1. Hà Nội 2018, những trận mưa lớn cuối tháng 7 qua cả 10 ngày vẫn còn khiến nhiều khu vực ngoại thành ngập nặng, dù máy bơm tiêu nước hoạt động ngày đêm. Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, do lượng nước lớn chảy từ tỉnh Hòa Bình và huyện Ba Vì về, tràn qua một số đê bao phân lũ, khiến khu vực các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất ngập sâu.
Hiện chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu mét vuông sông rạch, vùng chứa nước tự nhiên bị san lấp, chiếm chỗ. Nhưng khu vực ngoại thành Hà Nội, việc đếm có bao nhiêu dự án khu đô thị, nhà ở mọc lên trên đất vốn là đồng nước, là ruộng, là bãi hoang,… có lẽ dễ như trở bàn tay.
Tại TP.HCM, qua những trận ngập, lụt liên miên hàng chục năm qua, thậm chí ngập lụt khi không phải mùa mưa, căn nguyên của nó cũng đã được chỉ rõ: Lượng mưa gấp nhiều lần khả năng của hệ thống thoát nước; Mức triều cường ngoài khả năng thoát nước đã được thiết kế từ trước;… Và đặc biệt, đường thoát nước tự nhiên phía Đông - Nam TP.HCM đã bị con người xâm lấn. Khắp các khu vực quận 2, 6, 7, 8, 9, huyện Nhà Bè, Thủ Đức, những nơi vốn là địa bàn của dừa nước, đã mọc lên hằng hà những khu đô thị, dự án nhà ở. Tấc đất tấc vàng, nhà đầu tư nào sẽ dành đất cho hồ chứa nước tự nhiên?
Duyên hải miền Trung với địa hình dốc hẹp, bão lũ năm nào cũng gây thiệt hại nặng nề. Nhưng lúc này, miền Trung đang đối mặt với hiện tượng “lạ”: Ngập.
Ảnh: Reuters
2. Nghệ An ngập, Hà Tĩnh ngập, Quảng Trị ngập, Huế ngập, Quảng Nam ngập, Đà Nẵng ngập, Quãng Ngãi ngập, Bình Định ngập,… Điệp khúc “ngập” đã không trừ một địa phương nào dọc dải đất miền Trung. Đáng chú ý, báo cáo nhanh của các địa phương, thay vì thiệt hại về nhân mạng thường xảy ra ở vùng núi, thì nay, thương vong xảy ra cả ở đô thị.
Đà Nẵng, đô thị lớn nhất miền Trung những ngày qua oằn mình trong ngập lụt, trận ngập được gọi là “lịch sử 100 năm qua chưa từng thấy”. Cũng như TP.HCM, cơ quan chức năng vin vào: Hệ thống cống thoát nước không chịu được mưa 100mm; rác thải chặn cống thoát nước;… Nhưng các nhà chuyên môn đã chỉ thẳng: “Rác” trong quy hoạch!
Và thực tế, đây không phải lần đầu Đà Nẵng có mưa trên 100mm hay là rác. Hơn 100 năm qua, không có chuyện mưa không thoát nước gây ngập. Cũng không phải bây giờ Đà Nẵng mới ngập rác.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch của Đà Nẵng có nhiều sai lầm. Thứ nhất, vùng chứa nước tự nhiên của thành phố là phía Nam sông Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Xuân, Hòa Quý không còn. Trước đây, vùng này là vùng đồng ruộng, thấp hơn so với độ cao của TP. Đà Nẵng và là nơi chứa nước khi mưa lớn.
Nay quy hoạch, toàn bộ khu vực này được đắp cao hơn mặt bằng thành phố. Bằng chứng là toàn Đà Nẵng ngập, nhưng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không ngập, chứng tỏ hồ chứa nước đó không còn và toàn bộ nước dồn về trung tâm theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”. Thêm nữa, bên trong TP. Đà Nẵng hiện cũng không còn hồ chứa nước, không còn công viên, mảnh vườn mà thay vào đó là bê tông hóa, nước đổ xuống nền bê tông không ngấm xuống đất…
Câu chuyện của Đà Nẵng, cũng không khác TP.HCM, khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng trên vùng trũng thấp lại không ngập.
