"Phí nuôi ong" và gấp rút hoàn thiện hồ sơ biệt phủ
- Chủ nhật - 25/06/2017 14:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Biệt phủ của ông Phạm Sĩ Quý- Giám đốc Sở TNMT Yên Bái. Ảnh: GDVN |
Những chuyện bất ngờ lại nối tiếp những bất ngờ. Vừa mới vài tháng trước đây, độc giả cả nước ngạc nhiên và bất bình khi tại Sóc Trăng, ông Đặng Văn Ngọ- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng xây biệt thự trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp. Khi báo chí vào cuộc, Sở TNMT tỉnh này đã làm việc cả vào ngày nghỉ để hoàn thiện thủ tục giấy tờ hợp lý hóa cho lô đất.
Thì mới đây, một câu chuyện tương tự lại xảy ra ở Yên Bái, chỉ trong 1 ngày (20/7/2015), ông Nguyễn Yên Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái đã ký 6 quyết định liên tiếp (từ 2356 đến 2361) để chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Phạm Sỹ Quý, hiện đang là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Phân trần với báo chí, ông Quý cho biết tất cả việc này đều đầy đủ thủ tục, đúng quy trình, khi biệt phủ này đứng tên vợ ông, bà Huệ làm kinh doanh nên có tài sản riêng cùng chị em bên vợ.
Tất cả những yếu tố liên quan đến vụ việc của ông Phạm Sỹ Quý, dù muốn hay không, cũng khiến người dân hình dung ra một trường hợp điển hình cho cái gọi là “đặc quyền đặc lợi”. Nếu ông Quý không phải là Giám đốc Sở TNMT tỉnh nhà, thì làm gì có chuyện chỉ trong 1 ngày, ông Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái phải ký liên tiếp 6 quyết dịnh để chuyển đổi 1 diện tích đất rừng lớn như thế sang thành đất ở cho gia đình ông?
![]() |
Giấy mời đến đóng “phí nuôi ong” của công an xã Kỳ Tây. Ảnh: Tuổi trẻ |
Chuyện thủ tục, quy trình khó là khó với ai, chứ với những người như ông Quý, là người có địa vị trong bộ máy công quyền tỉnh nhà, khó có chuyện ông bị hành bởi các thủ tục “hành là chính” như người dân. Vì thế chuyện 13.000m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản trở thành đất ở cũng là chuyện bình thường.
Chỉ có những gì liên quan đến các công dân bình thường, mới trở thành khác thường mà thôi. Ấy là chuyện các chủ trại nuôi ong ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ An, Hà Tĩnh mấy năm nay phải nộp “phí nuôi ong” cho công an xã.
Báo Tuổi trẻ cho biết, ông Tạ Văn Hiếu, một chủ trại tại Kỳ Anh cho biết ông có 500 tổ ong nuôi ở xã Kỳ Trung. “Thấy tôi nuôi ong, chính quyền yêu cầu đóng phí mỗi tháng 3 triệu đồng. Việc đóng phí này là vô lý”, ông Hiếu bức xúc.
Tương tự ở xã Kỳ Tân, công an xã này thấy có chủ trại nuôi ong nào đến là viết giấy mời yêu cầu nộp phí. Việc thu phí này diễn ra từ năm 2011 đến nay. “Đến nuôi ong ở xã Kỳ Tân là phải đóng tiền. Ai không đóng công an xã đến tận trại thu”, ông Trần Ngọc Châu, một chủ trại nuôi ong nói.
Nuôi ong cũng phải đóng phí, mà tưởng “phí nuôi ong” này là loại phí gì cao siêu lắm, ông chủ tịch xã giải thích, các chủ trại nuôi ong đến địa bàn nuôi ong gây lộn xộn, nên phải “tự nguyện” đóng phí để công an xã giữ gìn an ninh trật tự.
Phí nuôi ong hay là “phí nuôi ông”? nhiều người đã đặt một câu hỏi đầy ngụ ý như thế. Thương cho người dân, chỉ lao động sản xuất bình thường, kiếm miếng ăn nuôi con cái cũng phải “đóng phí”. Có khi nào từ “phí nuôi ong” rồi sẽ phát triển đến các loại “phí nuôi lợn”, “phí nuôi gà”, “phí trồng ổi”, “phí trồng na” hay không? Cũng chưa biết chừng.
Không có gì là không thể xảy ra. Nếu người ta có thể ký tới 6 quyết định trong 1 ngày để hợp lý hóa đất xây biệt phủ cho Giám đốc Sở, thì các chủ trang trại nuôi ong phải đóng phí nuôi ong cũng là chuyện bình thường. Dễ hiểu thôi mà, có phải không thưa bạn đọc?