Ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương và hàng trăm người mất tích trong vụ sóng thần tấn công bờ biển quanh eo biển Sunda - Indonesia tối 22-12 (giờ địa phương), sau đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau.
Tan hoang
Giới chức trách cho biết cơn sóng thần xuất hiện khoảng 21 giờ 30 phút (giờ địa phương) hôm 22-12 và cảnh báo số thương vong có thể còn tiếp tục tăng. Theo đài BBC, số người chết được ghi nhận tại các khu vực Pandeglang, Lampung và Serang.
Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, cho biết hàng trăm tòa nhà bị hư hại, đồng thời cảnh báo người dân tránh xa bờ biển quanh eo biển Sunda do lo ngại về nguy cơ xảy ra một cơn sóng thần khác cũng như tình trạng thủy triều dâng cao còn tiếp tục đến ngày 25-12. Hàng ngàn người dân đã buộc phải sơ tán lên vùng đất cao hơn.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joko Widodo nhanh chóng yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan triển khai các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc cho những người bị thương, đồng thời gửi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, nhiều mảnh vỡ từ nhà cửa hư hại, hàng loạt xe hơi lật úp và cây ngã đổ đã ngăn chặn nhiều con đường khiến lực lượng tìm kiếm cứu hộ gặp khó khăn khi tiếp cận những vùng bị thiệt hại.
Các thiết bị hạng nặng cũng đang được vận chuyển đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng để tìm kiếm các nạn nhân, song song đó, các trạm trú ẩn và bếp ăn công cộng cũng được thiết lập phục vụ những người sơ tán. Hai nước láng giềng Malaysia và Úc cho biết sẵn sàng hỗ trợ Indonesia sau vụ thảm họa.
Ban đầu, giới chức Indonesia cho rằng đó không phải sóng thần mà là thủy triều dâng cao và kêu gọi người dân bình tĩnh. Sau đó, ông Nugroho viết lời xin lỗi trên mạng Twitter rằng do không xảy ra động đất nên rất khó xác định nguyên nhân vụ việc từ sớm.
Thi thể các nạn nhân trong vụ sóng thần được đặt tại một cơ sở y tế ở tỉnh Banten - Indonesia hôm 23-12 Ảnh: REUTERS
Không một cảnh báo
Theo cơ quan địa chất Indonesia, núi lửa Anak Krakatoau có dấu hiệu hoạt động tăng mạnh trong nhiều ngày qua, phun ra những đám tro bụi lên cao hàng ngàn mét. Cơ quan địa chất Indonesia ghi nhận Anak Krakatau thức tỉnh khoảng 16 giờ (giờ địa phương) hôm 22-12 kéo dài khoảng 12 phút phun cột tro cao hàng trăm mét lên trời và phun trào lần nữa ngay sau 21 giờ (giờ địa phương). Theo hãng tin Reuters, khoảng nửa giờ sau khi núi lửa thức tỉnh thì xuất hiện sóng thần.
Giới chức trách cho hay cơn sóng thần bị kích hoạt bởi thủy triều dâng cao bất thường do trăng tròn và trận lở đất dưới đáy biển sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào. Anak Krakatau là một hòn đảo núi lửa nhỏ nổi lên từ đại dương nửa thế kỷ sau vụ núi lửa Krakatau phun trào vào năm 1883 làm chết hơn 36.000 người.
Ông Nugroho cho biết sự kết hợp giữa các yếu tố trên gây sóng thần ập vào các bãi biển quanh eo biển Sunda, ở Nam Sumatra và mũi phía Tây của đảo Java trong khi cơ quan địa chất Indonesia vẫn tiếp tục xác định diễn biến của thảm họa.
