Quản lý kiểu thả chim
- Thứ tư - 02/05/2018 15:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công khai, minh bạch kế hoạch hành động là cách duy nhất để các nhà quản lý có thể tự tin với công việc của mình, để chim không phải bắt lại sau khi vừa thả ra, để vản bản không cần phải thu hồi ngay sau khi ban hành, và để người dân tin rằng mình đã không phí tiền đóng thuế để nuôi những cán bộ quản lý công việc phục vụ mình.
Trưa ngày 5/2/2018, Công ty thoát nước Hà Nội thả 12 con thiên nga vào hồ Hoàn Kiếm khiến cả chiều tối hôm đó, dư luận báo chí ồn ào bàn tán về việc nên hay không. Rạng sáng hôm sau, 12 con thiên nga nhanh chóng được chuyển đi nơi khác, nhưng lời đàm tiếu vẫn ở lại suốt mấy ngày sau đó.

Nếu nhà quản lý có một chương trình hành động minh bạch đáng tin cậy thì có thể thứ được thả vào Hồ Gươm sẽ không phải thiên nga, hoặc có thể là thiên nga mà không cần bắt lại. Ảnh: Zing
Người ta không còn đàm tiếu về việc nên hay không thả thiên nga nữa, mà nói về sự hấp tấp, vội vàng, và thiếu nhất quán trong hành động của chính quyền đô thị Hà Nội.
Chuyện điểm trang đô thị một cách tuỳ hứng, rồi vội vàng thay đổi vì dư luận không hay, kiểu thả chim, bắt chim của chính quyền đô thị Hà Nội không phải lần đầu tiên xảy ra. Hai năm trước, những bông hoa rau muống trang trí đài phun nước ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng chỉ tồn tại được vài ngày, sau khi nó bất ngờ được lắp đặt và nhận sự dè bỉu của dư luận.
Những bông hoa rau muống ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là đẹp hay xấu, những con thiên nga ở Hồ Hoàn Kiếm có phù hợp hay không? Sẽ không bao giờ có một câu trả lời đồng nhất cho những câu hỏi này! Bởi thẩm mỹ của mỗi người khác nhau, bởi góc nhìn, lợi ích của mỗi người đối với cảnh quan đô thị không thể nào hoàn toàn giống nhau.
Mỗi một hành động của các nhà quản lý đô thị đều sẽ nhận được những lời khen, chê trái chiều, cho dù đó là bất cứ hành động nào. Tuy nhiên, việc quản lý đô thị kiểu thả chim, không có nguyên tắc, không có sự nhất quán, nay thế này, mai thế khác, vừa đi vừa ném đá dò đường thì không một ai có thể đồng tình.
Một đô thị được quản lý theo cách dò dẫm như vậy khiến người ta cảm thấy bất an, khó lường, và thiếu sự tin tưởng. Những dàn đèn trang trí, những con chim thiên nga, dẫu được đầu tư bằng nguồn tiền nào đi nữa thì cũng là nguồn lực xã hội. Liệu người dân có thể tin tưởng những nhà quản lý sử dụng nguồn lực xã hội vào những việc mà bản thân họ cũng không có cơ sở để tự tin?
Vụ thả chim của Công ty thoát nước Hà Nội dù chưa tạo ra hậu quả thực tế nào, nhưng cái cách mà cơ quan này thực hiện đã tạo ra cảm giác hoài nghi và bất an của người dân về năng lực quản lý của chính quyền đô thị. Và điều đáng nói hơn cả ở câu chuyện này là phong cách quản lý kiểu thả chim không chỉ tồn tại ở một cơ quan như Công ty thoát nước Hà Nội. Nó là một hiện tượng phổ biến, ở rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Sáng 8/1 vừa qua, một văn bản của Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng xuất hiện trên nhiều tờ báo yêu cầu các cơ quan báo chí ở Đà Nẵng phải cung cấp nội dung cho cơ quan này trước khi xuất bản. Buổi chiều, một văn bản của chính cơ quan trên được ban hành để thu hồi văn bản gây tranh cãi.
Việc sửa sai nhanh chóng của Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng là cần thiết, và đáng hoan nghênh. Song, bản chất đáng lo ngại của câu chuyện này cũng giống chuyện Hà Nội thả chim. Cơ chế nào tạo ra những hành động vội vàng, hấp tấp, và phản cảm của những người quản lý?
Không khó để có câu trả lời về căn nguyên những chuyện như thả chim ở Hà Nội, hay đòi xem báo trước khi in ở Đà Nẵng. Đó chính là sự lúng túng, loay hoay của những nhà quản lý, họ muốn làm tốt công việc của mình nhưng không thực sự hiểu rõ mình cần làm như thế nào.
Bản chất của hiện tượng này chính là có quá nhiều nhân sự được bổ nhiệm vào những vị trí quản lý mà không hề xây dựng được một chương trình hành động thể hiện phương pháp để thực hiện những mục tiêu rõ ràng, cụ thể thuộc lĩnh vực của mình. Vì thế, những nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ thường thiếu nhất quán, mong manh về căn cứ khoa học, luật pháp, nặng về cảm tính và thường xuyên phải sửa chữa, thay đổi.
Những con thiên nga được thả xuống Hồ Gươm có thể là một nỗ lực làm đẹp cho thành phố. Song nếu như đó là một phần của chương trình hành động của chính quyền thành phố Hà Nội, và chương trình đó đã được phổ biến tới người dân, báo chí, để được góp ý, phản biện, đánh giá tác động một cách minh bạch trước khi thả chim thì mọi chuyện đã khác. Có thể thứ được thả vào Hồ Gươm sẽ không phải thiên nga, hoặc có thể là thiên nga mà không cần bắt lại.
Văn bản yêu cầu báo chí phải nộp bản thảo trước khi xuất bản của Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng có thể là một nỗ lực nhằm quản lý tốt hơn những thông tin xấu, độc, giả dối trên các phương tiện truyền thông. Song, nếu như lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng có một chương trình hành động, một kế hoạch thực hiện những biện pháp nhằm quản lý báo chí một cách hiệu quả hơn, để công khai lấy ý kiến tham vấn từ các đối tượng liên quan, thì đã không có một văn bản vô lối để rồi lập tức phải thu hồi.
Xây dựng kế hoạch hành động với các phương pháp rõ ràng để thực hiện mục tiêu trong nhiệm kỳ của các nhà quản lý là điều buộc phải làm. Nó không chỉ khiến các nhà quản lý không phải vừa đi vừa dò đường trong nhiệm kỳ của mình, mà còn là cách để tìm thấy sự đồng thuận của xã hội, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Công khai, minh bạch kế hoạch hành động là cách duy nhất để các nhà quản lý có thể tự tin với công việc của mình, để chim không phải bắt lại sau khi vừa thả ra, để vản bản không cần phải thu hồi ngay sau khi ban hành, và để người dân tin rằng mình đã không phí tiền đóng thuế để nuôi những cán bộ quản lý công việc phục vụ mình.
Phạm Trung Tuyến
Theo Khám phá
Theo Khám phá