Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


U61 ném bom xăng ở Triều Khúc: “Trị” hàng xóm hay tiễn mình vào “khám”?

Dù việc hàng xóm hát karaoke gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến những người xung quanh là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hành vi dùng bom xăng ném sang nhà hàng xóm là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu dùng hành vi này để “trị” hàng xóm cũng là tự tiễn mình vào “khám”.
Rạng sáng 22/11, Cảnh sát phản ứng nhanh (CS 113) của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, CATP Hà Nội đã khống chế thành công ông Nguyễn Huy Ngọc (61tuổi, trú tại xóm Đình,Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, TP Hà Nội) – người đã dùng chai xăng châm lửa đốt ném sang hàng xóm sau đó, cố thủ đổ xăng ra sàn nhà, dọa châm lửa đốt.
Theo người dân khu vực, ông Ngọc là người nghiện rượu nặng, tâm lý bất ổn.Việc ông Ngọc ném bom xăng sang nhà hàng xóm tối 21/11 được cho xuất phát từ việc nhà hàng xóm hát karaoke ồn ào liên tục nên đã có hành động để "dằn mặt" người hàng xóm của mình.
 
T2020112302 1
 Hình ảnh ông Ngọc ném bom xăng rang nhà hàng xóm.
 
Nếu nguyên nhân dẫn đến vụ việc như trên, có thể thấy những người hàng xóm cũng có lỗi khi hát karaoke gây tiếng ồn ảnh hưởng đến những người xung quanh, thậm chí gây bức xúc cho những người hàng xóm như ông Ngọc. Không chỉ vụ việc trên, thực tế nhiều vụ hát karaoke gây tiếng ồn quá lớn đã dẫn đến những mâu thuẫn bất hòa, nhiều vụ ẩu đả, thậm chí án mạng đã xảy ra do gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, ức chế tinh thần và sức khỏe của người dân.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại khoản 1, điều 6, Nghị định 167/2013 hành vi hát karaok gây ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 600.000 đồng).

Trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 17 Nghị định số 155/2016.

Mức phạt cụ thể như sau: Hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1 - 20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 2 - 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40 - 200 triệu đồng). Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100 - 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200 - 320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp này không dễ vì vướng quy định này, nghị định kia đồng thời phải trang bị máy đo tiếng ồn. Trong khi đó, hệ lụy do việc hát karaoke mang lại rất lớn khi không chỉ gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến những gia đình xung quanh mà còn gây mất an ninh trật tự. Nhiều người thay vì nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng đã tự xử dẫn đến mâu thuẫn, ẩu đả, gây thương tích, án mạng.

Tuy nhiên, hành vi ném bom xăng của ông Nguyễn Huy Ngọc nếu xuất phát từ nguyên nhân trên cũng không thể chấp nhận được. Bởi hành vi đó không chỉ trị hàng xóm mà còn tự tiễn mình vào “khám” khi vi phạm các quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi ném bom xăng sang nhà hàng xóm của ông Nguyễn Huy Ngọc là hành vi hết sức nguy hiểm có thể gây hỏa hoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và đời sống của người dân sống gần khu vực đó. Do đó, việc cơ quan chức năng sớm có mặt, khống chế bắt giữ đối tượng để xử lý là phù hợp với quy định của pháp luật, phòng ngừa những hậu quả thiệt hại đến người và tài sản có thể xảy ra.

Luật sư Cường cho rằng, thông tin từ phía cơ quan chức năng, ông Ngọc có tiền án bệnh tâm thần, biểu hiện của đối tượng cũng hết sức bất thường, chưa làm rõ nguyên nhân động cơ của sự việc. Bởi vậy cơ quan chức năng có thể thực hiện thủ tục pháp lý để trưng cầu giám định tâm thần đối với đối tượng này, xác định thời điểm trước trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm, đối tượng này có nhận thức, điều khiển được hành vi của mình hay không.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy trước và trong khi thực hiện hành vi ném bom xăng, gây mất an ninh trật tự, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác, đối tượng này mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, đối tượng này sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.

Tuy nhiên, trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi gây mất an ninh trật tự đối tượng này bị hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi do sử dụng rượu bia và trước đó, vẫn có khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
 
T2020112302 2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
 
Trường hợp hành vi gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của người khác, đối tượng có thể bị xem xét xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tội cố ý gây thương tích tùy thuộc vào hậu quả cụ thể... theo quy định pháp luật.

Một lần nữa, luật sư Cường nhấn mạnh, hành vi của đối tượng này là hết sức nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra cháy nổ, thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác, hậu quả là hết sức khó lường.

Do đó, cơ quan chức năng cần phải làm rõ mức độ nhận thức điều khiển hành vi của đối tượng này, làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng này và những hậu quả có thể xảy ra để thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa.

Trong trường hợp đối tượng bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức cần phải có những biện pháp can thiệp về y tế, ngăn ngừa để tránh việc đối tượng có thể thực hiện các hành vi nguy hiểm tiếp theo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, để cho những người dân sống xung quanh khu vực đó được an toàn.

Nguồn  Kiến thức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây