Cầu thủ trẻ và kỹ năng sống

Thứ sáu - 10/05/2024 07:15
Trong vụ án ma túy có liên quan đến 5 cầu thủ của CLB Hà Tĩnh, sự xuất hiện cái tên tuyển thủ U23 Nguyễn Ngọc Thắng là một thông tin rất buồn. Chúng ta chưa biết tiền đạo trẻ này đã vi phạm lâu chưa, nhưng rõ ràng, một cầu thủ đang có tương lai tốt đẹp trước mắt mà tự hủy hoại sự nghiệp của chính mình, thật đáng tiếc.
D2024051003
Đinh Thanh Trung, một trong những cầu thủ Hà Tĩnh đang bị điều tra vì sử dụng chất cấm. Ảnh: MINH HOÀNG
 
Trước đó, đầu năm 2024, ở vụ án đánh bạc tại CLB Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 5 cầu thủ bị khởi tố, có đến 4 người sinh từ năm 2002 trở về sau. Nghĩa là họ còn rất trẻ, có thể một vài năm nữa sẽ được lên đá chuyên nghiệp với thu nhập cao hơn, tiền đồ sáng lạn hơn.

Bóng đá Việt Nam không thiếu những sự việc đau lòng khi cầu thủ trẻ lại vi phạm pháp luật ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Thông thường, sự nghiệp của họ cũng gần như kết thúc sớm nếu phải chịu án tù hay kỷ luật dài hạn. Có thể kể tên những tài năng trẻ như Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng, Nguyễn Thành Long Giang … Tưởng chừng những bài học đó đã vô cùng lớn, vô cùng đắt giá cho những thế hệ kế tiếp, vậy nhưng trong khoảng 3 năm gần đây, nhất là sau dịch Covid-19, đa số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật đều liên quan ít nhiều đến cầu thủ trẻ.


Qua những vụ việc như thế, việc xem xét lại khâu đào tạo, nhất là ở mảng văn hóa, đương nhiên là việc phải làm. Nhưng việc bổ sung kỹ năng sống, sinh hoạt xã hội khi họ bước vào thi đấu chuyên nghiệp cũng nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, bóng đá Việt Nam đang bỏ trống hoàn toàn. Cùng một “lò” đào tạo nhưng nhiều cầu thủ vẫn phát triển tốt sự nghiệp, số ít khác thì không dù họ là những tài năng. Chính Nguyễn Thành Long Giang, người từng bị cấm thi đấu vĩnh viễn do cá cược bóng đá, khẳng định cầu thủ bây giờ dễ nhúng chàm hơn thế hệ của anh. Thứ nhất là thu nhập cao, sau đó là việc dùng mạng xã hội mà không có sự giám sát hay trang bị kiến thức cần thiết để tránh xa cám dỗ. Và nguyên nhân tiếp theo nữa, là bóng đá Việt Nam hiện chưa có tính cạnh tranh cao hơn trước, cầu thủ dễ bị lôi kéo trong khi sinh hoạt xã hội của họ lại tự do hơn các thế hệ trước rất nhiều.

Nói cách khác, chưa có nhiều sự quan tâm đến việc cung cấp kỹ năng sống cho cầu thủ trong khi môi trường lại quá dễ biến chất. Nặng thì vi phạm pháp luật, nhẹ thì mải lo đánh bóng hình ảnh cá nhân mà chểnh mảng tập luyện, thiếu chuyên nghiệp trong thi đấu, mà vụ việc của tiền đạo trẻ Nguyễn Đình Bắc mới đây là điển hình.

Kêu gọi ý thức của cầu thủ là một chuyện, giúp họ có được ý thức về nghề nghiệp hay cao hơn, là trách nhiệm với khán giả, xã hội, chính là việc những “người lớn”, nhà quản lý, huấn luyện viên nên quan tâm. Nhưng đây lại là khoảng trống lớn của bóng đá Việt Nam và liệu rằng đây chính là một nguyên nhân ít được nhắc đến trong cuộc khủng hoảng chất lượng cầu thủ trẻ hiện nay. Khi cầu thủ bị tác động xã hội quá nhiều, thiếu kỹ năng sống, chuyện họ không chuyên tâm cho sự nghiệp cũng dễ hiểu.
YẾN PHƯƠNG
Theo thethao.sggp.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây