Ấm lòng 'Salon' tóc đặc biệt trong khuôn viên Bệnh viện Hà Tĩnh
- Thứ sáu - 21/12/2018 17:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những “cây kéo vàng” của bệnh nhân
Nhiều người mới đến điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tỏ ra khá ngạc nhiên, nhưng với những người đã điều trị thời gian dài, xem bệnh viện như là “nhà” thì không còn xa lạ gì với việc vào thứ 6 hàng tuần, tại hành lang tầng 1 của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Bộ đội, Công an đang dùng đôi tay tài hoa của mình để cắt tóc miễn phí cho nhiều bệnh nhân.
Trước giờ cắt tóc, các bệnh nhân thường đứng đợi, xếp hàng dài để đăng ký. Ở một góc, hai chiếc gương hình chữ nhật được gắn vào tường, đối diện nhau khiến hành lang bệnh viện giống như một cửa tiệm cắt tóc bình thường khác. Khó ai có thể cầm lòng nổi khi được chứng kiến buổi cắt tóc miễn phí ngày một đông khách hàng đến đăng ký, không kể già, trẻ, nam nữ đều đủ cả, thậm chí có cả những em nhỏ không phải là bệnh nhân cũng được bố mẹ đưa đến “tiệm” cắt tóc “bất đắc dĩ” này.
Có lẽ khi chứng kiến tận mắt điểm cắt tóc ấy, trong khuôn viên bệnh viện ai cũng không khỏi ngỡ ngàng, bởi những cán bộ, chiến sĩ mặc quân phục chỉn chu, tỉ mi từng lát cắt. Họ là những người thợ không chuyên, thế nhưng nhìn đôi bàn tay khéo léo của họ chúng tôi cứ nghĩ đang lạc vào một Salon tóc chuyên nghiệp vậy.
Nhìn bệnh nhân tươi cười nói chuyện với những “cây kéo vàng” của đoàn viên, thanh niên đến từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh dường như một lần nữa tiếp thêm động lực cho những thợ cắt tóc “bất đắc dĩ”. Dù việc làm nhỏ nhưng cũng đủ để tạo nên một không gian bình yên, ấm áp đến kỳ lạ.
Tranh thủ thời gian nghỉ để đồng nghiệp thay mình tiếp tục cắt tóc cho bệnh nhân, lau vội những giọt mồ hôi, hạ sĩ Bùi Huy Hoàng (thuộc phòng PK02, Công an Tỉnh Hà Tĩnh), tâm sự: “Đây là lần thứ 4 tôi được đến cắt tóc cho các bệnh nhân, mỗi lần đến đây đều để lại trong tôi những cảm xúc khó tả và hầu hết những bệnh nhân ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên chúng tối muốn làm một điều gì đó tốt đẹp, giúp đỡ nhằm hạn chế phần nào những chi phí mà bệnh nhân phải gánh chịu”.
Ấm lòng người bệnh từ những việc làm nhỏ
Đưa ánh mắt chăm chú nhìn từng đường kéo điệu nghệ, bà Phan Thị Loan (50 tuổi, trú tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), chia sẻ: “Tôi điều trị ở đây được 1 tháng rồi, đây là lần thứ 2 tôi đi cắt tóc ở đây và thấy các chiến sĩ bộ đội và công an nhiệt tình lắm, họ cắt còn đẹp hơn mình đi ra tiệm cắt ấy chứ... Dù một việc làm rất nhỏ nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp lắm và hôm nay tôi đã rủ bạn cùng phòng đi cắt cùng”.
“Phụ nữ, tóc nhanh tốt lắm, mùa đông trời lạnh khiến việc mỗi lần gội đầu rất vất vả, ở bệnh viện điều kiện để gội cũng khó khăn nên tôi cắt ngắn hơn cho sạch sẽ. Các chú công an, bộ đội ở đây rất nhiệt tình nên tôi thường giới thiệu với những người bệnh khác đến đây cắt”, bà Phan Thị Như (65 tuổi, trú tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tâm sự.
Nói về ý tưởng thành lập tiệm cắt tóc này, bác sĩ Hoàng Song Hào – Trưởng phòng Quản lý Chất lượng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh), chia sẻ: “Hai năm trước, các anh chị đoàn thanh niên được đi tập huấn tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có thấy một câu lạc bộ cắt tóc miễn phí rất ý nghĩa cho người bệnh nên khi về Hà Tĩnh, chúng tôi đã gửi đề xuất lên lãnh đạo bệnh viện để triển khai. Chúng tôi trao đổi với phía Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh thì các anh ấy rất ủng hộ. Chỉ mấy chục phút cắt tóc nhưng qua trò chuyện, tinh thần của bệnh nhân cũng được thoải mái, vui vẻ lên nhiều, tích cực điều trị hơn”.
“Chi phí ban đầu do một doanh nghiệp bỏ ra (khoảng 20 triệu đồng), nhưng mỗi ngày có khoảng 25-30 bệnh nhân xuống cắt tóc và đều được miễn phí tiền công. Hoạt động này chúng tôi có tổ chức theo ngày, giờ cụ thể: Vào thứ 6 hàng tuần, buổi sáng bắt đầu từ 7h30 – 11h45 phút; buổi chiều từ 14h – 17h30. Nếu như bệnh nhân nào nặng không đi được mà có nhu cầu cắt tóc thì sẽ có một đội tình nguyện viên đến giúp đỡ”, Bác sĩ Hào cho hay.
Những việc làm tưởng như hết sức đơn giản của họ lại mang đến một ý nghĩa hết sức to lớn, nó giúp cho những người bệnh không còn cảm giác lạc lõng mỗi khi đến bệnh viện điều trị.