Hà Tĩnh: Nhà thầu và Chủ đầu tư có "bắt tay" để làm sai ở dự án tiền tỷ?
- Thứ ba - 20/06/2017 17:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà thầu tổ chức khai thác đất “lậu” tại một hộ dân ở thị trấn Vũ Quang về đổ đất nền
Dự án trên có tổng mức đầu tư lên tới hơn 3.5 tỷ đồng, trên 800m đường bê tông cấp 4. Trong đó, chi phí xây lắp là trên 2.8 tỷ đồng bao gồm các hạng mục cống, nền đường và mặt đường.
Bất cập này nằm trong dự án đường giao thông nói trên, có Chủ đầu tư là UBND huyện Vũ Quang, đơn vị thi công là Công ty Công Ty TNHH Đại Quý (có địa chỉ tại Thị tứ xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Đất lấy từ xã Hương Thọ là đất phấn kém chất lượng
Theo đó, tại Dự toán thiết kế xây dựng đã được UBND huyện Vũ Quang phê duyệt, cũng như trong nội dung bản Hợp đồng thi công giữa Ban A xây dựng huyện Vũ Quang ký kết với đại diện Công ty TNHH Đại Quý, số lượng đất thi công ở hạng mục nền dự án này phải được mua tại mỏ đất xã Đức An (cách tuyến hơn 23km).
Tuy nhiên, thay vì mua đất ở mỏ đất xã Đức An, Chủ đầu tư lại cấu kết với nhà thầu lấy đất tại hai địa điểm không nằm trong danh mục ký kết, một lấy đất từ công trình xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang) và địa điểm thứ hai là tổ chức khai thác đất “lậu” ở vườn đồi của một hộ dân tại thị trấn Vũ Quang.
Ở hạng mục thi công nền móng, bao gồm các thành phần: nạo vét hữu cơ (bóc phong hóa), vận chuyển đất phong hóa đi đổ ở bãi thải, và sử dụng đất có độ chặt k95 để đắp nền (mua từ mỏ đất xã Đức An).
Nhà thầu đổ đất đắp trực tiếp xuống bùn nước
Tổng chi phí dự toán cho hạng mục này lên tới 1.256.780.704 đồng (gần bằng ½ tổng chi phí xây lắp). Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhà thầu không thực thi những quy định trong Hồ sơ dự toán và hợp đồng thi công.
Tại hiện trường dự án, nhà thầu không bóc phong hóa hoặc có chỗ bóc nhưng bóc rất sơ sài. Tuyến đường đi qua khu vực kênh nước đầm lầy nhưng nhà thầu đổ đất đắp trực tiếp xuống bùn nước. Những chỗ bóc thì chỉ bóc qua loa, nạo vét bề mặt cỏ đẩy ra hai bên lề chứ không bóc đất bùn cho lên xe vận chuyển đi đổ ở bãi thải.
Theo ghi nhận, vì không sử dụng đất ở mỏ đất đã được phê duyệt như theo thiết kế, việc nhà thầu sử dụng đất “lậu” kém chất lượng nên theo những hình ảnh mà PV ghi lại được, bằng mắt thường có thể thấy ngay đất mà nhà thầu đắp là đất mùn phong hóa và đất phấn không đủ độ chặt.
Nhằm đi tìm câu trả lời xác đáng cho những bất cập ban đầu tại dự án, PV đã liên hệ với đại diện Chủ đầu tư là ông Phan Xuân Nam, Trưởng Ban A huyện Vũ Quang.
Quá trình bóc phong hóa sơ sài, bóc cho có
Trong vài phút ngắn ngủi làm việc với vị lãnh đạo này, PV hầu như không tiếp cận được thông tin gì ngoài hình ảnh ông này ngồi vắt chân chữ ngũ và phì phèo đốt thuốc trong phòng làm việc với dăm bảy câu trả lời nhát gừng. Sau đó, ông Nam bỏ ra ngoài đồng thời cử cấp dưới trao đổi thông tin với PV.
Khi PV đặt câu hỏi với ông Nguyễn Trọng Lê (Phó Ban A) thì ông này cho biết: Ban A đã biết nhà thầu sử dụng đất không lấy tại mỏ đất của xã Đức An như trong dự toán, tuy nhiên theo vị này lý giải thì việc làm này nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà nước.
Nếu nhà thầu không mua đất tại mỏ thì sẽ không có hóa đơn chứng từ mua đất, nên sau này Ban sẽ không thanh toán tiền đất mà chỉ tính phí vận chuyển (?)
Để trả lời cho nghi vấn của PV về việc nếu lấy đất chưa được kiểm định và không theo thiết kế thì có ảnh hưởng đến chất lượng công trình hay không? Thì ông Lê khẳng định rằng đất nhà thầu đang đắp nền đạt độ K và đã được đơn vị thứ 3 kiểm định chất lượng, nhưng biên bản kiểm định và biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào ở đâu thì ông Lê không rõ. Dư luận đặt ra nghi vấn là Ban A huyện Vũ Quang có cố tình để nhà thầu thay đổi thiết kế và thi công “dởm”?
Vì trên thực tế, để thay đổi thiết kế phải áp dụng theo: Luật Xây dựng; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình; Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 75/2014/TT-BTC ngày 12/6/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm tra thiết kế công trình xây dựng.
Vấn đề đặt ra ở đây là hơn 1,2 tỷ đồng tiền mua đất đắp nền, tiền vận chuyển và bóc phong hóa đất bùn tại dự án này sẽ được nhà thầu và Chủ đầu tư “phù phép” bằng cách nào để hợp lý hóa kinh phí khi thanh lý hợp đồng?
Nghiêm trọng hơn, chỉ 800 mét đường giao thông cấp 4 nhưng lại có mức tổng đầu tư lên tới hơn 3,5 tỷ đồng (có thể nói là đường dát vàng) này lại xảy ra bất cập ngay từ hạng mục xây dựng nền móng liệu có đảm bảo về chất lượng khi hoàn thành? Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và giải quyết. Đừng để lãng phí tiền thuế của nhân dân đóng góp.