Báo cáo của UBND xã An Dũng khẳng định Công ty Khánh Giang xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng khẳng định trước ống kính truyền hình rằng, việc doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ nuôi bò quy mô 500 con sang nuôi lợn quy mô 1.646 con kỳ thực chính quyền không hề biết.
Báo cáo tại cuộc làm việc hôm 9/8 của UBND huyện Đức Thọ, bà Bùi Thị Bảy, Chủ tịch UBND xã An Dũng cũng nói rằng, trước khi đưa lợn về thả nuôi tại trang trại chăn nuôi bò, Công ty TNHH Khánh Giang không báo cáo với chính quyền địa phương.
Đó là ý kiến của đại diện chính quyền cơ sở.
Còn nhân dân? Họ gửi đơn thư với nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại lợn Khánh Giang gây ra bao lâu nay rồi. Đơn thư đóng thành quyển. Địa phương và ngành tài nguyên môi trường cũng có làm việc, cũng có “kiểm tra” song với trách nhiệm của chính quyền và người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về quản lý nhà nước trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường mà cả bà Chủ tịch, ông Phó Chủ tịch lại nói “không hề hay biết”.
Trong khi cả ngàn con lợn chuyển vào, nuôi đến 3 lứa lợn liền, hàng tấn thức ăn được chuyển vào, rồi bao ngày đêm nhân dân chịu đựng mùi hôi thối như thế nhưng chính quyền các cấp mà trực tiếp nhất là UBND xã An Dũng, UBND huyện Đức Thọ vào cuộc không quyết liệt, chỉ đạo không đủ sức mạnh để doanh nghiệp vi phạm về các quy định, vượt mặt qua tất cả mọi cấp, mọi ngành gây những hậu quả về môi trường ảnh hưởng lớn đến đời sống của cả vạn người dân hai xã An Dũng và Thường Nga.
Chủ doanh nghiệp Khánh Giang những ngày này vẫn tiếp tục xây dựng thêm các chuồng trại như một sự thách thức cả chính quyền Hà Tĩnh và dư luận. Ảnh: Tiến Phương.
Không những coi thường pháp luật mà những ngày này tại trang trại lợn người ta vẫn thấy công ty này tiến hành xây dựng thêm các chuồng chăn nuôi như một sự thách thức với chính quyền.
Suốt mấy năm trời gần một vạn dân nơi đây cùng với đầy đủ công sở, trường học trạm y tế bị bao phủ bởi mùi hôi thối nồng nặc từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Khánh Giang. Vùng đất đó, môi trường ô nhiễm chỉ có nhân dân biết, nhân dân bức xúc, báo chí và dư luận lên án.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo gì?
Mới đây, hôm 4/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài viết “Chính quyền các cấp tại Hà Tĩnh có bất lực trước nỗi khổ của người dân” thì mới thấy sự vào cuộc của chính quyền và các ngành.
Hôm 6/8, trên cơ sở báo cáo của Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo tổng thể như sau: Tạm thời chưa phát triển các mô hình chăn nuôi lợn vì có nhiều điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Yêu cầu tuyệt đối không được đề xuất các cơ sở chăn nuôi lợn phát sinh trong giai đoạn này; đồng thời quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi hiện có trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Thêm một động thái tích cực trong vụ việc Công ty TNHH Khánh Giang gây ô nhiễm môi trường, ngày hôm nay 9/8, UBND huyện Đức Thọ đã tổ chức một cuộc làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương xã An Dũng.
Đơn thư khiếu nại của người dân gửi lên chính quyền các cấp được đóng thành quyển dày cả chục trang. Ảnh: Tiến Phương
Theo Báo Hà Tĩnh đưa tin thì tại cuộc họp này, lãnh đạo các ngành, địa phương đều khẳng định, việc nuôi lợn thương phẩm trong trang trại chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà (tại xã An Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) của Công ty TNHH Khánh Giang là trái quy định pháp luật, dù chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị di dời nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện.
