Mới 10 tháng tuổi, đang ăn ngủ yên lành, cách nay mấy hôm bé Phan Thanh Huyền lên cơn đau bụng quằn quại, người lả lướt mềm oặt, vòm bụng chướng lên lộ rõ những đường gân xanh, căng nhức. Ung thư máu, ung thư tủy, những kết luận xét nghiệm bệnh tình của con đã đó đánh thẳng vào trí não của đôi vợ chồng trẻ.
Chúng tôi tìm đến nhà bé Huyền ở xóm 15, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương (Nghệ An), ngay gần đường Hồ Chí Minh. Khoảng sân trước nhà trơ trọi, nắng miền gió Lào thông thống dọi thẳng, ôm trọn ngôi nhà trên nền đất đá màu gan gà nhức mắt. Trong nhà, người làng vào ra thăm hỏi xót xa, cửa sổ đóng kín, quạt chạy vù vù vẫn không xua đi được cái nắng hừng hực, trong phút chốc miệng lưỡi khô khốc.
Những cơn đau hành hạ bé Thanh Hằng suốt ngày đêm.
Bé Phan Thanh Huyền sinh ngày 16/7 năm ngoái, đến giờ, bé vừa được hơn 10 tháng tuổi ít hôm. Ngày 22/5 vừa rồi bé bỗng bỏ ăn, sốt cao từng cơn, quấy khóc. Bố mẹ đưa bé xuống bệnh viện Nhi Nghệ An ở thành phố Vinh. Tại đây, các xét nghiệm cho thấy bé bị ung thư máu. Bố mẹ bé xin làm lại xét nghiệm lần nữa, kết quả vẫn là ung thư máu. Mọi người rối bời bấn loạn, còn bé con lả đi trong vòng tay mẹ, lúc tỉnh bú được chút nào là nôn thốc nôn tháo.
Các bác sỹ khuyên nhủ gia đình ra Hà Nội, đến bệnh viện Nhi TƯ, dù chỉ còn ít phần trăm cơ hội, hi vọng những chẩn đoán của tuyến trên sẽ cho gia đình thêm hi vọng còn nước còn tát. Các bác sỹ cũng không quên dặn dò, gia đình phải chuẩn bị sẵn tâm lý rằng bé không đủ sức để đến được thủ đô. Bố mẹ, ông bà bé rối mù chuyện đi hay ở, trước cửa sinh vẫn còn hi vọng, mọi người đánh liều chuyển bé lên tuyến trên.
Tại bệnh viện Nhi TƯ, các bác sỹ tiến hành chọc tủy, kết quả xét nghiệm cho thấy bé không phải bị ung thư máu, mà còn nghiêm trọng hơn, là chứng bạch cầu cấp thể tủy, còn được gọi là ung thư tủy.
Việt đưa ra cho chúng tôi những giấy tờ đi viện, hầu hết đều xộc xệch vì cầm đi vội vã. Chẳng có chuyên môn y tế, những con số đo lường được của bé Thanh Huyền, cái cao cái thấp, chẳng có mấy chỉ số gần với cái ngưỡng tiêu chuẩn cho người bình thường. Chỉ số hồng cầu non có nhân chỉ ở mức 2%. Tỷ lệ thấp thảm hại.
Hằng nước mắt lăn tràn hai má, ánh mắt bất động nói thầm thì: “Các bác sỹ nói thay tủy gì đó thì bé phải hơn 1 tuổi, tuổi rưỡi, hai tuổi. Chứ bé dưới 1 tuổi thì không làm được. Con em giờ chỉ còn tính ngày, tính giờ, em không còn biết con em chờ đến được lúc nào” - Hằng mím môi cố thở dốc, khuôn mặt đỏ au vô vọng.
Từ thủ đô về lại nhà, những cơn đau bí bách lúc lúc lại làm cho bé Huyền váng vất quằn quại. Đau nhiều quá, bé con không còn cả sức để khóc, cứ hổn hển rên ngắt quãng. Không ăn được đồ ngoài, Thanh Huyền chỉ còn bú được sữa mẹ, nhưng khó nhọc đến nỗi không thể đi ngoài, trừ một lần được thụt hậu môn ở bệnh viện Sản - Nhi, Nghệ An.
Chứng bạch cầu cấp thể tủy làm cơ thể không sản sinh được hồng cầu, các bộ phận không được cung cấp nguồn máu sống sẽ dần dần hư hoại. Bụng chướng, gan lách to là những dấu hiệu đi xuống của cơ thể bé Huyền. Với cơ thể còn non nớt, nguy cơ ra đi chỉ tính trong thời gian ngắn. Từ hôm con phát bệnh, vợ chồng Việt - Hằng chưa đêm nào ngủ nổi, với nỗi ám ảnh không biết sẽ phải từ biệt con lúc nào.