Nhà nghiên cứu núi lửa Jess Phoenix nhận định với đài BBC khi núi lửa thức tỉnh, mắc ma chảy xuống đáy biển phá vỡ lớp đất đá lạnh và châm ngòi vụ lở đất. Cũng theo Trung tâm Thông tin Sóng thần quốc tế, mặc dù tương đối hiếm nhưng các vụ phun trào núi lửa dưới biển vẫn có thể gây ra sóng thần do sự dịch chuyển đột ngột của dòng nước hoặc mất ổn định mái dốc.
Trong khi đó, ông Ben van der Pluijm, nhà địa chất động đất và là giáo sư tại Trường ĐH Michigan (Mỹ), cho rằng việc núi lửa Anak Krakatau bị "sụp đổ một phần" có thể là nguyên nhân dẫn đến sóng thần.
Chưa có người Việt bị ảnh hưởng bởi sóng thần ở Indonesia
Thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết ngay sau khi xảy ra trận sóng thần tối 22-12 tại eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào, Đại sứ quán đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Indonesia để tìm hiểu thông tin và được biết chưa ghi nhận thông tin có người Việt Nam bị ảnh hưởng trong thảm họa trên.
Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại để nắm tình hình người Việt Nam bị ảnh hưởng (nếu có) nhằm kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết; cập nhật trên cổng thông tin về tình hình và số đường dây nóng để công dân Việt Nam có thể liên hệ khi cần trợ giúp.
Đại sứ quán đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần. Đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán qua đường dây nóng: +62 21 31907165 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân +84981848484.
D.Ngọc
2018: Năm thảm họa ở Indonesia
Trận sóng thần ập vào eo biển Sunda của Indonesia đêm 22-12 là vụ mới nhất trong một loạt thảm họa xảy ra ở quốc đảo này trong năm 2018.
Gần đây nhất, chiều 21-12, động đất 5 độ xảy ra ở đảo du lịch Lombok gần đảo Bali. Đến nay, chưa có thông tin về thiệt hại trong thảm họa này. Trước đó, hồi tháng 8, một trận động đất cũng đã tàn phá đảo Lombok, làm hơn 100 người thiệt mạng. Hôm 29-7, hòn đảo này đã từng hứng chịu trận động đất 6,4 độ với 17 người chết và mấy trăm người đi bộ khám phá bị mắc kẹt trên sườn núi lửa Rinjani.
Hồi tháng 10, gần 200 người thiệt mạng khi chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air đi từ thủ đô Jakarta đến TP Pangkal Pinang trên đảo Bangka đã rơi xuống biển chỉ vài phút sau khi cất cánh. Thời điểm đó, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về độ đáng tin cậy của chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 sau khi có tin nó đã bị trục trặc ngày hôm trước. Theo báo The Guardian, việc khảo sát hộp đen máy bay cho thấy nó đã từng gặp vấn đề với các đồng hồ chỉ tốc độ trong 4 chuyến bay trước đó.
Tháng 9, ở khu vực quanh TP Palu trên đảo Sulawesi ở phía Bắc Indonesia đã xảy ra trận động đất 7,5 độ gây ra sóng thần và 2 thảm họa thiên nhiên này đã biến nhiều khu vực rộng lớn ở Palu và các thị trấn khác thành những đống đổ nát. Sau đó, 170 cơn dư chấn đã gây trở ngại cho các nỗ lực cứu nạn và chính quyền đã mất nhiều ngày mới huy động được trang thiết bị hạng nặng để hỗ trợ công tác cứu hộ trên đảo. Con số tử vong được ghi nhận chính thức là hơn 2.000 người nhưng người ta e rằng con số này cuối cùng có thể tăng lên đến 5.000.
Hồi tháng 7, ít nhất 31 người mất mạng khi một chiếc phà đi từ đảo Sulawesi đến đảo Selayar bị chìm. Thảm họa đã xảy ra vào ngày nhà chức trách đình hoãn công cuộc tìm kiếm 164 người mất tích trong vụ chìm phà hôm 18-6 ở hồ nước sâu trên miệng núi lửa đã tắt trên đảo Sumatra.
Lục San
Nguồn tin: Người lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn