Một người thu mua ngũ cốc đại diện cho Công ty Southwest Terminal ở tỉnh Saskatchewan, Canada gửi tin nhắn cho nhiều nông dân trong vùng, chào mua hạt lanh với giá 17 đô la Canada mỗi giạ (35,2 lít) vào mùa hè năm 2021.
Lúc đó, người đại diện tên là Kent Mickleborough có gọi điện trực tiếp cho một nông dân là Chris Achter rồi gửi bản chụp hợp đồng mua 86 tấn lanh giao vào tháng 11 qua tin nhắn điện thoại, đề nghị ông này “vui lòng xác nhận hợp đồng mua bán lanh”. Achter hồi đáp chỉ bằng một biểu tượng ngón tay cái đưa lên (thumbs-up emoji).
Đến tháng 11 không thấy Achter giao lanh, Mickleborough bèn hỏi và Achter đáp biểu tượng trong tin nhắn chỉ là cách nói ông ta đã nhận được bản chụp hợp đồng chứ ông đã ký kết gì đâu mà bảo là ông đồng ý. Ông bảo ông đoán chắc sau tin nhắn thì bên mua phải gửi hợp đồng qua e-mail hay fax để ông đọc kỹ và ký tên mới chính thức.
Ngược lại, Mickleborough bảo trước đây hai bên đều làm ăn như thế, bên mua gửi bản chụp hợp đồng qua tin nhắn rồi bên bán thường nhắn tin trả lời kiểu “Trông được đấy”, “Ok”, hay “Vâng”. Nên lần này ông cho rằng bên bán đưa ngón tay lên ra dấu “Ok” là đã đồng ý.
Vậy là kiện nhau ra tòa. Lúc này giá lanh lên cao hơn so với mức giá ghi trong hợp đồng, đến 41 đô la Canada mỗi giạ.
Quan tòa xử án đã phải viện dẫn từ điển trực tuyến (dictionary.com) để xem biểu tượng ngón tay cái chỉa lên hàm ý gì. Từ điển định nghĩa: “Biểu tượng thumbs-up được dùng để diễn tả sự đồng ý, phê duyệt hay khích lệ trong giao tiếp kỹ thuật số, đặc biệt là ở các nền văn hóa phương Tây”.
Thế nên quan tòa cho rằng cả đôi bên đều hiểu đối đáp như thế chính là xác nhận hợp đồng chứ không đơn thuần là chỉ ghi nhận đã thấy hợp đồng được gửi. Cuối cùng tòa phán quyết giữa hai bên có hợp đồng có hiệu lực, ông Achter đã vi phạm hợp đồng vì không giao lanh đúng thời hạn nên chịu mức bồi thường thiệt hại là 82.200 đô la Canada.
Trong phán quyết bằng văn bản, thẩm phán T.J. Keene viết: “Tòa công nhận biểu tượng ngón cái chỉa lên không phải là cách thức truyền thống để “ký” một hợp đồng, nhưng theo tình huống như thế này thì đây là cách hợp lệ để chuyển tải hai mục tiêu của “một chữ ký”. Một là xác định “người ký” là ông Achter bởi ông ta nhắn tin từ điện thoại di động của mình, và hai là “chuyển tải sự chấp thuận của ông Achter đối với hợp đồng mua bán lanh”.
Sau phiên tòa, luật sư của ông Achter cho rằng phán quyết này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và sẽ mở ra hàng loạt vụ kiện để xác định ý nghĩa của các biểu tượng khác như hình bắt tay hay cái nắm đấm. Tuy nhiên, các chuyên gia luật đều nhận định việc giao kèo trong dân sự đôi lúc chỉ cần cú bắt tay hay lời nói thỏa thuận đã đủ cấu thành một hợp đồng ràng buộc đôi bên.
Julian Nyarko, Phó giáo sư tại trường Luật Stanford nhận định: “Với một người thuận lý, khi thấy biểu tượng thumbs-up sẽ nghĩ người đưa ra biểu tượng này muốn có hợp đồng đó. Điều này cũng phù hợp với các suy luận khác liên quan đến giao kết”.
Trong thực tế tranh chấp tại tòa ở Mỹ và Canada, ý nghĩa biểu tượng thumbs-up vẫn chưa được xác định dứt khoát. Eric Goldman, Giáo sư luật tại Đại học Santa Clara tổng hợp 45 ý kiến của tòa liên quan đến biểu tượng thumbs-up ghi nhận giới trẻ đôi lúc sử dụng biểu tượng này theo nghĩa châm biếm hay mỉa mai. Có người dùng nó, đúng là chỉ để thừa nhận đã đọc, kiểu như nói “À há”. Ở một số nước Trung Đông, biểu tượng này hàm ý xúc phạm.
Dù sao phán quyết của quan tòa Canada thể hiện một thực tế trong kinh doanh và đời sống khi mọi người thích dùng biểu tượng cảm xúc trên e-mail, tin nhắn, mạng xã hội. Và mức phạt bồi thường 82.000 đô la Canada ắt sẽ làm nhiều người thận trọng hơn khi bày tỏ sự tán thưởng bằng ngón tay cái chỉa lên trời; biết đâu có ai đó sẽ kiện nói họ đồng ý một giao kèo nào đó chăng.
Link gốc:
Ngón tay cái trị giá 82.000 đô la - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn)