngoài cần tháo gỡ, để hội nhập với quốc tế hơn.
"Các quy định làm việc cho người nước ngoài ở Việt Nam đã cũ, không còn phù hợp với hiện đại. Tôi mong rằng có cơ chế tháo gỡ để phù hợp hơn với lao động quốc tế", tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo kiến nghị.
Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26.12.2018, máy bay của VietJet gặp sự cố kỹ thuật tới 3 lần. Cụ thể, vào lúc 12h02 ngày 25.12.2018, chuyến bay VJ689 của hãng hàng không Vietjet bay từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đi TP.HCM đã gặp sự cố, tổ bay xin quay lại hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và đã hạ cánh xuống đường băng chưa đưa vào khai thác. Cũng trong ngày 25.12.2018, chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Loan. Đến sáng 26.12.2018, chuyến máy bay VJ513 của Vietjet từ Nội Bài đi Đà Nẵng lại gặp sự cố kỹ thuật sau khi máy bay tăng tốc và chuẩn bị rời khỏi mặt đất thì đột ngột giảm tốc độ và hạ đầu máy bay. Cuối tháng 4, một máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng hạ nhầm vào đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn