Hà Tĩnh đã có một chiến lược làm bóng đá rất riêng, thay vì đào tạo trẻ đi dần từng hạng đấu, họ thành lập Công ty cổ phần Bóng đá Hà Tĩnh, đàm phán với Công ty cổ phần thể thao T&T chuyển giao Hà Nội B. Mọi việc được thực hiện nhanh đến mức, có đội bóng trong tay mà chưa có sân thi đấu, điều mà chỉ có bóng đá Việt Nam mới làm thế.
Trong tay HLV Phạm Minh Đức có 30 cầu thủ thì 16 cầu thủ thuộc diện chuyển giao hẳn, 10 người còn lại là năng khiếu của lò đào tạo trẻ Hà Nội (trực thuộc T&T) cho mượn ở dạng biệt phái có thời hạn. Ngoài ra, còn có 4 cầu thủ được bóng đá Hà Tĩnh chuyển nhượng từ các đội chuyên nghiệp và hạng nhất.
Mùa bóng sau, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ phải “thay máu” gần nửa đội hình. Ảnh HTFC.
Tân vương giải hạng Nhất đã thể hiện đẳng cấp vượt trội so với 11 đội còn lại. Sau 22 vòng đấu, họ thắng 17, hòa 1, thua 3 được 53 điểm hơn đội Phố Hiến đứng nhì tới 13 điểm, vô địch sớm 2 vòng đấu. Hàng công ghi được 50 bàn thắng, hàng thủ chỉ để thủng lưới 15 bàn, thuộc diện tốt nhất hạng Nhất.
Nhưng câu chuyện sân chơi V.League chưa bao giờ dễ dàng với các tân binh. Đúng như HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh): “Lên V.League vui cũng lắm, nhưng lo cũng nhiều”. Đơn giản là trình độ chuyên môn giữa hạng Nhất và V.League có khoảng cách lớn, sân chơi V.League cũng khắc nghiệt hơn nhiều. Hơn ai hết các cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh nhìn thấy Viettel, nội binh thì có các tuyển thủ Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Tiến Dũng, Việt Phong cùng các tuyển U22 như Hoàng Đức, Trọng Đại mà vẫn trầy trật.
Trong số các cầu thủ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chỉ mới có tiền đạo Tuấn Hải và hậu vệ Việt Anh được gọi lên tuyển U22 Việt Nam, được coi là có thể tiệm cận với V.League. Đơn giản là khi đá sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, có 4 ngoại binh, cầu thủ nhập tịch cùng các đối thủ già rơ, nhiều cầu thủ trẻ bị khớp.
Đối đầu với hiện thực
Ngay từ bây giờ HLV Phạm Minh Đức đã tính toán đến nguồn tuyển ngoại binh và các nội binh, bởi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ phải “thay máu” gần nửa đội hình. Tiêu chí của HLV này khi tuyển nội binh là ưu tiên những gương mặt từ 25 đến 27 tuổi, không cần là ngôi sao, nhưng phải có đẳng cấp và khát vọng và có tính đển bản sắc vùng miền.
Đóng quân tại Hà Tĩnh nhưng hiện đội chỉ có 2 cầu thủ gốc Nghệ nhưng chủ yếu đá dự bị. Đó là tiền vệ trung tâm Trần Đức Trung sinh năm 1991 ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An. Năm lên 14 tuổi, Đức Trung quyết định “xuống núi” gia nhập lò đào tạo VST, nay là VSH T&T của cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng. Nhờ nỗ lực tập luyện, Trung được hợp đồng chuyển từ Trung tâm VST ra đội trẻ Hà Nội T&T.
Hậu vệ phải Phan Bá Hoàng trong lễ trưởng thành tại VPF. Ảnh FBNV
Khi Hà Nội “chuyển khẩu” vào Sài Gòn, Đức Trung đến với CLB Xi măng Fico Tây Ninh và mang băng đội trưởng. Tại giải hạng Nhất 2017, Trung thường xuyên góp mặt trong đội hình chính thức, bao quát tốt tuyến giữa và có cho riêng mình 5 bàn thắng. Chia tay đội bóng miền Đông Nam Bộ, Đức Trung chuyển về đầu quân cho CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Cầu thủ còn lại là hậu vệ phải Phan Bá Hoàng sinh ra và lớn lên ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà. Năm 2009, khi vừa tròn 10 tuổi, anh được gọi vào đội bóng nhi đồng Lộc Hà, thi đấu Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hà Tĩnh và giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Sau đấy, hậu vệ trẻ này vào TP. HCM gia nhập lò PVF. Tại VCK U19 năm 2017, Bá Hoàng mang áo số 2 có một giải đấu đáng nhớ khi lọt vào đội hình tiêu biểu. Sau đó, Bá Hoàng được HLV Vũ Hồng Việt đưa vào danh sách tuyển U19 Việt Nam dự giải U19 Quốc tế tổ chức ở Khánh Hòa và đoạt chức vô địch. Hậu vệ này còn được gọi lên tuyển U18 Việt Nam chuẩn bị cho giải U18 Đông Nam Á 2017 diễn ra ở Myanmar.
Làm thế nào để trụ lại V.League, đá thể nào để khán giả Hà Tĩnh ủng hộ đã và đang là vấn đề không đơn giản với nhà vô địch hạng Nhất vào mùa giải năm sau.