Thiếu nữ người Chứt ở bản Rào Tre 'tiên phong' vào đại học

Thứ hai - 27/09/2021 06:41
Từ một tộc người du canh du cư, phải trông chờ vào sự trợ giúp hoàn toàn của Nhà nước và BĐĐP Hà Tĩnh, giờ đây người Chứt đã ổn định cuộc sống. Và quả ngọt đầu tiên là bản đã có nữ sinh dân tộc Chứt đầu tiên đỗ đại học, khắp bản làng ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Với các em thiếu nhi, Tết Trung thu đã trở thành một ngày đặc biệt. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới không được vui Tết Trung thu và nhận những món quà dành cho thiếu nhi. Để các em nhỏ nơi đây có một Tết Trung thu trọn vẹn, các đơn vị BĐBP trên khắp các tuyến biên giới đã phối hợp với nhiều đoàn thể tổ chức nhiều chương trình với mong muốn mang đến cho trẻ em biên giới một cái Tết Trung thu đủ đầy, ấm cúng và ý nghĩa.

Hành trình vượt khó để tìm con chữ
 
Hồ Thị Sương là chị cả, sinh ra trong gia đình có 4 chị em. Mẹ Sương làm mẹ đơn thân nuôi 4 chị em. Để có tiền sinh hoạt, ngoài khoản trợ cấp của Nhà nước, mẹ Sương phải đi giúp việc xa nhà để có chi phí nuôi 4 chị em Sương. Bốn chị em Sương sinh hoạt trong căn nhà gỗ lụp xụp rộng hơn 60 m2. Bên trong có vài chiếc nồi, bát đũa cũ kỹ, tài sản giá trị nhất là bộ bàn ghế nhựa mà chị em Sương thường dùng để học bài.

2021092701 1
Em Hồ Thị Sương là nữ sinh dân tộc Chứt đầu tiên ở bản Rào Tre đỗ đại học
 
Cuộc sống lam lũ vất vả nên Sương rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó. Hàng ngày Sương thay mẹ nấu ăn, giặt quần áo, dạy dỗ ba em... Đến nay, em trai thứ hai 17 tuổi đã nghỉ học đi làm thuê ở Nghệ An, em trai thứ ba 15 tuổi đang học trường nội trú ở thị trấn Hương Khê, cậu út 9 tuổi học Tiểu học tại xã Hương Liên.

"Cuộc sống vất vả nhưng mẹ em còn vất vả hơn. Một mình mẹ làm đủ nghề, cứ ai thuê gì thì mẹ làm nấy, em rất thương mẹ. Khi mẹ đi làm xa, bà con trong bản cũng đùm bọc, che chở và giúp đỡ bốn chị em em rất nhiều. Vì vậy, em nghĩ mình càng phải cố gắng để không phụ lòng của mẹ và mọi người trong bản", Sương bộc bạch.

Ông Đinh Văn Sảnh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên (huyện Hương Khê) cho biết, hoàn cảnh của gia đình em Sương rất khó khăn. Cuộc sống chủ yếu đang dựa vào những khoản trợ cấp của Nhà nước.
 
2021092701 2
Sương (bên trái) cùng các bạn trong một giờ nghỉ giải lao của buổi học ở trường
 
Bản thân Sương luôn quyết tâm và nỗ lực theo đuổi học tập để có việc làm, đổi thay cuộc sống sau này. Năm lớp 11, Sương đặt quyết tâm vào đại học để mọi người nhìn mình bằng một con mắt khác và trên hết là làm cho mẹ vui.

"Ở bản Rào Tre, em được các chú bộ đội và thầy cô giúp đỡ, định hướng nên em cố gắng học tập với hi vọng sau này có thể thay đổi được điều gì đó trong cuộc sống của mình. Nghĩ vậy nên em khao khát được đi học, được ra môi trường lớn hơn để trải nghiệm, để trưởng thành", Sương tâm sự.

Những năm Sương theo học tại trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đóng ở thị trấn Hương Khê, ba em của Sương được bà ngoại sống trong xã đến ở cùng và chăm sóc. Ngày nghỉ cuối tuần, Sương bắt xe buýt vượt gần 30 km về Rào Tre dọn dẹp nhà cửa, làm một số việc đồng áng. Nhiều năm qua, gia đình em làm một sào ruộng, mỗi năm gieo cấy hai vụ để đỡ tiền mua gạo.

Quả ngọt đầu tiên của bản Rào Tre
Kỳ thi Đại học năm nay, Sương nộp hồ sơ vào khoa Sư phạm, ngành Giáo dục mầm non của Đại học Hà Tĩnh. "Trẻ em dân tộc Chứt thiệt thòi, học tiếp thu không nhanh bằng các bạn, bố mẹ ít quan tâm đến việc học tập của con. Ước mơ của em trở thành giáo viên mầm non để sau này về dạy dỗ các học sinh, trẻ em dân tộc của mình", Sương chia sẻ về lý do chọn ngành Sư phạm mầm non.

Cô Trần Thị Lê Na, giáo viên Chủ nhiệm lớp 12, trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, Sương rất cầu tiến, luôn nỗ lực vượt khó. "Sương học tốt các môn văn hóa. Những lần thi thử đại học tại trường đạt điểm chưa mong muốn, em gọi điện bảo rất lo lắng. Tôi động viên em không được bỏ cuộc, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp", cô Na cho hay.
 
2021092701 3
Một góc của bản Rào Tre

Nhờ sự cần cù, siêng năng, sau những tháng ngày vất vả, cố gắng, niềm vui đã mỉm cười với người con của bản Rào Tre khi trong đợt xét tuyển đại học năm nay, Sương may mắn có tên trong danh sách trúng tuyển, khi đạt được 22,88 điểm khối M01 (Ngữ Văn, Năng khiếu đọc diễn cảm, kể chuyện, năng khiếu hát, nhạc).

Thầy Đặng Bá Hải, Hiệu phó trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại huyện Hương Khê) cho biết, Sương là cô học trò chăm ngoan, cầu tiến. "Việc đỗ vào đại học của em Sương thực sự là một điều tuyệt vời. Ngoài sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các thầy cô giáo thì bản thân em Sương đã có một sự nỗ lực rất lớn", thầy Đặng Bá Hải cho biết.

Ông Đinh Văn Sảnh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: "Cả bản làng ai cũng vui cho niềm vui của cô học trò nhỏ. Việc bước vào đại học của Sương mở ra một hành trình, một chặng đường tươi sáng hơn cho người Chứt. Mấy hôm nay bà con dân bản ai cũng rộn ràng, vui tươi bởi có người trong bản đỗ đại học", ông Sảnh nói.

Theo trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), Sương là người đầu tiên sống tại bản đỗ đại học. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận, minh chứng cho việc bà con đang nỗ lực vượt qua đói nghèo. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, sáng ngày 23/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã tổ chức lễ nhận đỡ đầu em Sương học đại học với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng trong vòng 4 năm.

Tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ Sương mỗi tháng một triệu đồng trong bốn năm đại học (mỗi năm được cấp kinh phí 10 tháng), nguồn kinh phí trích từ "Qũy hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".

"Quỹ ưu tiên sinh viên đạt 3 môn trên 27 điểm, song Sương là trường hợp được đặc cách. Tỉnh muốn tạo điều kiện để nữ sinh hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo, nếu có thể thì sau này sẽ trở về hỗ trợ các em nhỏ tại bản làng", ông Đoàn Đình Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, nó
 
Cách đây hàng chục năm, trong quá trình làm nhiệm vụ trên những cánh rừng già giáp biên giới Việt – Lào, tổ công tác của BĐBP Hà Tĩnh phát hiện một nhóm khoảng 30 người dân tộc Chứt, sống trong hang đá. Họ phải thường xuyên đối diện với đói rét, bệnh tật, suy giảm giống nòi. Sau đó, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào Chứt về dưới chân núi Kà Đay, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh dựng nhà, lập bản Rào Tre và định cư đến bây giờ. BĐBP đã hướng dẫn bà con khai hoang đất để trồng lúa nước, mở lớp giảng dạy xóa mù chữ cho nhân dân, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu. BĐBP Hà Tĩnh cũng đã đầu tư xây dựng tại đây một bệnh xá quân dân y kết hợp để trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng.
Theo thoidai.com.vn

Link gốc: https://thoidai.com.vn/thieu-nu-nguoi-chut-o-ban-rao-tre-tien-phong-vao-dai-hoc-151860.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây