Ông Đoàn Tử Quang 21 lần đi thi, đến năm 82 tuổi mới đậu cử. Ảnh: Lao Động.
Ông Đoàn Tử Quang là tấm gương hiếu học hiếm thấy trong lịch sử. Theo sách Những tấm gương hiếu học, năm Thành Thái thứ 12 (1900), triều đình tổ chức khoa thi Hương tại Nghệ An. Chánh chủ khảo của kỳ thi là Khiếu Năng Tĩnh và Phó chủ khảo Mai Đắc Đôn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ. Họ hỏi ra mới biết, đó là Đoàn Tử Quang, năm đó ông vừa tròn 82 tuổi.
Hai vị quan thấy lạ vì thí sinh 82 tuổi vẫn còn đi thi. Sau khi tìm hiểu gia cảnh của ông, họ mới biết ông Đoàn Tử Quang là con của bà Lê Thị Thậm. Chồng mất khi mới 17 tuổi, bà nhất quyết không đi bước nữa, ở lại nuôi con, sau đó được vua ban biển “tiết hạnh khả phong”.
Từ nhỏ, Đoàn Tử Quang được mẹ dạy bảo, khuyến khích học hành, để theo đuổi khoa cử, lập công danh với đời. Ông sáng dạ, học rất giỏi nhưng “thi phận”.
Tại khoa thi hương năm Canh Tý 1900, cả trường thi Nghệ An đều ngạc nhiên trước một trường hợp gần như chưa từng có trong lịch sử khoa cử Việt Nam: một thí sinh 82 tuổi, râu tóc bạc phơ bước vào trường thi đua tài cùng khoảng 4.000 mái đầu xanh đáng hàng con cháu.
Hầu hết mọi người đều lo lắng cho sức lực cụ già không địch nổi với lứa tuổi thiếu niên tài hoa. Các quan viên cũng tìm nhiều cách thử khả năng của thí sinh đặc biệt này, và ngạc nhiên khi “duyệt lại thấy không có chữ nào nét đậm nét lạt, hàng xiên hàng thẳng cả”.
Bài thi của cụ Đoàn Tử Quang năm ấy, theo nhận xét của quan chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh, chính là “địch thủ” của thí sinh Phan Bội Châu: “Trong bốn kỳ văn quyển thấy nét chữ, cốt cách còn dư tươi, tuy rằng giải nguyên khoa này, Phan Bội Châu ba mươi bốn tuổi tưởng không có thể lấy nét chữ ăn lão được một mảy...”.
Tuy vậy, kết quả bốn vòng thi cụ Quang đã đạt hai vòng ưu, một vòng thứ, một vòng bình. Lẽ ra ông được xếp thứ nhì, nhưng trong bài thi bỏ sót mất một chữ nên xếp hàng áp chót, thứ 29/30 người đậu.
Có bằng cử nhân, dù đã quá tuổi theo quy định nhưng ông Đoàn Tử Quang cũng được bổ nhiệm làm chức quan huấn đạo (lo việc học hành) ở huyện Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh). Đến năm 1903, ong xin cáo quan về quê để phụng dưỡng mẹ già. Ông mất vào ngày 7/2 năm Mậu Thìn 1928, thọ 110 tuổi. Cuộc đời ong quả là hiếm hoi, sống qua suốt 13 đời vua Nguyễn từ Gia Long cho đến Bảo Đại, từng chứng kiến biết bao thăng trầm của vận nước.
(T/h)
Thanh Tùng
Theo