Truyền thống là nguồn lực, di sản là tài nguyên

Thứ tư - 07/09/2022 07:38
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với mảnh đất, con người Hà Tĩnh. Thực hiện lời căn dặn của Người: “Phải làm sao cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã chủ động, sáng tạo, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, thế mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Lời Bác soi đường, dẫn lối

Chúng tôi về TP Hà Tĩnh trong những ngày chớm thu, tiết trời có phần mát dịu. Từ Quảng trường Thành Sen, hướng mắt về Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm trang giữa nền trời cao xanh vời vợi. 

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng khi nhắc lại kỷ niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh ngày 15-6-1957, ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh lại hào hứng. Ông Minh bồi hồi kể: “Ngày đó, tôi đang là Trưởng công an huyện Thạch Hà. Một buổi sáng, tôi nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên Quốc lộ 1, từ địa phận Thạch Hà vào thị xã Hà Tĩnh cho một “phái đoàn đặc biệt” từ Trung ương vào thăm. Linh cảm như mách bảo: "Đó là Bác Hồ”. Thật vậy, khoảng 6 giờ ngày 15-6-1957, đoàn xe của phái đoàn Trung ương đưa Bác Hồ về đến địa bàn Thạch Hà”.
 
D2022090703 1
Một góc hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh. Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI 
 
Đến bây giờ, những lời căn dặn của Người hôm ấy, ông Minh vẫn nhớ như in: “Bác yêu cầu Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phải cố gắng sửa sai cho tốt; phải chú ý tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân; tăng cường đoàn kết tốt. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chí khí chiến đấu; mở rộng phê bình, tự phê bình. Sau cùng, Bác hỏi: "Với những phần việc ấy, các cô, các chú có làm được không?". Cả hội trường đồng thanh: "Kính thưa Bác, làm được ạ!”. Khắc sâu lời dạy của Người, ông Nguyễn Văn Minh không ngừng phấn đấu, rèn luyện. Ông từng là Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà; Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh và là đại biểu Quốc hội khóa III.

Đã thành thông lệ, vào Ngày Quốc khánh 2-9 hằng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Mão, 69 tuổi, ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh đều tụ hội con cháu, làm mâm cơm, thắp nén nhang thơm lên ban thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1966, một vụ ném bom thảm sát của đế quốc Mỹ xuống Trường cấp 2 xã Hương Phúc, huyện Hương Khê, cướp đi tính mạng của 33 học sinh; cô bé Mão và 24 người khác bị thương nặng. Sau đó, Mão được đi cùng đoàn cán bộ ngành giáo dục Hà Tĩnh ra Hà Nội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Biết chuyện, Bác Hồ đã mời đoàn vào Phủ Chủ tịch.

Bà Mão kể: “Tôi là cô bé nhỏ nhất đoàn nên được Bác đi tới ngồi bên cạnh. Bác hỏi thăm về lớp học và hoàn cảnh gia đình từng người. Nghe xong, Bác rưng rưng nước mắt rồi căn dặn các chú phải giúp đỡ các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Bác cầm tay tôi dặn dò phải cố gắng học tập, làm nhiều việc tốt, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau để trả thù cho cha và các bạn đã mất”. Khắc ghi lời Bác, cô học trò Nguyễn Thị Mão đã phấn đấu trở thành giáo viên tại Trường THPT Phan Đình Phùng. Hiện nay, bà Nguyễn Thị Mão vẫn tham gia các hoạt động thiện nguyện tại Tổ dân phố 5, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh.
 
D2022090703 2
Màn pháo hoa dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (1957-2022). Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI 
 
Có lẽ không chỉ ông Minh, bà Mão mà trong ký ức nhiều người dân, lãnh đạo các cấp Hà Tĩnh có may mắn được gặp Bác Hồ đều cảm thấy tự hào, trân quý và có thêm động lực phấn đấu. Đúng như lời phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15-6-1957 / 15-6-2022): “Những lời chỉ bảo ân cần, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy thành tích, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm, tạo động lực mới để vượt qua mọi khó khăn, lập nên nhiều kỳ tích trong kháng chiến cũng như trong thời bình”.

Nông thôn mới khởi sắc

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện Hương Khê được ví như “túi bom”, “chảo lửa” bởi giặc Mỹ đánh phá ác liệt hòng cắt đứt con đường chi viện của Quân đội ta. Cuộc sống người dân Hương Khê hôm nay đang hồi sinh mãnh liệt, bức tranh nông thôn mới (NTM) đổi thay từng ngày. Từ cầu treo Hương Thủy qua sông Ngàn Sâu, chúng tôi về thăm xã Hương Giang. Giữa mùa gặt, đồng ruộng rộn ràng như có hội. Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thuận, 47 tuổi, ở thôn 2, xã Hương Giang đón “niềm vui kép”. Con gái thứ của anh vừa thi đậu đại học với số điểm cao. Vườn bưởi hơn 100 gốc được mùa; đàn gia cầm, gia súc sinh sôi nảy nở. Anh Thuận tâm sự: “Trước đây làm ra sản phẩm nhưng không biết tiêu thụ ở đâu, lên thị trấn phải đi bộ, đi đò, mất cả ngày đường. Bây giờ thôn xóm liên kết sản xuất, nhà máy đến tận nơi thu mua nông sản, đời sống khá lên nhiều”.
 
D2022090703 3
TP Hà Tĩnh nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI 
 
Với lợi thế có hơn 17.878ha đất sản xuất nông nghiệp, năm 2016, huyện Hương Khê đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đến nay, huyện có 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh; 3.268 mô hình sản xuất cho doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Theo ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê: Nhờ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên hình thành các vùng sản xuất sản phẩm theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần thực hiện xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân.

Chia tay phố núi Hương Khê, chúng tôi có mặt tại huyện Thạch Hà, tham quan xã NTM kiểu mẫu Tượng Sơn. Đi trên con đường bê tông thẳng mịn, hai bên đường, hệ thống bờ rào phủ một màu xanh mướt, wifi phủ sóng khắp mọi nơi, nhiều người cảm giác như lạc vào khu du lịch sinh thái. Không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế khang trang, đạt chuẩn mà cốt lõi hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, Thạch Hà tập trung quyết liệt, khơi dậy sức dân, vì vậy, năm 2020 huyện đạt chuẩn huyện NTM. Năm 2021 có 43 khu dân cư được công nhận NTM kiểu mẫu. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 905 tỷ đồng (đạt 233% kế hoạch tỉnh giao, 178% kế hoạch huyện giao), đứng thứ hai toàn tỉnh”. Không riêng Thạch Hà, nhờ khơi dậy, tập hợp các nguồn lực xây dựng NTM, từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp nhất trong khu vực, Hà Tĩnh đã vươn mình trỗi dậy, được Chính phủ đánh giá thuộc tốp đầu của cả nước trong xây dựng NTM.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ngày nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Tiềm năng, lợi thế được đánh thức. Nhiều dự án có quy mô lớn được triển khai, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Diện mạo làng quê, khu phố có nhiều khởi sắc; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân Hà Tĩnh đang đổi thay. 
 
D2022090703 4
Biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt. Chỉ riêng năm 2021, tỉnh đã xây dựng 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh lũ bão, gần 3.500 nhà ở kiên cố cho các hộ dân với nguồn kinh phí gần 300 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt điểm cao vào đại học, đến nay, số tiền là hơn 16,5 tỷ đồng, hơn 130 em được hỗ trợ. Tình hình an ninh trật tự địa bàn luôn được giữ vững. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh vào ngày 11-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Vấn đề trọng tâm mà Hà Tĩnh cần thực hiện trong thời gian tới là đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát huy năng lực sản xuất, khoa học-công nghệ, năng lực cạnh tranh. Tỉnh ưu tiên và đa dạng hóa các nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa, biến truyền thống đoàn kết, văn hóa thành nguồn lực, biến di sản thành nguồn tài nguyên để thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho "tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên".
 
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 67,03 triệu đồng/người/năm, tăng 4,91 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Thu ngân sách đạt 16.915 tỷ đồng, vượt 38,9% kế hoạch. Nhiều dự án lớn được khởi công như: Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Sản xuất pin VinES do Tập đoàn Vingroup đầu tư; xúc tiến dự án sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Vũng Áng.

PHẠM KIÊN
Theo QDND.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây