Khi trại hè không như mơ

 

Những ngày này, trên các diễn đàn làm cha mẹ hay hội phụ huynh online đều rôm rả bàn tán việc có nên cho con đi trại hè hay không, kinh nghiệm đi như thế nào... Không ít trường hợp chia sẻ câu chuyện “dở khóc dở cười” của gia đình mình.

Chị Phạm Thanh Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) kể: “Năm ngoái, khi con gái tốt nghiệp tiểu học, mình đăng ký cho cháu tham gia một khoá trại hè 10 ngày về vùng nông thôn. Cháu khá phấn khích và hình dung sẽ có những trải nghiệm thú vị với công việc của các bác nông dân. Nhưng mọi thứ không như mong đợi. Suốt 10 ngày, các cháu phải lặp đi lặp lại lịch trình thức khuya dậy sớm trồng cây, tưới rau, cho lợn gà ăn giữa trời nắng nóng khiến ai cũng mệt mỏi và chán. Lịch trình cứng nhắc và hơi nặng so với tuổi các cháu. Sau chuyến đi, cháu bị ốm 1 tuần”.

“Sau khi tham gia một khoá trại hè hướng nghiệp hồi năm ngoái, con trai về kể lại rằng cả đoàn chỉ được đứng nhìn nhà máy từ xa và tìm hiểu các công đoạn sản xuất qua lời kể của cô phụ trách đoàn, nên rút cuộc vẫn chả hiểu gì. Năm nay, nhắc đến trại hè, cu cậu lắc đầu luôn”, anh Quốc Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện của mình.

Tin vào lời hứa hẹn của một đơn vị: “Con chắc chắn sẽ trưởng thành sau chuyến học hè Singapore. Bởi vì bé sẽ được học kỹ năng sống tại quốc gia văn minh hàng đầu thế giới, hành trình trải nghiệm học - chơi - dã ngoại giúp trẻ phát triển bản thân vượt trội, toàn diện cho năm học mới…”, chị Hải Ninh (Long Biên, Hà Nội) đã không ngại chi hơn 100 triệu đồng để con tham gia một khoá trại hè 2 tháng ở Singapore. Nhưng khi về đọc nhật ký của cháu, gia đình không khỏi hụt hẫng khi thấy không khác gì một chuyến du lịch đắt đỏ.

“Suốt thời gian tham dự trại hè, con và các bạn được đi tham quan vài địa danh. Tuy nhiên, mục đích chính là được giao lưu với các bạn ở nước ngoài, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh lại chưa đạt vì hầu hết đoàn là người Việt. Nơi ăn ngủ và sinh hoạt của các con cũng toàn người Việt và rất bình dân chứ không hề ấn tượng như trong quảng cáo”, chị Ninh cho biết.

Những câu chuyện như của chị Mai, chị Ninh hay anh Tuấn không hề hiếm, khi ngày nay, nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, các trung tâm tổ chức trại hè mọc lên như nấm. Chỉ cần lên mạng gõ tìm kiếm là ra hàng loạt chương trình học hè, trại hè bán trú trong nước và trại hè nước ngoài. Kinh phí từ vài triệu đến vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Để hấp dẫn phụ huynh, các trung tâm còn đưa ra rất nhiều khuyến mãi, ví dụ đăng ký trong tháng 5 thì giảm được 100 USD, có trung tâm còn tặng 1 triệu đồng/học sinh nếu rủ được thêm bạn cùng đi. Nhiều phụ huynh tin vào những lời quảng cáo hay phản hồi ảo trên facebook, nên thay vì đến tận văn phòng, trụ sở để tìm hiểu thông tin thì họ lại chọn trại hè cho con chỉ sau vài cú click chuột.

Trại hè, đừng để 'tiền mất tật mang'! - ảnh 1
Có nhiều cách để mang đến cho con một mùa hè ý nghĩa
 

Chuyên gia cảnh báo

Chia sẻ về vấn đề này, ThS Lê Thị Lan Anh (Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em) cho rằng phụ huynh cần xem xét, chọn những đơn vị tổ chức tin cậy, những khóa học phù hợp độ tuổi, sở trường lẫn năng khiếu của trẻ cũng như độ an toàn cho trẻ khi tham gia những khóa học này. Mặt khác, các khóa học hay trại hè chỉ thay đổi tác phong lối sống của trẻ trong vài tuần, bước đầu giúp trẻ ý thức về trách nhiệm bản thân nhưng cũng chỉ giới hạn tới đó nên phụ huynh đừng quá kỳ vọng xem đây là “chiếc đũa thần”.

 
 

Không phủ nhận lợi ích, hiệu quả của hoạt động trại hè, nhưng TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn cảnh báo, nếu không tìm hiểu kỹ nội dung các khoá học, chương trình trại hè, phụ huynh có thể đẩy con vào những hệ luỵ khôn lường.

“Có những chương trình cho các cháu vào rừng chơi nhưng không dạy các cháu kỹ năng sống trong rừng nên nhiều cháu về nhà với đầy vết côn trùng cắn, xây xước cơ thể. Nhiều chương trình không có tính giáo dục, chủ yếu chỉ vui chơi, giải trí, thoả mãn nhu cầu trông con của bố mẹ là chính. Các chương trình cũng không được thẩm định, dẫn tới nhiều chi tiết phản giáo dục, không phù hợp với trẻ nhỏ, ví như trại hè giới tính dành cho lứa tuổi tiểu học nhưng lại dạy trẻ về hậu quả phá thai”, TS Vũ Thu Hương nhận định.

Những nguy cơ rình rập xung quanh các chuyến đi trại hè không hề ít. Năm 2014, từng có 3 học sinh tử vong do đuối nước khi tham dự trại hè ở một ngôi chùa tại Hà Tĩnh. Trên diễn đàn của phụ huynh tiểu học miền Nam, một bà mẹ cũng từng nghẹn ngào kể lại việc con trai bị bạn cùng đoàn xâm hại khi tham gia chuyến đi trại hè. “Tôi thật sự sốc khi nghe con kể rằng lúc con đang ngủ thì một người bạn đã tụt quần, dí bộ phận sinh dục vào miệng của bé. Tôi đã phản ánh việc này lên trung tâm tổ chức chuyến đi nhưng họ cho rằng con tôi nói dối”, chị T.T.Hạnh chưa hết bức xúc.

“Những trường hợp như vậy không hề hiếm. Tôi cũng biết trường hợp một cháu gái đi trại hè về kể bị anh cộng tác viên trong đoàn sàm sỡ. Phụ huynh cũng làm ầm lên nhưng do đơn vị tổ chức không có giấy phép hoạt động nên khi xảy ra những sự cố như vậy thì rất khó giải quyết”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) cũng phân tích muốn có các kỹ năng như quảng cáo, phải cần vài năm với cách giáo dục hướng mục tiêu rõ ràng và phương pháp khoa học chứ không thể trông chờ vào những khoá học, trại hè ngắn ngày.

“Thật sai lầm khi nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng cho con tham gia vào một khoá học quân đội, một khoá tu ở chùa hay tham gia một kỳ trại hè là con sẽ có kỷ luật, có tình thương cha mẹ, tình yêu đất nước… Vai trò giáo dục gia đình đối với trẻ em là quan trọng nhất, các loại hình giáo dục khác chỉ là hỗ trợ. Mùa hè, thay vì đi xa tốn kém mà không hiệu quả, gia đình có thể cho con lựa chọn tham gia các khóa học bơi, bóng đá, bóng bàn, khéo tay nặn tượng, kỹ năng tự vệ hoặc các lớp năng khiếu như hội họa, múa hát, đàn... Hãy để con có một mùa hè như các cháu thực sự mong muốn”, Bác sĩ Nguyễn Trọng An nói.

 
 
Trại hè, đừng để 'tiền mất tật mang'! - ảnh 2
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em