Anh trai Hằng, Đặng Đình Hùng, sang thăm cháu nhưng ngồi nghe chuyện rồi bỏ ra sau nhà... ngồi khóc. Hùng chưa lấy vợ, nhưng chị gái rồi em gái lấy chồng, cậu Hùng vốn vô tư cũng quấn lấy các cháu. Đùng một cái bé Huyền đổ bệnh, Hùng ngày vài lần sang thăm, nhìn cháu một hồi rồi lại cứ ra sau nhà một mình.
Ông ngoại của bé, ở nơi xóm nhỏ của xã Thanh Khê cách đó hơn chục km đường mòn. Từ hôm bé Huyền phát bệnh, ngày ngày ông lại lên ngôi đền Phủ Quận linh thiêng trong vùng, cầu xin các vị thánh thần giúp giữ lại đứa bé mà mạng số đang treo đu đưa trên miệng vực tử thần. Ông quỳ rạp khẩn cầu, hơn mọi điều mà trước nay ông vẫn hương khói thắp xin các vị, chỉ một mong ước giữ lại đứa cháu mới chỉ mới biết chững biết ngồi, đừng đưa con trẻ của ông đi mất.
Vợ chồng Việt và Hằng mở điện thoại cho tôi xem những tấm ảnh khi bé Thanh Huyền lúc còn khoẻ mạnh. Mỗi thời khắc con lớn, đôi vợ chồng trẻ lại chụp hàng chục tấm hình. Bé biết lật, rồi bò, bước lẫm chẫm.. bé biết làm trò, nghịch ngợm với bố mẹ ông bà. Những tấm hình lướt qua ngập tràn tròn vẹn, bởi thế, không ai ngờ có một tuần giông bão vừa qua.
Chị Phan Thị Duyên và Phan Thị Quyên, hai chị em nhà hàng xóm sát vách từ hồi nhỏ của mẹ bé Huyền, đi cùng chúng tôi sang thăm bé. Trời nắng hừng hực, cung đường mòn khu vực biên giới nối từ xã Thanh Khê qua xã Thanh Hà, người vắng ngắt, vào vụ mùa, người dân đưa lúa mới gặt ra phơi, rơm rạ chuyển từ xanh ươm sang ngả vàng trên mặt đường rột roạt. Nắng gay gắt, ảo ảnh như sương mờ trên mặt đường nhựa hầm hập. Quyên ngồi sau xe, cứ sụt sùi nước mắt, quãng đường mòn láng nhựa trải dài như vô tận..
Tôi thấy mắt mình cay cay, thấy vợ chồng Việt Hằng đắng chát cả khoé mắt. Tôi nhận thấy, để đổi lại sự bình yên cho bé con đang chịu đau vật vã, cái gì Việt và Hằng cũng cam chịu hết thảy rồi. Việt có một điểm sửa xe máy ngay gần nhà, nhưng khách chẳng có mấy, đoạn đường mòn này, trâu bò qua lại có ngày còn đông hơn người. Nhưng ngoài 3 sào vườn, nhà chẳng có việc gì hơn nữa. Để có tiền chữa bệnh cho con, đến cả bán đất đai vườn đồi này cũng không đủ để chữa trị cho con.
Đôi vợ chồng trẻ ấy chỉ có một ước ao, rằng có ai đó, biết cái chứng bệnh nan y kia, vẫn còn cách để chữa trị, rằng ở đâu đó trên thế gian này có phương thuốc thần kỳ mà chẳng nhiều người biết, chỉ cho họ con đường để cứu con.Từ lúc rời xã Thanh Hà về xuôi, tôi bỗng thấy ám ảnh mỗi khi tiếng chuông điện thoại kêu. Tôi sợ các cuộc gọi, tin nhắn đó xuất phát từ số điện thoại của đôi vợ chồng đang cháy lòng kia thông báo điều gì đó khủng khiếp.
Những dòng chữ này viết ra giữa đêm hè không khí vẫn oi nồng ngột ngạt. Chỉ cách bức tường gạch, thời tiết như ở những điểm đối nghịch nào đó của quả địa cầu. Trong căn nhà dưới triền đồi núi xã Thanh Hà xa xôi kia, tiếng quạt điện vẫn đang chạy vù vù hòng xua đi cái nóng rực vào đêm sáng trăng của miền đồi khát. Với niềm khát khao được sống của bé Thanh Huyền mới 10 tháng tuổi kia, có lẽ chỉ một chút ít hơi mát điều hòa, một giấc ngủ đêm nay của bé sẽ đỡ hơn những cơn đau oằn bụng... Và cầu mong bé sẽ vượt qua cơn bĩ cực này.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn