Tại sao lan đột biến có giá trên trời?

Thứ tư - 15/07/2020 13:34
Vài năm gần đây, thị trường lan bỗng dội lên những tin chấn động, kiểu: Nhà vườn này vừa mua/bán cây lan đột biến mấy trăm triệu đồng, rồi 1 tỷ, 5 tỷ, 10 tỷ… và mới đây lên đến hơn 80 tỷ đồng. Cơn sốt đã lên đến đỉnh điểm. Mọi người quan tâm đến lan đều có chung thắc mắc: Giá thực hay ảo?
 Cuộc chơi “điên rồ”
Đó là nhận xét của một facebooker trên mạng khi nói về các thương vụ mua bán lan đột biến gen gần đây. Trên phương tiện truyền thông cho biết, một chủ vườn lan ở Bình Phước vừa mua 3 cây lan có giá 30 tỷ đồng. Trước đó là những vụ bạc tỷ xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tận vùng thôn quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cũng có vụ mua bán lan hơn 1 tỷ đồng.
Mới đây, cư dân mạng lại phát cuồng vì một chậu lan cao vài chục centimet được cho là đã bán 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ giao dịch này không tiết lộ người mua cũng như người bán.
 
20200715006
 
 Cây lan được mua bán với giá được cho là 83 tỷ đồng gây bão mạng vài ngày gần đây
 
Khắp nơi trong cả nước đều có nhà vườn trồng lan được biến. Một chủ nhà vườn cho biết, trước đây các nhà vườn chủ yếu bán lan “thường” giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu, vài chục triệu đồng… Nay nhà nhà đổ xô vào mua bán lan đột biến vì lợi nhuận khủng khiếp của nó.
Các nhà vườn trồng lan quý hiếm nên phải dựng nhà lồng bằng sắt rất kiên cố; nhiều nhà vườn đầu tư tiền tỷ cho nhà sắt này. Rất nhiều nhà vườn có quy mô lớn hàng ngàn chậu lan quý hiếm và khi giới thiệu trên mạng thường tự hào là “lớn nhất vùng”, thậm chí “nhất nước”… Các nhà vườn trồng lan thường liên kết nhau, lập hội để giao lưu mua bán, trao đổi cây giống.
Ở huyện Đức Thọ, có hội trồng lan riêng với gần 30 vườn lan lớn, chưa kể vườn nhỏ dạng để gia đình thưởng ngoạn; cao hơn có hội trồng lan của tỉnh Hà Tĩnh… Một chủ vườn lan ở Đức Thọ có avatar trên Facebook cá nhân là hình bản thân chụp lưu niệm với chủ vườn lan nổi tiếng ở Bình Phước. Có nghĩa là, nhiều vườn lan trên cả nước có sự hiểu biết lẫn nhau.
Nếu chú ý sẽ nhận thấy, tuy lan đột biến được coi là rất hiếm nhưng các nhà vườn thường có hàng trăm loại cây này, áp đảo về số cây lan thường mà họ trồng.
Có như sự thổi phồng không?
Chủ một nhà vườn trồng lan lý giải tại sao lan đột biến giá cao là do nó hiếm mà có rất nhiều người sở hữu, đồng thời loại lan này rất đẹp. Anh này cho rằng lan đột biến thì cứ trong triệu tấn cây mới có 1 cây đột biến (!?).
Nhiều người chơi lan nhận định, đây là cuộc thổi giá ảo lan tương tự như hiện tượng xảy ra với cây cảnh cách nay 10 năm, người cuối cùng “ôm” cây mới chịu thiệt thòi, kiểu như dính bẫy. Có người hồ nghi đây là hiện tượng rửa tiền vì “không thể có giá cây lan trên trời như vậy”. Có người cho biết, lan đột biến chủ yếu nhập từ Đài Loan rồi về Việt Nam, có khi đưa lên rừng rồi trở về vườn thành lan đột biến.
Chuyên gia thực vật học hàng đầu Việt Nam, Tiến sĩ Võ Văn Chi, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết: Quan trọng là phải xác định tên khoa học của cây lan đó mới so sánh, đinh danh được cây sưu tầm có phải là lan đột biến quý hiếm hay không mới nói được tiếp câu chuyện.
 
20200715007
 Cây hoa lan 5 cánh trắng Bạch Tuyết có giá 700 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hùng
 
Đồng quan điểm, Thạc sĩ sinh học Cổ Đức Trọng cho rằng, chuyện lan giá cao đến hàng trăm triệu hàng tỷ đồng là chuyện tào lao nên mọi chuyện giá cả cũng tào lao nốt. Theo ông, điều quan trọng là phải xác định được tên khoa học của cây sưu tầm được, từ đó mới xác định nó có phải là cây đột biến hay không. Ông nói thêm, nhà khoa học thì bàn chuyện dưới khía cạnh khoa học còn cho rằng cây này đáng giá bao nhiêu là không đúng. Còn các nhà vườn cho là cây này, cây nọ đẹp, tự đặt tên như: Bảo Duy, Phú Thọ, H.O… là quyền của người ta, là cách đặt cảm tính không nói lên điều gì cả. Cũng không ai có thể định lượng được là có bao nhiêu cây lan thường thì có một cây lan đột biến được.
Như vậy, các cây lan đột biến đang “hot” hiện nay như 5 cánh trắng Bảo Duy chẳng hạn nguồn gốc không rõ ràng, câu chuyện một người tìm ra nó ở rừng Campuchia không được minh chứng, cũng không biết tại sao cho nó là lan đột biến nếu chỉ nhìn vẻ khác lạ bề ngoài và không được so sánh với lan cùng mẫu (cùng tên khoa học).

 
20200715008

Quan trọng nữa, Tiến sĩ Phạm Hữu Nhượng, nguyên Phó Giám đốc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: Lan đột biến cũng như lan thường có thể cấy mô để nhân giống khá đơn giản. Từ một cây đầu nhân ra vài chục cây, rồi vài trăm, vài ngàn, vài triệu theo cấp số nhân… Cây nhân giống không hề khác gì về mặt sinh học so với cây mẹ. Cho nên nói lan đột biến quý hiếm là khi người ta giữ khư khư cây ban đầu, chứ đã tách nhánh (kie), gieo hạt, cấy mô rồi thì còn gì là quý hiếm.
Điều cuối cùng, nếu như việc bán được cây lan đột biến hàng trăm triệu, hàng tỷ, chục tỷ đồng thì ngành thuế ở đâu mà không vào cuộc để thu thuế? Một chủ vườn lan cho biết: Ngành thuế vào cuộc mọi việc thật hay ảo sẽ rõ thôi.
Mọi việc sẽ rõ khi các nhà khoa học lên tiếng về tên khoa học các loại cây đột biến gen và quá đột biến… về giá; khi ngành thuế vào cuộc tích cực thu thuế cho nhà nước.
"Trường hợp chủ cây lan là cá nhân kinh doanh thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Nếu họ là nông dân, cây lan không qua sơ chế, chế biến thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.  Nếu cơ quan thuế muốn truy thu thuế thì cần chứng minh có các cuộc giao dịch này trên thực tế, và chứng minh các bên giao, nhận tiền cho nhau. Việc các bên lên mạng xã hội để nói về giao dịch có thể là thông tin không trung thực, do vậy chưa đủ căn cứ để truy thu thuế" - Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông, Hà Nội.

NGUYỄN HƯNG
Theo kinhtedothi.vn
 
Link gốc: http://kinhtedothi.vn/tai-sao-lan-dot-bien-co-gia-tren-troi-389908.html
 Từ khóa: cây lan đột biến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây