Người Nhật nổi tiếng vì nhặt rác, người Việt tai tiếng vì vứt rác?
- Thứ ba - 26/06/2018 06:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mấy ngày trước, trên sân vận động (SVĐ) Mordovia Arena, Saransk Nga, trận đầu ra quân ở sân chơi World Cup 2018, đội tuyển Nhật Bản đã giành trọn 3 điểm trước đội Colombia hùng mạnh. Đồng thời trên khán đài, cổ động viên Nhật Bản đã “ghi điểm” trước ống kính truyền thông bằng hành động… nhặt rác! Những chiếc túi lớn chuẩn bị sẵn đã được họ mang ra, đi nhặt rác xung quanh khu vực mình ngồi, trả lại sự sạch sẽ cho SVĐ.
Như hiệu ứng lan tỏa, sau đó vài giờ cổ đông viên Senegal cũng có hành động tương tự sau khi xem đội nhà thi đấu. Cư dân mạng thế giới bày tỏ lòng yêu mến với việc làm bình dị của người Nhật và Senegal qua những lời bình như: “tôi muốn là một phần của nền văn hóa đó” hay “những hành động làm tan chảy tim tôi”…
Người Nhật chuẩn bị sẵn túi to để dọn dẹp rác sau khi trận đấu kết thúc. Ảnh: The Sun. |
Còn nhớ trong World Cup 2014 ở Brazil, ngay cả sau trận đấu “thảm bại” của đội nhà trước chính đội Colombia, các cổ động viên Nhật Bản vẫn “ghi điểm” khi nén nỗi buồn để đi nhặt rác.
Làm sao đong đếm được giá trị lòng yêu mến chân thành của bạn bè quốc tế ở một sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh như vậy!
Trong khi có những người nổi tiếng vì nhặt rác ở World Cup, thì ở Việt Nam lại có những người tai tiếng vì… vứt rác. Đó là câu chuyện gây tranh cãi trên mạng xã hội mới đây xung quanh hình ảnh một tấm băng rôn căng trên tường in ảnh, tên tuổi của những người được cho là đã lén vứt rác trong khu dân cư, được chụp tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk... Việc bêu riếu danh tính người xả rác nơi công cộng có thể chưa đúng quy định pháp luật, nhưng mặt khác nó cũng cho thấy mức độ bức xúc trước nạn xả rác bừa bãi. Chắc hẳn hầu hết chúng ta đều từng trải qua cảm giác này.
Sáng sớm chạy bộ ở khu căn hộ ngay mặt đường có vỉa hè rộng và dài, tôi thấy 2 phụ nữ chở cái bao to thả trước vỉa hè rồi chạy xe đi, đến gần xem hóa ra đó là... một bao rác.
Những cảnh tượng như "sáng 20/6, ai đi ngang ngã tư Trương Định – Võ Văn Tần cũng rợn người khi thấy một "núi rác" được moi lên từ lòng cống. Không chỉ chai nhựa, rác mà mỡ bò vón cục khiến ai nhìn thấy cũng phát hãi" hẳn không hiếm.
Báo chí thì không biết bao nhiêu lần đưa tin sau mỗi dịp bắn pháo hoa, đón giao thừa, đại nhạc hội… y như rằng bãi biển, công viên, phố đi bộ tràn ngập rác.
Một người nước ngoài chứng kiến bãi biển đẹp nhưng đầy rác của Việt Nam đã phải thốt lên “tại sao một dân tộc có lòng tự tôn, có nền văn hoá và nhiều thành tích lịch sử đáng tự hào như Việt Nam, lại không tự hào di sản thiên nhiên của mình”...
Hình ảnh tấm băng rôn gây tranh cãi những ngày qua. |
Xả rác thành tệ nạn vì đâu? Dân trí thấp, ý thức công dân kém, tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cao, sự lên ngôi của xã hội tiêu thụ khi chuẩn văn minh chưa định hình... là những nguyên nhân thường được mang ra lý giải. Tất cả đều có cơ sở, nhưng nếu chỉ có thế thì khó trả lời câu hỏi: tại sao ở trong nhà thì vun vén thơm tho sạch sẽ còn ra đường thì xả rác?
Một tấm băng rôn bêu tên hay hàng ngàn tấm cũng không thể làm chùn tay những người xả rác. Giải quyết vấn đề xả rác ở Việt Nam mà chỉ tuyên truyền kêu gọi ý thức công dân, thậm chí xử phạt chế tài mạnh chưa phải là giải pháp trọn vẹn.
Rác là biểu hiện phần nổi của ô nhiễm môi trường mà không giải quyết được thì ô nhiễm phần chìm như nhiễm độc không khí, nước uống, nhiễm độc thực phẩm... giải quyết thế nào? Một đại biểu Quốc hội mới đây phát biểu trên báo: Việt Nam là “một trong những quốc gia nói nhiều nhất về cách mạng 4.0". Nhưng đến ngay cả các thành phố lớn còn thất bại trong việc giữ sạch môi trường thì nói điều đó liệu có cao vời?
Có lẽ rác ngoài môi trường có một phần nguyên nhân sâu xa từ "rác" trong lòng người, trong xã hội. Đó là sự lên ngôi của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, là sự xói mòn lòng tự tôn công dân, khiến người ta không cảm thấy nhu cầu bức thiết, nhu cầu tự thân phải đóng góp, gìn giữ cho cộng đồng, cho cái chung.
Đáng buồn hơn là nhiều người nắm trong tay quyền lực, ở vào vị thế đáng ra phải làm gương trong chuyện này thì lại thành… gương xấu. Hãy quan sát hàng loạt vấn đề nhức nhối liên quan đến cái chung ở ta, như công quỹ, tài sản công, đất công… và ở chiều ngược lại là sự hoành hành của tư lợi cá nhân, của tình trạng “con ông cháu cha” chăm chăm vun vén cho gia đình dòng họ, của lợi ích nhóm… “Cha chung không ai khóc”, thậm chí cái chung thành mục tiêu bòn rút, lợi dụng!
Phải chăng chỉ khi nào ý thức về cái chung được củng cố thông qua việc thiết lập lại các hệ giá trị cũng như nền tảng pháp luật công bằng, nghiêm minh thì “rác” trong lòng người và ngoài xã hội mới có thể được thu dọn triệt để?