Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


Phương án của Việt Nam khi COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn

Bộ Y tế đã xây dựng Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra.
D2023032820
Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhận định COVID-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm nay. Trước thông tin trên, Bộ Y tế đã đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại việt Nam để có những tình huống ứng phó kịp thời.

Dịch có xu hướng giảm

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam kể từ đầu dịch đến ngày 20/3/2023, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92%) và hơn 43.100 ca tử vong (chiếm 0,37%). Từ ngày 29/12/2022 đến nay không ghi nhận trường hợp tử vong mới do COVID-19.

Tính từ ngày 01/01/2023 đến nay, cả nước ghi nhận 1.915 ca mắc, nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới. Bộ Y tế đánh giá, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam có xu hướng giảm theo thời gian cả về số mắc và phạm vi địa lý. Tỷ lệ tử vong giảm, tỷ lệ tử vong năm 2020-2021: 1,87; năm 2022: 0,11, năm 2023 chưa ghi nhận trường hợp tử vong.


Những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay tại Việt Nam, trong giai đoạn “quản lý bền vững” của đại dịch hiện nay tình hình tiếp tục ổn định, với số ca mắc báo cáo hàng ngày rất thấp, không có trường hợp tử vong trong hơn hai tháng qua.

“Tuy nhiên, chúng ta phải luôn cảnh giác, bởi virus này có thể tiếp tục phát triển với các biến thể hoặc biến thể phụ mới xuất hiện. Cần tiếp tục tiến hành đánh giá nguy cơ thường xuyên đối với các biến thể và biến thể phụ để xác định xem cần điều chỉnh gì đối với các biện pháp y tế công cộng,” bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Trên thế giới, tính đến ngày 21/3/2023, thế giới đã ghi nhận trên 682 triệu ca mắc, hơn 6,8 triệu ca tử vong. Trong tháng 3 (từ 13/2 đến 12/3/2023) thế giới ghi nhận gần 4,1 triệu ca mắc mới và 28.000 ca tử vong. Số ca mắc mới tại khu vực Tây Thái Bình Dương giảm mạnh nhất (68%) so với 28 ngày trước đó.

Ngày 27/1/2023, WHO vẫn tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC). Ngày 17/3/2023, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng cần tiếp tục đánh giá virus SARS-CoV-2 có tiếp tục biến đổi hay không, tiếp tục triển khai tiêm vaccine tới từng người dân, nhất là ở các nước kém phát triển.

Kịp thời điều chỉnh để chủ động đáp ứng

Việt Nam hiện nay vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới COVID-19, WHO đánh giá thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã xây dựng Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra.

Cụ thể, Việt Nam tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” phòng chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Các đơn vị y tế tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Tại các địa phương và các đơn vị y tế cần tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc COVID-19 tăng cao; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh.

Đặc biệt, Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch COVID-19.

Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân./.
Nguồn Thùy Giang (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/phuong-an-cua-viet-nam-khi-covid19-co-bien-chung-moi-nguy-hiem-hon/853751.vnp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây