Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


Đóng BHXH 15 năm hưởng lương hưu, có ngăn được người lao động rút 'một cục'?

Người lao động mất việc ở tuổi còn khá trẻ, trong khi chờ đến tuổi nghỉ hưu lại dài. Vậy nên việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hưởng lương hưu vẫn khó hạn chế được tình trạng rút "một cục".
Thời gian chờ đến tuổi hưu quá dài

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm để hưởng lương hưu tối thiểu 45% không phải dành cho số đông mà hướng tới lao động tham gia hệ thống an sinh muộn. Cụ thể là người 40-45 tuổi mới bắt đầu đóng BHXH hoặc đóng ngắt quãng, không tích lũy đủ năm để hưởng lương hưu.

Dự thảo không khuyến khích lao động chỉ đóng đủ 15 năm BHXH rồi ngừng mà tham gia càng lâu thì tỷ lệ hưởng lương hưu càng cao. Để cải thiện lương hưu, về lâu dài cần nâng mặt bằng tiền lương tính đóng BHXH hằng tháng.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc vẫn băn khoăn về việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm nhưng tuổi nghỉ hưu quy định quá dài (nam 62, nữ 60), nên người lao động mất việc ở tuổi 35-40 khi không tìm được việc làm mới thường chọn rút BHXH một lần.

Bạn đọc Mạnh Trường chia sẻ: "Tôi là công nhân mất việc ở tuổi 45 khi đã đóng BHXH được 15 năm, hiện tại tiền ăn không có thì không thể nghĩ đến việc duy trì đóng BHXH để hưởng lương hưu khi về già.

Nếu theo quy định tuổi hưu, phải đợi 17 năm nữa tôi mới có lương.  Do vậy, rút BHXH một lần để có vốn tạo việc làm mới, thậm chí rút để có tiền duy trì cuộc sống hiện tại sẽ là lựa chọn phù hợp hơn”.
 
2023031909
Người lao động ở tuổi 35-40, khi mất việc không tìm được việc làm mới thường chọn phương án rút BHXH một lần. (Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn)
 
Bạn đọc Nguyễn Trung cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là 73 tuổi, trong khi tuổi nghỉ hưu hướng tới 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Cho dù 35 tuổi đã đóng đủ 15 năm BHXH thì vẫn phải chờ 27 năm nữa mới bắt đầu được lĩnh tháng lương hưu đầu tiên. Thời gian chờ đợi được hưởng như vậy rất dài.

Đồng quan điểm, bạn đọc Công Thành băn khoăn việc tại sao cứ loay hoay vấn đề đóng bao nhiêu năm và phải đủ tuổi 62 mới được nhận lương hưu. Người lao động đã đóng đủ năm mà phải chờ 15-22 năm sau mới được nhận lương từ BHXH thì sống bằng gì, trong khi cuộc sống khó khăn, đau ốm triền miên, mất việc không có việc làm khi chưa đến 50 tuổi.

Theo bạn đọc Công Thành, chính sách đề xuất giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu tưởng là "rất có lợi" nhưng chỉ phù hợp với đối tượng là công nhân viên chức của cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước có công việc ổn định, còn người lao động ngoài nhà nước "thiệt đơn, thiệt kép". Với những người lao động này, nếu bị mất việc thường khó tìm việc làm mới nên thường chọn rút BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt.

Từ thực tế trên, bạn đọc tên Tuân cho rằng, nên điều chỉnh độ tuổi được hưởng lương hưu xuống nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi với lao động nặng nhọc độc hại. Nếu vẫn quy định thời gian đóng BHXH giữ nguyên 20 năm, tuổi nghỉ hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ thì rất khó để người lao động mất việc tiếp tục tham gia BHXH nhằm hưởng lương hưu.

Giảm năm đóng BHXH, hạn chế người rút một lần

Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH không mới, bởi sau 3 lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu 45% đã được nâng từ 15 lên 20 năm (luật sửa đổi năm 2014) rồi lại hạ xuống 15 năm để cân bằng Quỹ hưu trí.

Thách thức đặt ra cho cơ quan soạn thảo là chính sách dự kiến thay đổi trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu đang tăng dần theo lộ trình, cho đến khi đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Điều này tạo ra khoảng thời gian quá dài từ khi lao động hết tuổi nghề, nghỉ làm cho đến khi nhận hưu trí.

Hiện nay tuổi nghề và tuổi hưu của lao động đang có khoảng cách lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may. Công nhân nữ tuổi từ 35- 40 bị thu hẹp việc làm, phải chuyển nghề khó tìm việc làm mới để tiếp tục đóng BHXH.

Khi tuổi nghề hết, tuổi hưu chưa tới thì lao động thà rút BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài đến lúc lĩnh lương hưu.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt cho biết, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần phải có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp tổng thể quan trọng nhất là phải đảm bảo việc làm, thu nhập bền vững cho người lao động.  

Thực tế, qua theo dõi những người rút BHXH một lần đều có nơi làm việc không tốt, thu nhập không thực sự ổn định, không có tích luỹ nên khi gặp khó khăn họ phải rút BHXH một lần. Do vậy, giải pháp tạo việc làm, thu nhập ổn định là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, về mặt chính sách, để hạn chế người rút BHXH một lần cần phải hướng tới việc khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động khi không làm việc tại doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện để về già được hưởng lương hưu.

Đồng thời, phải tạo điều kiện cho người lao động mất việc được nhận mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn để có đủ điều kiện tìm việc làm mới.  
Vũ Điệp
Theo vietnamnet.vn

Link gốc: https://vietnamnet.vn/dong-bhxh-15-nam-huong-luong-huu-co-ngan-duoc-nguoi-lao-dong-rut-mot-cuc-2122118.html
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây