Tích cực thay đổi diện mạo văn hóa nông thôn

Thứ tư - 25/09/2019 13:33
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện các tiêu chí văn hóa thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2020; đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện 2 tiêu chí văn hóa thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia vào ngày 27.9 tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

 

 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

10 năm qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” trên cơ sở quan điểm kế thừa những  thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp từng vùng, miền, dân tộc.

Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; ban hành theo thẩm quyền 07 thông tư hướng dẫn hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa các cấp, xây dựng đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Đối với xây dựng nông thôn mới, để thực hiện 02 tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 06 và 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, 01 chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, Bộ  đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện.

Dựa trên khung của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã ban hành những tiêu chí riêng, đặc thù phù hợp với điều kiện, văn hóa của vùng, miền, dân tộc, có những tiêu chí của địa phương còn cụ thể, cao hơn Bộ tiêu chí quốc gia. Đơn cử, về tiêu chí số 06, Quảng Ninh yêu cầu các thiết chế văn hóa có cảnh quan đẹp, tường rào bằng cây xanh, có hoạt động văn hóa thể thao thu hút đông đảo người dân, có biện pháp giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đề ra tiêu chí xã nông thôn mới phải có CLB văn hóa văn nghệ hoạt động thu hút đông đảo nhân dân tham gia…

 

 

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy

Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí: tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa), vừa thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá, thể thao vừa đặt ra yêu cầu đạt chuẩn các nội dung mềm - giá trị cốt lõi của văn hoá.

Những năm qua, thực hiện 2 tiêu chí văn hóa nói trên đã góp phần bảo tồn và phát triển nhiều giá trị di sản văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của vùng nông thôn với thành thị.

Thực hiện tiêu chí 06, năm 2010, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước có 4.161/9.823 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa đạt 42%; có 38.543/89.581 thôn có Nhà văn hóa, đạt 43%. Tính đến tháng 8.2019, cả nước có 7.035/8.982 (đạt 78,3%) Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã trong đó có 5.030/7.035 (đạt 71,4%) Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL.

Các địa phương quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo, văn nghệ, thể thao quần chúng. Đối với hoạt động thể dục thể thao, hiện có khoảng trên 70% xã đã dành quỹ đất cho thể dục thể thao, trong đó 7.380 sân bóng đá 11 người, 14.866 sân bóng đá mini, 10.101 phòng tập hoặc nhà tập, 766 hồ bơi hoặc bể bơi đơn giản, 997 bể bơi dưới 25 mét, 1510 bể bơi lắp ghép, trên 83.300 sân tập thể thao đơn giản. Phong trào tập luyện thể dục thể thao của nông dân phát triển với phương châm “Mỗi người chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện hàng ngày”. Đến nay, cả nước có trên 38.000 CLB thể dục thể thao trên địa bàn cấp xã hoạt động thường xuyên. Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao được chú trọng.

Nhiều nhân tố điển hình

Thực hiện tiêu chí 16, xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Trong đó, Phong trào TDĐKXDĐSVH là nhiệm vụ cốt lõi, 05 nội dung, 7 phong trào cùng với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã bao trùm, tác động đến mọi lĩnh vực, thành phần xã hội. Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhân dân hưởng ứng nên được duy trì và phát triển mạnh ở nhiều cơ sở với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với đặc thù của các địa phương, nhiều gương điển hình trong mọi lĩnh vực được suy tôn.

 Từ chiếc nôi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu, rộng, thu hút trên 90% gia đình sinh sống ở nông thôn. Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước, các phong trào của địa phương.

 

 

Mô hình đám cưới tập thể được nhân rộng

 Công tác xã hội hóa ở các địa phương trong cả nước được sự đồng thuận cao trong việc huy động nguồn lực xã hội, phát huy hiệu quả từ trong dân, người dân tự nguyện hiến đất tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đóng góp nhiều nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình của thôn, xóm trong đó có các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn.  Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn với sự tham gia của cộng đồng được nhiều địa phương thực hiện tốt, việc gắn phát triển đời sống văn hóa với xây dựng NTM đã tạo cho nhiều vùng nông thôn có môi trường cảnh quan “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

  Đáng chú ý, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần. Nhiều địa phương đã hình thành những mô hình đám cưới theo hình thức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, cưới gọn nhẹ, không thuốc lá và hạn chế rượu, bia. Mô hình đám cưới tập thể cho các đôi nam nữ tại các khu công nghiệp dần được nhân rộng.

 

 

Phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao

Hệ thống thiết chế văn hóa được quy hoạch, tạo không gian học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao cho người dân. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng đất nước.

Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú đa đạng không chỉ là những giá trị văn hóa ông cha ngàn đời để lại, là tài sản vô giá, mà còn là sản phẩm văn hóa - du lịch phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo riêng trong bảo tồn phát huy, giao lưu và truyền giữ các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt, đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn cũng đang được nâng cao một bước, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI.


Theo Báo Văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây