Người nghèo có cần pháo hoa?
- Thứ tư - 02/05/2018 15:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quê tôi ở Quảng Ngãi, một tỉnh duyên hải miền Trung có rất đông người dân di cư vào Sài Gòn và các tỉnh miền nam mưu sinh. Tết đến, trái ngược với sự vắng vẻ thường thấy, thành phố luôn đông nghịt khi dòng người xa quê tất bật trở về.
Đêm giao thừa, quảng trường thành phố biến thành một biển người chen chúc. Ai cũng háo hức chờ đón màn pháo hoa chào năm mới. Trong thời khắc pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời với tiếng nổ rộn ràng, mọi lo âu mệt nhoài năm cũ dường như tan biến.
Thời khắc ấy, dường như mọi ranh giới đều bị xóa nhà, bởi ai cũng có thể ngước lên nhìn bầu trời cao với ánh sáng rực rỡ và thầm gửi một ước vọng.
Cuối năm 2016, Ban bí thư có chỉ thị về việc tổ chức Tết năm 2017. Chỉ thị nêu rõ: Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.
Sau chỉ đạo, cả nước đã có một đêm giao thừa lặng lẽ theo đúng nghĩa đen. Nhưng trên các mặt báo và mạng xã hội, những cuộc tranh luận ồn ào nổ ra.
Tôi cho rằng chỉ thị này phát ra hai thông điệp. Đầu tiên là thông điệp về sự tiết kiệm trong bộ máy Đảng và chính quyền để hướng về người dân. Mặt khác, chỉ thị "ngầm" nhắc nhở các tỉnh tự cân đối ngân sách trước khi bám vào "bầu sữa" trung ương. Cũng trong thời điểm này, 12 tỉnh có đơn xin gạo cứu đói.
Nhưng nếu nói rằng người nghèo có cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhà nước tiết kiệm kinh phí bắn pháo hoa để lo cho mình không thì tôi e rằng khó trả lời.
Thứ nhất, việc chăm lo cho người nghèo không nên dừng lại ở những gói quà hay bao gạo ngày Tết mà còn ở khía cạnh tinh thần. Trên bình diện này, màn bắn pháo hoa đêm giao thừa là một bữa tiệc tinh thần mà chính họ cũng muốn được thụ hưởng. Tôi chắc rằng họ cũng chẳng mấy dễ chịu nếu vì mình mà cả nước phải "nhịn" một đêm giao thừa rộn ràng nô nức.
Thứ hai, xét về kinh phí, con số dành cho bắn pháo hoa không đáng kể so với nguồn thu ngân sách của địa phương. Xin lấy một ví dụ, năm 2017, Hà Nội công bố việc không bắn pháo hoa giúp tiết kiệm 10 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách của thành phố năm 2016 vào khoảng 174.000 tỷ đồng. Với các tỉnh nghèo, kinh phí bắn pháo hoa hoàn toàn có thể huy động từ nguồn xã hội hóa.
Thứ ba, Đảng và Chính phủ đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Sự thất thoát ngân sách đến từ nhiều lỗ hỏng trong thể chế, và con số thiệt hại cho một án "cố ý làm trái" lên đến hàng trăm tỷ đồng chứ không dừng lại ở con số ít ỏi như kinh phí cho việc tổ chức pháo hoa.
Thay vì không tổ chức bắn pháo hoa, nhà nước có thể chứng minh cho người dân thấy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ máy thông qua việc chống tham nhũng "không có vùng cấm" như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố trong thông điệp đầu năm.
Chính phủ có thể cho thấy những nỗ lực không chỉ "tiết kiệm" mà còn làm giàu ngân sách thông qua việc cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, minh bạch, thu hút đầu tư. Những chỉ số mang tính "nói có sách, mách có chứng" chứ không dừng lại ở một thông điệp.
Ngay đầu năm mới, dư luận đã xôn xao về cổng chào ở Cần Thơ mà lãnh đạo Sở Văn hóa tỉnh này thừa nhận là "kinh phí lớn" từ nguồn xã hội hóa. Như vậy, pháo hoa chỉ là một cách để tiêu tiền, nếu không bắn pháo hoa, các địa phương có thể sử dụng nguồn xã hội hóa theo một cách khác.
Năm nay, đêm giao thừa sẽ không còn lặng lẽ, chỉ đạo về việc tổ chức Tết năm 2018 của Ban Bí thư mới công bố có một điểm mới quan trọng so với chỉ thị năm trước. Trong đó, việc chăm lo cho người nghèo, người có công được đặt ở một khoản riêng biệt, không nhập nhèm với pháo hoa.
Các tỉnh thành trực thuộc trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tiết kiệm, tuyệt đối an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước.
Tôi mong chờ một đêm giao thừa không lặng lẽ, và tin rằng nhiều người không ngại kinh phí bắn pháo hoa là lãng phí. Bởi thật ra, người dân không sợ những tiếng nổ rộn ràng giữa thanh thiên bạch, mà sợ những phi vụ lặng lẽ dưới gầm bàn.
Theo Khám phá