Phó Giám đốc Sở TN-MT ông Phan Lam Sơn khẳng định, Công ty TNHH Khánh Giang đã phá vỡ quy hoạch chăn nuôi được phê duyệt. Việc doanh nghiệp nuôi lợn với quy mô 1.646 con tại trang trại này là hoàn toàn sai.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn cho rằng, việc Công ty TNHH Khánh Giang tự ý thả nuôi 1.646 con lợn thịt tại trại chăn nuôi bò cao sản Bắc Hà là trái quy định. UBND huyện Đức Thọ nghiêm túc phê bình Công ty đã không chấp hành, làm sai nhưng không hề có động thái cầu thị và sửa sai.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cũng yêu cầu Công ty TNHH Khánh Giang làm việc với người dân các địa phương bị ảnh hưởng gồm: thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng (Đức Thọ); các thôn Văn Minh và Trà Liên, xã Thường Nga (Can Lộc). Các cuộc làm việc với người dân phải hoàn thành trước ngày 16/8. Chỉ khi 3 thôn này đồng tình thì số lợn sẽ được thả nuôi đến ngày 30/9/2021, nếu không thì tất cả 1.646 con lợn sẽ phải đưa đi trước ngày 20/8/2021.
Sáng 9/8, UBND huyện Đức Thọ tổ chức cuộc họp xung quanh vấn đề này và đã đi đến kết luận, Công ty Khánh Giang làm trái quy định nhà nước, bất chấp các chỉ đạo của chính quyền. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Căn cứ vào Giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Công ty TNHH Khánh Giang ngày 30/6/2015 thì việc không chỉ là di dời số lợn này ra khỏi địa bàn mà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh căn cứ vào các Quy định pháp luật hiện hành và nội dung trong Giấy chứng nhận đầu tư thì dự án này Hà Tĩnh đủ cơ sở để thu hồi giấy phép.
Trong Giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: “Trường hợp Công ty TNHH Khánh Giang thực hiện dự án không đúng quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư thì UBND tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư không được Nhà nước hoàn trả mọi chi phí đã đầu tư vào dự án”.
Cùng với đó, việc gây ô nhiễm môi trường một cách báo động đỏ như thế thì Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở NN-PTNT không thể không có các hình thức xử lý hành chính một cách nghiêm khắc đối với Công ty TNHH Khánh Giang.
Và với việc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh hôm 6/8 thì các Sở Kế hoạch và đầu tư; Nông nghiệp và PTNT; Tài nguyên và Môi trường sẽ không thể làm khác được là tạm thời chưa phát triển các mô hình chăn nuôi lợn. Vì Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tuyệt đối không được đề xuất các cơ sở chăn nuôi lợn phát sinh trong giai đoạn này.
Đã kiểm tra mà còn tái phạm, do quan hệ trong nháy nháy...
Còn nhớ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường hôm 24/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình một số địa phương còn chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường. Thậm chí, một bộ phận cán bộ môi trường vô trách nhiệm, còn tiêu cực. Đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, dân kêu không thấu, không được xử lý đến nơi đến chốn.
Trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó cán bộ quản lý môi trường thiếu và yếu chuyên môn nghiệp vụ. Tại Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, cán bộ làm chủ yếu về đất đai, khoáng sản, còn về môi trường ít được chú trọng, số lượng cán bộ còn ít.
Nêu rõ vừa qua có tình trạng ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ mô hình phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm dựa trên nền tảng công nghệ tiêu tốn năng lượng, lạm dụng quá mức tài nguyên, không gian môi trường, ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý và địa bàn được giao. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.
Để nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý môi trường, Thủ tướng nêu rõ, đã đi kiểm tra rồi mà còn tái phạm, do quan hệ trong nháy nháy, thì người thanh tra, kiểm tra đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phó Trưởng Công an huyện Đức Thọ Trần Thanh Tuấn trong biên bản của đoàn kiểm tra ngày 27/7/2021 nêu rõ “Dự án hiện vi phạm về chuyển đổi mục đích chăn nuôi (chuyển đổi từ chăn nuôi bò sữa sang chăn nuôi lợn). Quá trình hoạt động của trang trại phát sinh mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Yêu cầu chủ dự án phải có biện pháp khắc phục những thiếu sót, tránh để phát sinh thành điểm nóng”. |
Link gốc: https://nongnghiep.vn/tu-trai-lon-khanh-giang-ha-tinh-tam-dung-cap-phep-co-so-chan-nuoi-lon-d299584.html