Câu chuyện của Đà Nẵng, cũng như nhiều tỉnh duyên hải miền Trung hẹp, dốc, sát biển nhưng vẫn ngập, bởi sông, rạch thoát nước bị san lấp, thu hẹp, đường thoát nước tự nhiên bị “chắn” bởi hàng loạt các dự án resort, khách sạn sừng sững ven biển.
3. Tại thảo luận về “Quy hoạch đô thị - Con đường của tương lai” tháng 9/2018, ông Harry Yeo - nguyên Chủ tịch Viện bất động sản Singapore chia sẻ: Singapore có quy hoạch tổng thể 1/5.000 từ rất sớm (năm 1971) và được các nhà đầu tư tuân thủ triệt để.
Về tầm nhìn quy hoạch, các đô thị Việt Nam không phải không có, nhưng nhiều nơi bị “phá nát”, bể vỡ yêu cầu “tuân thủ triệt để”, tới mức chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phải đặt vấn đề: “Nhận diện tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quản lý quy hoạch đô thị”.
Theo Bộ KH&ĐT, tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011 - 2020 lên đến con số 13.767 quy hoạch, tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách. Bên cạnh những cái được, công tác quy hoạch thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, không thống nhất về đối tượng, phạm vi, thời kỳ, nội dung và phương pháp lập quy hoạch. Quá trình thực hiện quy hoạch còn coi nhẹ quy trình và trật tự quy hoạch; nội dung, cấp độ quy hoạch chưa rõ ràng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định: Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm còn khiến trong quản lý quy hoạch xuất hiện nhiều động thái quản lý “lạ”, thể hiện như tình trạng mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, “lai căng”, chắp vá không có và giữ gìn bản sắc, dấu ấn riêng.
Biểu hiện trước hết của sự chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch xuất phát từ lối suy nghĩ dự án càng to thì thành tích lãnh đạo trong nhiệm kỳ càng lớn. Người có quyền thẩm định, thực hiện dự án càng có cơ hội thu lợi ích và ghi dấu ấn cá nhân lớn hơn. Một biểu hiện khá phổ biến khác, là bản thân quy hoạch dễ bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và sự “dẫn dắt cuộc chơi” của chủ đầu tư qua mỗi nhiệm kỳ.
Về điều này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng từng nói: Quy hoạch hiện nay đang có xu hướng chạy theo các dự án để hợp thức hóa.
Quay lại tình hình ngập lụt trên khắp cả nước. Khi mưa lũ còn diễn biến khó lường, các địa phương đang hô hào khai thông cống rãnh, dọn rác,… nhưng bị đánh giá thiếu hiệu quả, thậm chí “làm màu”, bởi cái gốc của vấn đề, theo các chuyên gia, sự “vỡ trận” trong quy hoạch đô thị, sự chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, mới là mấu chốt.
Thiết nghĩ, các địa phương, từ Hà Nội tới TP.HCM, từ duyên hải miền Trung tới ĐBSCL cần sớm rà soát lại quy hoạch đô thị, thanh kiểm tra các dự án nhà ở khu vực trũng, thấp, cửa sông, cửa biển,… để sớm có giải pháp điều chỉnh, tái lập kênh, rạch, hồ điều tiết, vùng đệm thoát nước bị san lấp, để giải quyết triệt để vấn đề ngập lụt ở các đô thị.
Quy hoạch đô thị nếu sai, có thể là lầm lỗi. Nhưng nếu biết sai mà vẫn mặc kệ, sẽ là có tội, trước nhất là với hàng triệu người dân đang bì bõm giữa nước dữ, mất cơ hội làm ăn, học tập, mất tài sản, thậm chí mất cả tính mạng.
Kiên Giang