Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 10 năm qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo nên tiền đề quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều quyết định trong quá trình triển khai thực hiện NTM ở cơ sở.
Đó cũng là bước chuyển quan trọng để đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tới gần 70% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước là 50,26%. Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.
Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của cả nước đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai vùng này có vai trò hết sức quan trọng trong cả nước vì có những nét đặc trưng, đặc thù riêng và là vùng đi tiên phong về các mặt; phát huy được lợi thế để đạt kết quả cao. Đặc biệt, vùng Bắc Trung bộ có xuất phát điểm khó khăn nhưng đã có nhiều sáng kiến trong xây dựng NTM, điển hình là phong trào xây dựng khu vườn mẫu ở Hà Tĩnh, chủ trương xây dựng NTM thôn, bản ở Nghệ An.
Riêng đối với tỉnh Nghệ An, với điều kiện đặc thù trên 83% diện tích là vùng miền núi dân tộc, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự phát triển bền vững của tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh có 431 xã thực hiện Chương trình với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 3,64 tiêu chí/xã. Sau 10 năm phấn đấu, đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; 226/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 xã thuộc huyện nghèo 30a, 02 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,64 tiêu chí/xã. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình thực tiễn tại các xã miền núi khó khăn, năm 2016, Nghệ An đã có chủ trương xây dựng thôn/bản nông thôn mới. Qua 3 năm thực hiện, đã có 667 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ rất ấn tượng và toàn diện. Tốc độ xây dựng nông thôn mới của vùng đứng thứ 3 cả nước. Nông thôn mới đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị từng địa phương trong vùng rà soát lại, so sánh với kết quả tổng kết toàn vùng, của các tỉnh, huyện, xã khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng. Đặc biệt, các tỉnh phải đánh giá, để phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể, nhưng không được huy động sức dân quá sức, mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân; đồng thời đề xuất các cơ chế khác để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, từng tỉnh, huyện, xã phải tiếp tục phấn đấu để có kết quả xây dựng nông thôn mới cao nhất năm 2020, không được chủ quan, thỏa mãn; đồng thời cần chú ý công tác xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào thực chất. Đo lường kết quả đạt được là mức độ hài lòng của người dân.