Thăng trầm cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh

Chủ nhật - 03/11/2019 16:00
Những năm gần đây, cây ăn quả có múi (cam, bưởi) ở Hà Tĩnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, với những thương hiệu nổi tiếng cả nước như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam Thượng Lộc… Nhưng ít ai biết rằng những loại cây ăn quả đặc sản này phải trải qua biết bao thăng trầm ở vùng đất đầy nắng, gió, bão táp và mưa sa - Hà Tĩnh.
 
Bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh khẳng định giá trị đặc sản.

Một thời long đong

Lần theo dấu xưa về bưởi Phúc Trạch ở vùng “chảo lửa” Hương Khê, chúng tôi càng thấm thía hơn giá trị của loại cây ăn quả đặc biệt này. Những năm đầu thế kỷ trước, người dân trồng bưởi Phúc Trạch chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình và đưa ra chợ quê bán lấy tiền đong gạo, mua mắm, muối. Diện tích trồng bưởi chỉ tập trung ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, nhưng sau khoảng thời gian ngắn, loại cây này thể hiện được nhiều đặc điểm vượt trội, đặc biệt là phù hợp với thổ nhưỡng ở các xã vùng cao của huyện miền núi Hương Khê. Sau đó, diện tích tăng lên theo cấp số nhân, nới rộng sang cả các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn...

Sau khi phát triển ồ ạt, bưởi Phúc Trạch bỗng chốc xuống dốc không phanh. Bưởi đồng loạt ra hoa nhưng không đậu quả. Ông Lê Đình Doãn, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) còn nhớ như in thời điểm những năm 1998–2007, cây bưởi Phúc Trạch trở thành nỗi ám ảnh của người dân bản địa. “Thời kỳ chăm sóc, cây bưởi nào cũng xanh tốt mơn mởn nhưng đến chính vụ, giữa “vương quốc” bưởi người dân cũng không “bói” nổi một quả để mời khách” – ông Doãn kể lại.

Sau “vố” đó, người dân vùng núi Hà Tĩnh đổ xô phá bưởi trồng dó trầm. Diện tích bưởi Phúc Trạch đang từ hơn 1.000 ha rớt xuống chỉ còn vỏn vẹn vài ba trăm ha. Thậm chí có những hộ phá hẳn vườn bưởi mấy trăm gốc nhường đất cho cây dó trầm.

Khoảng năm 2000, ngành chuyên môn của tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu vào cuộc “bắt bệnh”cho cây bưởi. Song, kể cả khi mời chuyên gia nước ngoài về hỗ trợ, mọi nỗ lực của địa phương cũng đều “xôi hỏng bỏng không”. Đến năm 2009, Viện Nghiên cứu rau quả, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng cây bưởi Phúc Trạch”, lúc này bưởi Phúc Trạch lại hồi sinh ngay chính trên vùng đất “chảo lửa, túi mưa” Hương Khê.

Các nhà nghiên cứu vào cuộc tìm hiểu và xác định nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch là do sự thay đổi bất thường của thời tiết; canh tác không tuân thủ quy trình và sự thiếu hụt dinh dưỡng trong đất; nguồn phấn hoa... Giải pháp khắc phục đưa ra là tỉa cành tạo tán, tăng sức khỏe cho cây; chăm sóc bưởi theo đúng quy trình. Đặc biệt, các nhà chuyên môn ở Viện Nghiên cứu rau quả đã hướng dẫn người dân tự thụ phấn, lấy nhụy hoa bưởi chua thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch. Một năm sau khi kết thúc dự án (2012), cây bưởi Phúc Trạch bắt đầu hồi sinh, tỷ lệ đậu quả tăng lên theo từng năm và được mùa thường xuyên cho đến bây giờ.

Anh Nguyễn Văn Tài (xóm 7, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) chia sẻ: Gia đình chúng tôi đã có hơn 20 năm trồng bưởi, trải qua cả những giai đoạn bưởi mất mùa liên tục nhiều năm liền. Tuy nhiên, sau khi Viện Nghiên cứu rau củ quả chuyển giao kỹ thuật thụ phấn bổ sung bằng tay rồi bằng máy thì cây bưởi Phúc Trạch đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trước đây. Hiện vườn của gia đình tôi có gần 200 gốc bưởi cho quả, sản lượng năm nay đạt hơn 7.000 quả, tổng thu nhập đạt gần 300 triệu đồng, hơn hẳn trồng dó trầm.

Tương tự, cây cam cũng có số phận long đong không kém cây bưởi. Khoảng 10 năm về trước, số hộ sản xuất cam chanh ở huyện Vũ Quang đếm được trên đầu ngón tay. Đến những năm 2012-2016, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang ban hành một số chính sách hỗ trợ xóa bỏ vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế trong xây dựng nông thôn mới thì phong trào trồng cam mới phát triển. Ông Nguyễn Trường Thọ, Phó phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang cho hay: Trong vòng dăm năm trở lại đây, huyện Vũ Quang đã phát triển diện tích cam từ 500 ha lên hơn 2.400 ha; trong đó, 1.700 ha đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng đạt trên dưới 14.000 tấn; giá trị kinh tế lên đến hơn 400 tỷ đồng. Các xã có diện tích đất feralit lớn như Sơn Thọ, Đức Lĩnh, Hương Thọ, Đức Bồng… gần như đã chuyển đổi sang trồng cam chanh gần hết.

Để có những bước tiến mới

Cây ăn quả có múi trở thành sản phẩm chủ lực đánh thức tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng các huyện phía Tây tỉnh Hà Tĩnh. Loại cây này góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, dù phát triển mạnh, diện tích trồng tăng lên nhiều, các sản phẩm từ cây ăn quả có múi như bưởi Phúc Trạch, cam Thượng Lộc, cam Khe Mây được bảo hộ thương hiệu, nhưng, làm thế nào để những thương hiệu này vươn xa hơn, phát triển bền vững hơn thì cần phải có những chiến lược dài hơi.

Muốn vậy, theo các cơ quan chuyên môn, trước hết người sản xuất phải chú trọng đến khâu chọn giống. Chính vì người dân chưa chú trọng vào công tác chọn giống, dẫn đến nhiều diện tích cam, bưởi suy thoái trước tuổi, sâu bệnh hoành hành, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng. Hiện nay, Hà Tĩnh chỉ có khoảng 13 cơ sở lớn sản xuất giống cây ăn quả có múi đặt tại 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Can Lộc. Việc thiếu hụt nguồn giống chất lượng đã thôi thúc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hình thành ý tưởng xã hội hóa công tác bảo tồn, sản xuất giống.

Cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên trên cả nước huy động nguồn lực từ cán bộ, công nhân viên đầu tư cho công tác bảo tồn, phát triển giống cây ăn quả có múi. Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Chưa ai làm mình dám làm, chưa ai làm mình chịu làm thì mới mong có đột phá. Và thực tế, những kết quả đạt được bước đầu đã cho thấy cách làm của Trung tâm đã đi đúng hướng”.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 cây bưởi Phúc Trạch; 30 cây cam chanh tập trung ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn; 34 cây cam bù ở huyện Hương Sơn, Vũ Quang được công nhận là cây đầu dòng. Các địa phương, cơ sở đang tiếp tục đề xuất công nhận 15 cây đầu dòng cam Khe Mây và 15 cây quýt Kỳ Anh.

Những năm qua, Hà Tĩnh thực hiện bảo vệ “kho” cây đầu dòng này là hỗ trợ 1 triệu đồng/ cây cho các hộ dân chăm sóc, quản lý, phục vụ ngành chuyên môn lấy mắt ghép, bình tuyển, bảo tồn nguồn giống. Đây là những “tài sản” vô giá phục vụ việc bình tuyển, lấy mắt ghép nhân giống đảm bảo duy trì phẩm chất, đặc điểm nông sinh học, tính chống chịu của cây trồng; sạch bệnh truyền nhiễm và đảm bảo năng suất, chất lượng quả. Tiếp theo, để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, người sản xuất cần ứng dụng những phương pháp sản xuất sạch để bắt nhịp với nhu cầu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả có múi ra nước ngoài. Phương pháp thực hiện có hiệu quả là thành lập tác hợp tác xã, tổ hợp tác thâm canh cam theo mô hình VietGAP, xây dựng các mô hình sản xuất “3 không” - không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không dùng chế phẩm hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ quả và không thúc cam ra hoa, đậu quả sớm.

Với cách sản xuất theo mô hình VietGAP, giờ đây, người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại smatphone là có thể biết được tất cả các thông số kỹ thuật như: diện tích, thời gian trồng, ra hoa, đậu quả, kỹ thuật, thời gian bón phân, phun thuốc BVTV, thời gian thu hoạch, cách thức bảo quản, số điện thoại chủ hộ… thông qua việc quét tem truy xuất nguồn gốc được dán trên quả cam. Vì vậy, người sản xuất cần phải bắt nhịp với thời cuộc để có hướng sản xuất hiệu quả.

Ngoài ra, để cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh có bước đi vững chắc, ông Lê Đình Doãn, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) cho rằng, vai trò liên kết “4 nhà” (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Hiện tại, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đã vào cuộc, nhà nước đã đầu tư, tư duy sản xuất của nông dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tất cả đều đang ở mức độ cầm chừng, chưa có tính đột phá lớn. “Trước mắt, nhà nước cần đầu tư nguồn lực cho nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giảm số lượng hạt, tăng độ đồng đều cho các loại quả. Đồng thời, nghiên cứu cách bảo quản. Và quan trọng nhất, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tích cực tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định cho người sản xuất” - vị Trưởng phòng nói thêm.
   
Phong trào phát triển cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh bắt đầu nở rộ từ những năm 2012–2013, đến nỗi, tỉnh, huyện phải “tuýt còi” một số mô hình nhỏ lẻ để tránh tình trạng cung vượt cầu. Hiện tổng diện tích cam trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 6.700 ha (trong đó, cam chanh hơn 5.530 ha, cam bù 1.192 ha), diện tích bưởi trên 3.180 ha, trong đó tập trung chủ yêu ở các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê…

Theo Hạnh Nguyên Đại đoàn kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây