TRANH CÃI "HỘ CHIẾU VẮC XIN COVID-19" ĐỐT NÓNG THẾ GIỚI

Thứ hai - 01/03/2021 06:29
Cuộc tranh cãi về hộ chiếu vắc xin Covid-19 đang diễn ra ở nhiều nước, từ Mỹ tới châu Âu, sau khi một số hãng hàng không trên thế giới dự kiến sắp yêu cầu khách có chứng nhận đã tiêm vắc xin mới được phép bay.
 
2021030101


Với các chính phủ và ngành du lịch thế giới, vừa có một thuật ngữ mới đi vào từ điển từ vựng: hộ chiếu vắc xin Covid-19.

Một trong những mệnh lệnh hành pháp được Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành gần đây là yêu cầu các cơ quan chính phủ "đánh giá tính khả thi" của việc liên kết các chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 với các mũi tiêm chủng khác để tạo thành một hệ thống chứng nhận điện tử.

Mỹ không phải quốc gia duy nhất hành động như vậy. Chính phủ Đan Mạch trong tuần này cũng tuyên bố sẽ tung ra hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số trong vòng 3-4 tháng tới, cho phép các công dân chứng minh họ đã được tiêm phòng trong quá trình xuất nhập cảnh.

Không chỉ các chính phủ đề xuất triển khai hộ chiếu vắc xin. Các hãng hàng không lớn như Etihad Airways hay Emirates cũng dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng chứng nhận điện tử được phát triển bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế mang tên IATA Travel Pass. Chứng nhận này cho phép hành khách cung cấp cho hãng hàng không và các chính phủ những thông tin quan trọng về việc họ đã được tiêm vắc xin Covid-19 hay chưa và lịch trình du lịch của họ ra sao.

Thách thức lớn nhất với các chính phủ lúc này là làm thế nào tạo ra một hộ chiếu vắc xin được chấp nhận trên toàn thế giới mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư và đảm bảo mọi công dân có thể truy cập vào hệ thống hộ chiếu điện tử bất kể họ giàu hay nghèo, họ có sử dụng smartphone hay không.

Hộ chiếu vắc xin là gì?

Hộ chiếu vắc xin là tài liệu chứng minh một công dân đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Một số phiên bản hộ chiếu thậm chí có thể cho phép công dân chứng minh họ đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nhờ đó có thể di chuyển dễ dàng hơn, vượt qua các hạn chế nhập cảnh. Phiên bản hộ chiếu vắc xin hiện đang được các hãng hàng không, các tổ chức phi lợi nhuận và công ty công nghệ phát triển cho phép công dân mang theo hộ chiếu điện tử đi khắp nơi bằng cách cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động của họ.

"Đó là nỗ lực số hóa một quy trình đang diễn ra và biến nó thành một thủ tục dễ dàng hơn, cho phép mọi người di chuyển giữa các quốc gia một cách thuận tiện mà không cần phải xuất trình các giấy tờ khác nhau tại các quốc gia khác nhau, các trạm kiểm dịch khác nhau" - trích lời ông Nick Careen, Phó chủ tịch cấp cao Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA.

Ngoài IATA, IBM - một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới - cũng đang nghiên cứu phát triển hệ thống chứng nhận kỹ thuật số của riêng mình, cho phép các công dân xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi di chuyển đến một địa điểm công cộng nhất định, chẳng hạn như sân vận động thể thao, trường đại học… Chứng nhận này được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, có thể tích hợp nhiều loại dữ liệu như kiểm tra thân nhiệt, thông tin phơi nhiễm, kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm vắc xin.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đang kết hợp cùng một tổ chức phi lợi nhuận tại Thụy Sĩ để thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử có tên CommonPass. Hộ chiếu này cho phép khách du lịch truy cập và xuất trình thông tin xét nghiệm hoặc tiêm chủng của cá nhân bằng mã QRcode riêng.

Tại sao cần hộ chiếu vắc xin?
 
2021030101a
Châu Âu đang thảo luận về hộ chiếu vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa: Getty)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu khiến ít nhất 113 triệu người nhiễm bệnh và 2,5 triệu người tử vong, ngày càng nhiều quốc gia xem xét vấn đề áp dụng hộ chiếu vắc xin.

Theo ông Nick Careen (IATA), tại Mỹ, ngày càng nhiều nhiều tổ chức thể thao, địa điểm hòa nhạc và các cơ quan du lịch liên hệ với IATA để thảo luận về vấn đề hỗ trợ công nghệ. Các địa điểm này đều hướng tới việc chỉ tiếp nhận những khách hàng đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn trong trường hợp nhập cảnh quốc tế. Để đi du lịch đến một quốc gia nào đó, chính quyền và các cơ quan y tế địa phương cần biết liệu hành khách đã được tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hay chưa. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã yêu cầu hành khách xuất trình xác nhận âm tính với virus khi nhập cảnh. Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới trực thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), nhận định hộ chiếu vắc xin có thể là yếu tố quyết định để khởi động lại ngành du lịch toàn cầu sau thời gian trì trệ vì đại dịch.

Bà Dakota Gruener, giám đốc điều hành của ID2020 - một diễn đàn cho các tổ chức công - tư tham gia thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ nhận định: "Chúng tôi nhận thấy có nhiều hãng hàng không, cơ quan hải quan và cả khách du lịch đều đang quan tâm đến các vấn đề làm thế nào để nâng cao độ an toàn cho các chuyến bay, làm thế nào để thiết lập việc tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 như một điều kiện nhập cảnh cần thiết vào quốc gia, hoặc làm thế nào để chứng minh một cá nhân đã được xét nghiệm hay tiêm chủng".

Hộ chiếu vắc xin: không mới, nhưng khác

Thực tế, hộ chiếu vắc xin không phải một đề xuất mới hoàn toàn. Trong nhiều thập niên, những hành khách du lịch đến các quốc gia nhất định đã được yêu cầu chứng minh từng tiêm chủng các bệnh sốt vàng da, rubella… nếu muốn nhập cảnh. Thông thường, sau khi được tiêm chủng, du khách sẽ nhận được các tờ chứng nhận có chữ ký và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn khuyến cáo công dân giữ các chứng nhận này nếu muốn nhập cảnh vào một số quốc gia.

Brian Behlendorf, giám đốc điều hành Linux Foundation Public Health, một tổ chức công nghệ hiện đang hỗ trợ các cơ quan y tế công cộng trong chiến dịch chống đại dịch Covid-19, nhận định: "Tất cả những ai đã từng đi du lịch đến các quốc gia yêu cầu tiêm phòng bệnh sốt virus, bạch hầu và nhiều loại bệnh khác, đó là một loại "hộ chiếu vắc xin". Tại Mỹ, phụ huynh muốn đưa con vào học tại các trường công cũng phải chứng minh con họ đã được tiêm chủng ngừa một số loại bệnh. Đây không phải khái niệm mới".

Nhưng sự khác biệt chính của hộ chiếu vắc xin Covid-19 nằm ở nền tảng kỹ thuật số thay vì giấy chứng nhận cầm tay thông thường. Nó đi kèm với hàng loạt lo ngại mới về khả năng truy cập và nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư. Linux Foundation Public Health đang phối hợp với IBM, CommonPass và một tổ chức khác là Covid-19 Credential Initiative gồm hơn 300 thành viên từ 5 châu lục trong nỗ lực phát triển các tiêu chuẩn chung cho ứng dụng hộ chiếu vắc xin.

Hộ chiếu vắc xin không nhất thiết phải ở dạng điện tử, nhưng việc triển khai hộ chiếu vắc xin điện tử sẽ giúp quá trình xuất trình và xuất nhập cảnh dễ dàng hơn. Jamie Smith, giám đốc kinh doanh cấp cao của Evernym, đối tác từng làm việc cùng IATA cho hay: "Hãy tưởng tượng trong tương lai, một chiếc máy bay đáp xuống sân bay: 100 người cầm hộ chiếu vắc xin điện tử, 50 người cầm chứng nhận tiêm chủng bằng giấy và 25 người khác cầm các loại chứng nhận khác do các chính phủ khác nhau cấp. Sân bay sẽ làm việc như thế nào?"

Cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu trong tuần này đang xem xét việc phát triển hộ chiếu vắc xin trong tuần này, nhưng chính các nhà lập pháp cũng đang tranh cãi nảy lửa. Nhất là khi tỷ lệ xét nghiệm âm tính giả ngày càng trở nên phổ biến hơn, nguy cơ gây sai lệch và thiếu chính xác cho các hộ chiếu vắc xin điện tử. Hơn nữa, tỷ lệ dân đã được tiêm phòng đủ hai mũi vắc xin Covid-19 tại EU mới chỉ ở mức rất thấp, khoảng 10 triệu người, tương đương khoảng 2,3% dân số.
 
2021030101b
Số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 2,5 triệu người (Ảnh: Reuters)

Có nên phản đối hộ chiếu vắc xin?

Bà Dakota Gruener, giám đốc điều hành của ID2020 cho hay: "Sẽ còn nhiều thời gian trước khi vắc xin được tiêm chủng phổ biến rộng khắp toàn cầu. Do đó, việc thử nghiệm rộng rãi (hộ chiếu vắc xin) sẽ vẫn tiếp tục và phải tiếp tục để cho phép du lịch và các hoạt động công cộng khác vận hành trở lại một cách an toàn. Đối với những người không sử dụng smartphone, các hãng hàng không cho biết họ có thể chấp nhận các giấy chứng nhận cầm tay, với điều kiện nó phải được tiêu chuẩn hóa.

Drummond Reed, giám đốc ủy thác của Evernym, nhận định về thách thức lớn trong việc triển khai hộ chiếu vắc xin: "Hệ thống hộ chiếu toàn cầu đã mất 50 năm để phát triển. Khi các chính phủ muốn thêm thông tin sinh trắc học vào đó, đã mất hơn một thập kỷ để thống nhất cách thêm dấu vân tay hoặc dấu hiệu sinh trắc trên khuôn mặt để xác minh hộ chiếu. Còn bây giờ, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chúng ta cần tạo ra thông tin xác thực điện tử với hộ chiếu vắc xin ở một mức độ bảo mật riêng tư cao hơn nữa, vì nó được sử dụng dưới dạng kỹ thuật số".

Nhưng ngay cả khi còn một thời gian dài trước khi hộ chiếu vắc xin được áp dụng (trong trường hợp các chính phủ chấp thuận), vấn đề hộ chiếu vắc xin vẫn gây tranh cãi lớn. Mỹ, Anh và hơn 20 nước thành viên khối EU đều đang nằm trong số các quốc gia cân nhắc liệu có nên áp dụng hộ chiếu vắc xin điện tử hay không.

Nhiều người ủng hộ lập luận rằng hộ chiếu vắc xin giúp phục hồi kinh tế khi tạo điều kiện cho các quốc gia nới lỏng hạn chế cấm vận. Ngành hàng không, một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng đại dịch, hiện đi đầu trong việc vận động chính phủ ban hành luật ủng hộ hộ chiếu vắc xin.

"Tôi không có vấn đề gì với đề xuất về hộ chiếu vắc xin Covid-19. Nếu vắc xin giúp bảo vệ mọi người khỏi bệnh tật và làm giảm bớt các hạn chế kiểm dịch, tôi sẽ vui vẻ xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin. Tôi không thấy bản thân bị vi phạm nhân quyền hay bị ép buộc, tôi cũng không cảm thấy đó là hành vi vi phạm hồ sơ y tế riêng tư của cá nhân tôi, Tiến sĩ Amir Khan, giảng viên cao cấp tại Đại học Y khoa Leeds và Đại học Bradford, Anh, nói với trang Aljazeera. "Tôi cảm thấy nó chẳng khác nào việc tôi phải chứng minh bản thân đã tiêm vắc xin ACWY viêm màng não trước khi nhập cảnh vào Ả rập Xê út để bảo vệ những người khác khỏi sự bùng phát căn bệnh chết người. Đối với tôi, đó chẳng phải vấn đề gì lớn".

Tuy nhiên, không phải ai cũng cùng quan điểm với Tiến sĩ Amir Khan. Có một lập luận cho rằng mọi người không nên bị phân biệt đối xử bởi một loại hộ chiếu vắc xin chỉ vì họ lựa chọn có tiêm vắc xin hay không. Trong một thế giới mà hơn một tỷ người không thể chứng minh danh tính của mình vì thiếu hộ chiếu, giấy khai sinh, bằng lái xe hoặc căn cước công dân, hộ chiếu vắc xin có nguy cơ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và rủi ro bị phân biệt đối xử trong xã hội.

Nhiều tổ chức tự do và nhân quyền đang lên tiếng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phản đối việc cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19.

Tiến sĩ Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Queen Mary (London), cho rằng hộ chiếu vắc xin nếu được áp dụng có khả năng vô tình trở thành một tấm khiên chắn sai lầm cho công dân. "Tôi có thể thấy rằng (hộ chiếu vắc xin) có thể hữu ích trong dài hạn, nhưng tôi cũng nhìn thấy nhiều lo ngại tiềm tàng". Ông Gurdasani chỉ ra rằng vắc xin Covid-19 vẫn còn rất mới mẻ và "chúng ta không chắc về hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nhiễm virus hoặc thậm chí là hiệu quả của vắc xin với các biến chủng virus mới đang lưu hành ở rất nhiều quốc gia khác nhau".

Ngoài ra, hầu hết các quốc gia hiện không có đủ khả năng tiếp cận vắc-xin để chủng ngừa cho toàn bộ dân số, tức là việc lưu hành hộ chiếu vắc xin sẽ làm trầm trọng hơn nữa tình trạng phân biệt đối xử với những người dân như vậy.

Thêm vào đó, một báo cáo do hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit công bố vào tháng trước dự báo rằng phần lớn dân số trưởng thành tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 vào giữa năm 2022. Nhưng tại các nước có thu nhập trung bình, mốc thời gian này có thể kéo dài đến năm 2023 còn tại các nước thu nhập thấp là năm 2024. Tức là khả năng tiếp cận vắc xin không đồng đều giữa các quốc gia cũng ảnh hưởng đáng kể tới sự công bằng của hộ chiếu vắc xin.

Thống kê của hãng tin AFP chỉ ra rằng cho đến nay, mới chỉ có 222 triệu mũi vắc xin Covid-19 được tiêm chủng trên toàn cầu, đa số trong đó là các loại vắc xin cần tiêm đủ 2 liều. Trong khi đó, số người dân sinh sống ở các nước chưa có điều kiện triển khai chương trình tiêm chủng hiện chiếm tới hơn 20% trong số 7,8 tỷ dân số toàn hành tinh.


Theo Dantri.com.vn

Link gốc: https://dantri.com.vn/the-gioi/tranh-cai-ho-chieu-vac-xin-covid-19-dot-nong-the-gioi-20210228194326175.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây