Phiên toà xét xử ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu từ ngày 20 – 21.2 và tôi đã đọc rất kỹ những đối đáp của hai bên tại phiên toà, thậm chí còn xem cả video để cảm nhận và đánh giá khách quan nhất về những tranh chấp của vợ chồng vua cà phê.
Là phụ nữ, tôi rất hiểu tâm tư, tình cảm của chị Thảo. Tôi hiểu sự thù hận của chị trong từng câu nói, hành động hay ánh mắt (kể cả khi chị khóc). Không hận sao được khi mà một ngày, chị bị chính người chồng “đầu gối tay ấp” bao nhiêu năm qua ký quyết định đuổi mình ra khỏi công ty.
Nhất là tại phiên toà, bà Lê Thị Ước - mẹ của ông Vũ, nói “Khi cô Thảo về cũng góp sức nhưng tiền bạc thì không”. Một câu nói phủ toẹt tất cả tuổi trẻ, công sức, tâm huyết và quan trọng hơn đó là sự góp sức nuôi dưỡng khát vọng của người mình yêu.
Vụ ly hôn của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Chị Thảo thật đáng thương. Nhưng cũng phải nói lại, đàn bà khi thù hận thường muốn làm tổn thương người đàn ông từng là của mình để trả thù. Có rất nhiều cách để làm tổn thương, nhưng chị Thảo lại chọn cách đối kháng, gieo vào lòng người chồng cũ của mình sự giận dữ, tìm cách hạ nhục nhân phẩm người chồng của mình. Sự thù hận khiến chị Thảo mất đi sự bình tĩnh và những người xung quanh chị cũng đã không giúp được chị đưa ra giải pháp tốt nhất. Vậy là chị Thảo đi kiện chồng, kiện Công ty Trung Nguyên. Ba năm với 18 vụ kiện, rồi lập công ty cà phê với thương hiệu KingKong để trở thành đối thủ của Trung Nguyên.
Nhưng có lẽ cách làm được cho là tồi tệ nhất chính là việc chị Thảo cố chứng minh chồng mình (ông Vũ) bị tâm thần. Có lẽ điều này đã khiến ông Đặng Lê Nguyên Vũ nổi giận và hai người không thể nhìn mặt nhau.
Một nguyên tắc bất thành văn, đó là, nếu hai người không thể cùng nhau đi hết con đường hạnh phúc thì hãy tôn trọng nhau, cư xử với nhau như những người bạn, nói với nhau những lời lịch sự. Điều này không phải vì ai cả, vì đó đều là bố (mẹ) của những đứa con mình. Những đứa trẻ tội nghiệp, ngây thơ vừa chịu cú sốc về sự tan vỡ của gia đình lại phải nghe những lời xấu xa về bố (mẹ) mình. Những đứa trẻ sẽ chịu đựng về những điều này như thế nào?
Về việc này có lẽ chị Thảo đã đi quá rồi. Đáng nhẽ chị Lê Hoàng Diệp Thảo hãy cứ là một phụ nữ yếu đuối trong hành động. Mưa dầm thấm lâu, đàn ông chỉ thương và bày tỏ lòng trắc ẩn với người phụ nữ yếu đuối. Tôi muốn nhấn mạnh, yếu đuối ở đây không phải là tỏ ra đáng thương để cầu cứu sự thương hại.
Còn ông Vũ, dường như ông không nói nhiều về những gì đã xảy ra, những gì chị Thảo làm khiến ông muốn ly hôn cho bằng được. Ông chỉ giải thích việc để chị Thảo thôi ở Trung Nguyên là để chị ấy rút lui về chăm lo cuộc sống gia đình, tĩnh tâm lại chứ không đuổi ra khỏi nhà.
Còn cuộc ly hôn, thực chất là sự tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên thông qua việc phân chia tài sản. Có lẽ vì vậy mà không ai nhường ai khi mà chia 70/30 hay 50/50 là một sự thay đổi lớn của Trung Nguyên về điều hành, quản lý sau này. Trung Nguyên là một thương hiệu lớn và linh hồn của nó là Đặng Lê Nguyên Vũ. Tất nhiên, gái có công chồng không phụ, chị Thảo là người nắm giữ toàn tiền mặt của công ty khi tài khoản tiền gửi ngân hàng toàn đứng tên Lê Hoàng Diệp Thảo. Tôi không bàn nhiều về góc độ này, chỉ nghĩ rằng, vì tranh chấp tiền mà đưa nhau ra toà, rồi nói với nhau những lời cay đắng, liệu những đứa con của họ sẽ đối diện ra sao với thực tế này?
Trong bức thư gửi bố mẹ, bốn đứa con của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ gồm Bin anh (Đặng Lê Trung Nguyên) và ba em là Đặng Lê Bình Nguyên (Bin em), Đặng Lê Thảo Nguyên (Tina), Đặng Lê Tây Nguyên (Tinin) chỉ “mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa”, còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì co kéo với nhau từng đồng trong cuộc phân chia tài sản.
“Tiền nhiều để làm gì?”, đây là câu hỏi của ông Vũ hay là của chính bốn đứa con của vợ chồng vua cà phê? Người lớn được quyền làm rất nhiều điều quyết định đến số phận con trẻ, nhưng hãy cố gắng đừng làm tổn thương những tâm hồn thơ trẻ đó.
Theo Minh Huệ Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn