Nhật Bản thua Ba Lan 0-1 trong một trận đấu lượt cuối bảng H diễn ra đêm 28.6 (giờ VN) khi Samurai đã cố ý câu giờ ở cuối hiệp 2. Bởi các tuyển thủ Nhật Bản thời điểm đó biết rằng họ sẽ đi tiếp nếu đừng để bị phạt thêm 2 vàng hoặc Senegal cầm hòa Colombia trong trận đấu cùng giờ.
Kết thúc lượt trận này, Colombia (thắng Senegal 1-0) đứng đầu bảng với 6 điểm, còn Nhật Bản đứng thứ nhì và đi tiếp nhờ chỉ số fair-play khi có cùng 4 điểm cũng như hệ số bàn thắng với Senegal. Thế nhưng, những màn chuyền bóng nhàm chán ở cuối hiệp 2 của đoàn quân HLV Akira Nishino đã vô tình làm xấu hình ảnh bóng đá Nhật Bản vì họ đi tiếp nhờ “fair-play” nhưng lại thể hiện theo cách “không fair-play”.
Ken Yazawa, một chuyên gia quảng cáo nói với AFP: “Lối chơi của đội chắc chắn có chút ám muội và chẳng dễ chịu gì khi nghe đám đông la ó, phản đối như thế. Nhưng thôi cũng tốt mà, chúng tôi đã vào được vòng đấu loại trực tiếp, nên chẳng biết tôn vinh cái nào”. Cổ động viên 44 tuổi này nói tiếp: “Đây mới chỉ là lần thứ 3 đội tuyển của chúng ta đã tiến xa như thế. Hy vọng chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, mặc dù bây giờ đội bóng cần phải đánh bại Bỉ để có mặt ở tứ kết. Ôi, một cơn ác mộng!”
Theo Reuters, chiến thuật thi đấu của Nhật Bản ở trận những phút cuối hiệp 2 trong trận thua Ba Lan đã bị la ó, phản đối ngay trên sân và sau đó là trên mạng truyền thông xã hội. Một số người dùng Twitter của Nhật Bản thậm chí đã không tiếc gạch đá để ném HLV Akira Nishino vì ông này đã lệnh cho các học trò giữ bóng trên phần sân của mình.
Nhật Bản đã trở thành đại diện duy nhất của châu Á góp mặt ở vòng 1/8 World Cup 2018 khi dù thất bại 0-1 trước Ba Lan nhưng vẫn đứng thứ 2 tại bảng H bởi Senegal thất bại trước Colombia.
Một CĐV mỉa mai việc Nhật Bản trở thành đội tuyển đầu tiên vượt qua vòng bảng nhờ luật “fair-play” của FIFA (do lãnh ít thể vàng hơn so với Senegal): “Thật buồn cười khi mà Nhật Bản lại đi tiếp nhờ lối chơi phản bóng đá, nhưng chúng ta sẽ phải sống để chiến đấu trong một ngày khác”. Một CĐV khác lại đổ lỗi cho FIFA vì đã đưa ra quy định này. Người này bình luận trên Twitter sau khi kết thúc trận đấu rằng: “Tôi ngờ rằng FIFA mong muốn được chứng kiến quy định fair-play của họ sẽ được sử dụng một cách không fair-play như thế”.
Trong khi đó, một số người Nhật Bản muốn xoa dịu tình hình khi đội nhà bị các chuyên gia và bình luận viên của các đài truyền hình trên thế giới chỉ trích gay gắt. Một người đăng tải bình luận về hành động CĐV Nhật Bản tự giác hỗ trợ làm sạch khán đài sau các trận đấu: “Nào chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau nhặt rác và thu thập điểm fair-play”.
Tuy nhiên, hầu hết những người làm công ăn lương ở Nhật Bản lại chẳng biết hoặc không quan tâm mấy đến những phản ứng tiêu cực mà lối chơi cầm bóng câu giờ của Samurai đã “trình diễn”. Takkyu Watari, một nhân viên 28 tuổi, nói: “Tôi thật sự không quan tâm đến cách mà Nhật Bản đã chơi để đi tiếp. Tôi xem trận đấu này trong một quán rượu và chẳng có người nước ngoài nào đến chúc mừng chúng tôi, đúng là như vậy đó. Tuy nhiên, tôi không cho rằng tuyển Nhật Bản đã làm điều gì sai trái”.
Trong khi đó, Kenji Kurematsu, một nhân viên công ty du lịch 52 tuổi, chia sẻ: “Tôi mong là mình đã không xem hiệp hai của trận đấu. Nó diễn ra rất chán và tôi lại có một cuộc họp với khách hàng vào sáng nay”. Cuối cùng, một nữ CĐV 41 tuổi có tên Kumiko Chida thì nói thẳng thừng: “Tôi chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ mất hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới”.