Ngày 24/12/ 2018, đám cưới của vợ chồng anh Ngọc Lâm (33 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ (32 tuổi) được tổ chức ở Làng May mắn, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM.
Nhìn con trai ngồi xe lăn nắm tay cô dâu uống rượu giao bôi, cắt bánh cưới, bà Trịnh Thị Loan, quê Thanh Hóa, đã khóc vì hạnh phúc.
Trước đó, nghe con trai gọi về báo sẽ cưới vợ bà Loan nghĩ mình nghe nhầm, đến khi được con khẳng định lần nữa bà mới tin là thật.
“Vợ chồng tôi mong điều này lâu lắm rồi nhưng không dám mơ. Chân tay con tôi teo tóp, co quắp làm sao có thể mang lại hạnh phúc cho con gái nhà người ta”, người mẹ năm nay bước qua tuổi 59 nói, nước mắt rưng rưng.
Sau hơn 4 năm hẹn hò, Lâm - Thơ đưa nhau đi đăng ký kết hôn dù chưa báo tin cho gia đình. |
Lâm từng là chàng trai khỏe mạnh. Năm 2004, đang học năm nhất đại học, khi đi đón người thân từ quê vào chơi anh bị xe tông, ngã xuống đất, gãy hai đốt sống cổ.
“Sau hai lần phẫu thuật không thành công, bác sĩ nói, tôi sẽ thành người tàn phế. Ông khuyên nên về quê để được bố mẹ chăm sóc, nhưng tôi nghĩ mình không may mắn có được cơ thể lành lặn thì phải có thứ khác”, Lâm nói, quyết định ở lại Sài Gòn kiên trì điều trị bằng phương pháp tập vật lý trị liệu.
Suốt từ năm 2004 - 2006, ban ngày, anh cùng em trai đi bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đêm đến, hai anh em lang thang các bệnh viện tìm chỗ ngủ.
Biết hoàn cảnh của anh, bà Hoàng Nữ Ngọc Tim, người sáng lập Làng May mắn, đã đưa Lâm vào làng sống, tạo điều kiện cho anh đi chữa bệnh và học nghề công nghệ thông tin.
Lúc đó, chị Thơ đang làm công nhân ở quận 7. Một lần nhìn thấy chàng thanh niên ngồi xe lăn, thường xuyên làm thơ đăng trên một nhóm mạng xã hội mà cả hai là thành viên, chị kết bạn làm quen. Hơn một tháng đối đáp thơ với nhau, chị quyết định đi gặp anh bạn mới quen vì nghĩ rằng, cả hai là bạn thì đến thăm xem người kia sống thế nào.
Từ quận 7 qua quận Bình Tân chỉ mấy km nhưng điện thoại bị hỏng, địa chỉ chỗ anh ở lộn xộn, từ sáng sớm đến tận trưa chị mới tìm ra. “Lúc đó, tôi vừa khát vừa mệt và chỉ muốn đi về. Nhưng thấy anh đẩy xe lăn từ xa ra đón, tôi mình thật có lỗi”, người vợ quê Bến Tre nhớ lại.
Vào nơi anh ở, được chứng kiến chàng trai cầm thìa xúc ăn, những việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân phải nhờ người giúp, Thơ nghĩ mình phải làm gì đó. “Nhìn anh ấy nhăn mặt vì đau khi cầm cái thìa xúc cơm ăn, thương lắm”, Thơ nói. Mấy tháng đầu cứ cuối tuần chị lại qua dọn dẹp, nắn bóp tay chân cho anh.
Anh Lâm ban đầu không tin một cô gái cao ráo như Thơ lại có thể gắn bó với một người tàn tật như mình. “Trước cô ấy, nhiều người nói muốn đến với tôi, nhưng chỉ được thời gian ngắn là họ đi. Tôi không muốn lại buồn vì chuyện tình cảm nữa”, Lâm kể, ánh mắt nhìn vợ trìu mến.
Bị từ chối nhưng Thơ không bỏ cuộc, quyết định dọn đồ đến gần anh thuê phòng ở. Ngày nào cũng vậy, cứ đi làm về là chị qua chăm anh chàng hàng xóm.
“Cô ấy cứ đòi đút cho tôi ăn. Tôi nói, tôi tự xúc được. Nhưng thấy tôi cầm thìa không vững, xúc cơm mà đổ cô ấy ứa nước mắt. Lúc đó, tôi nhận ra, ở cô gái này có một tâm hồn rất đặc biệt”, Lâm nói bằng giọng biết ơn người bạn đời của mình.
Biết gia đình sẽ phản đối việc mình đang làm, Thơ nói cả hai hãy bí mật làm đám cưới để sự việc đã rồi thì mẹ sẽ đồng ý. “Anh ấy bị như vậy đã thiệt đủ đường rồi, tôi không muốn anh phải tổn thương thêm nữa”, Thơ nói.
TÀI TRỢThế nhưng Lâm lại nghĩ khác. Anh quyết tâm lấy được bằng vi tính, có việc làm để thuyết phục bố mẹ bạn gái.
Ban đầu, với 10 ngón tay quắp lại, việc di chuột và đánh bàn phím với anh vô cùng khó khăn. “Hai tay tôi yếu, không cầm được bất cứ thứ gì. Tôi cứ bỏ tay lên bàn phím là chữ nó nhảy loạn xạ. Cố gắng đưa hai tay cầm con chuột di qua di lại nhưng mặt nhăn lại vì đau, tôi chỉ muốn bỏ cuộc”, chàng trai quê Thanh Hóa nhớ lại.
Sau đó, với sự kiên trì của mình, sự giúp đỡ của bạn gái và cô giáo, Lâm từ từ tập bằng cách, cột thìa vào tay tự xúc cơm ăn, cột các thanh gỗ nhỏ vào từng ngón tay để tập duỗi.
“Mới đầu, anh ấy cứ đưa được cái thìa vào miệng là đồ ăn đổ hết ra ngoài, nhìn xót lắm, nhưng anh muốn tự làm, không cho tôi giúp. Kiên trì tập đến hơn một năm thì anh làm được”, Thơ nhìn chồng bằng anh mắt ngưỡng mộ, nói.
Hiện anh đang tập vật lý trị liệu để vừa duy trì sức khỏe và giúp các ngón tay, chân vận động đễ hơn. |
Với sự hậu thuẫn của chị, anh cũng học xong được bằng vi tính. Dù đánh chữ chỉ với một ngón tay, di chuột bằng cả hai bàn tay nhưng các thao tác của anh rất nhanh và chuyên nghiệp.
Hiện, Lâm đang là giáo viên dạy vi tính cho trường tiểu học ở Làng May mắn và nhận làm quảng cáo cho các doanh nghiệp tại nhà.
Năm 2016, dù chưa báo cho gia đình biết nhưng anh chị đưa nhau đi đăng ký kết hôn để được sống chung một nhà sau hơn bốn năm hẹn hò.
“Mẹ tôi gặp anh lần đầu rất thích. Mẹ bảo, tôi phải biết trân trọng và biết san sẻ với anh”, chị Thơ nói. Hiện chị đã nghỉ làm công nhân, ở nhà cùng làm kinh tế với anh và lên kế hoạch sinh con.
Bà Loan cho biết, bà và con dâu rất thân thiết, thường chụp hình cùng nhau. |
Sau khi nghe con trai báo tin, vợ chồng bà Loan liền vào Sài Gòn từ tháng 11/2018 để giúp các con chuẩn bị cho đám cưới, đi gặp nhà gái.
“Con dâu tôi rất hiền lành, tốt tính. Con trai tôi thật có phước khi lấy con dâu tôi. Cả hơn tháng nay, vợ chồng tôi liên tục nhận được điện thoại của anh em, họ hàng gọi đến chúc mừng vì Lâm đã lấy được vợ”, bà tâm sự.
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn