Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


Ngân hàng TPBank và những lùm xùm liên quan

Là một ngân hàng lớn nhưng thời gian gần đây, Ngân hàng TPBank lại liên tiếp có những lùm xùm.
D2023040604
Ngân hàng TPBank và những lùm xùm thời gian gần đây. Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được thành lập ngày 05/05/2008, TPBank đã không ngừng phát triển mạnh mẽ với những thành tích kinh doanh xuất sắc. Số liệu tính đến 2021, tổng tài sản của TPBank đã đạt trên 206 nghìn tỷ đồng và xếp hạng 28 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo xếp hạng của VNR năm 2021). Song TPBank cũng dính không ít lùm xùm trong thời gian gần đây.

Từ gửi tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm

Mới đây nhất, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm- Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh (ở Hà Nội) phản ánh việc nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) có hành vi tư vấn sai lệch, nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại cho người có đơn tố cáo. Sau khi tiếp nhận đơn, Bộ Tài Chính đã chuyển đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an để xem xét, giải quyết.

Theo tìm hiểu của PV, chị Nguyễn Hồng Anh phản ánh, giữa tháng 10/2021, chị được bà Hạnh là nhân viên của Phòng giao dịch Tây Hà Nội Ngân hàng TPBank, ở 535 Kim Mã, quận Ba Đình, gửi tin nhắn thông báo giới thiệu bên ngân hàng có chương trình “tiết kiệm lãi suất tốt”. Chị Hồng Anh sau đó tới gặp nhân viên của TPBank ký hợp đồng chuyển 100 triệu đồng.

Đến giữa tháng 9/2022, bị gặp trục trặc trong việc gửi tiền, chị Hồng Anh mở lại hợp đồng cũ tìm hiểu thì được biết đây hoàn toàn là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Quá trình ký hợp đồng chị không được nhân viên ngân hàng thông tin đây là bảo hiểm nhân thọ; không được tư vấn nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước.

Về sự việc này, đại diện Ngân hàng TPBank cho hay, phía ngân hàng đã cùng đối tác là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, phối hợp rà soát lại toàn bộ và thực hiện phản hồi ý kiến của khách hàng theo đúng quy định về bán sản phẩm, quy định của pháp luật.

Với khách hàng Nguyễn Hồng Anh, đại diện TPBank giải thích rằng, trong buổi làm việc với Sun Life Việt Nam, chị Hồng Anh có xác nhận về các chữ ký trên Biên nhận bàn giao hợp đồng và thư xác nhận yêu cầu bảo hiểm qua ứng dụng điện tử là do khách hàng thực hiện.

Trong thời gian tham gia hợp đồng từ 2021 tới nay, chị đã được Công ty liên hệ xác nhận tham gia sản phẩm, và giải đáp thắc mắc (nếu có) trong thời gian cân nhắc…

Liên quan đến trái phiếu trái doanh nghiệp, tạp chí điện tử Thương hiệu và pháp luật thông tin vào cuối tháng 10/2022, báo cáo tài chính quý 2/2022 của TPBank cho thấy mức lợi nhuận cao, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng dòng tiền về hoạt động kinh doanh lại không cho thấy sự khả quan như vậy.

Bên cạnh đó, dòng tiền hoạt động đầu tư và tài chính cũng ghi nhận mức âm là 265,8 tỷ đồng và 196,1 tỷ đồng…Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6/2022 của TPBank là 1.285,4 tỷ đồng, tăng 128,6 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng đến 50,8% lên mức 448,7 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng từ 0,82% hồi đầu năm lên mức 0.85%.

Ngoài ra, năm 2022, TPBank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng mà Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra về trái phiếu. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ngân hàng TPBank đã mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng…

Động thái mua lại trái phiếu trước hạn tại TPBank diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành hoặc vi phạm pháp luật.

Liên quan đến nhiều những vụ án lớn

Trước đó, theo như Kinh doanh.net phản ánh, những năm qua, TPBank liên tiếp dính đến những vụ án chấn động trong giới ngân hàng như: việc nhiều cán bộ ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở hệ thống để chiếm đoạt tiền gửi, vốn giá trị lớn,...

Cụ thể, trong vụ án siêu lừa Huyền Như xảy ra tại Vietinbank, năm 2011, bị can Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng Vietinbank) đã thoả thuận với bà Lê Thị Thanh Phương (SN 1978) là Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank về việc ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TP. HCM.

Theo đó, tháng 8/2011, TPBank đã ký 11 hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với Công ty CP Chứng khoán Phương Đông và Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc là công ty con của Công ty Quỹ Lộc Việt), tổng trị giá là 1.860 tỉ đồng. Bản chất của hợp đồng này là căn cứ để TPBank chuyền tiền cho các công ty đứng tên để gửi tiền vào Vietinbank.

Tại toà án, Huyền Như khai đã thỏa thuận với bà Phương trả lãi suất tiền gửi theo hợp đồng là 14%/năm, kèm khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5% đến 5,5%/năm. Huyền Như đã chi khoản "tiền hoa hồng môi giới" cho Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank là 2% trong tổng số tiền 1.860 tỉ đồng, tương đương 37,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, Như đã chuyển khoản cho em trai và chồng của bà Phương số tiền 6,7 tỉ đồng...Hậu quả là, Huyền Như đã tự thao tác trên hệ thống của Vietinbank tự trích chuyển 380 tỉ đồng từ tài khoản thanh toán của công ty Phương Đông sang 3 công ty khác để trả nợ cá nhân, chiếm đoạt hết...

Tiếp đến, vào thời điểm cuối 2019, cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, ngụ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 280, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 2015). Nguyễn Hoài Thương từng giữ chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại chi nhánh Phạm Hùng của TPBank.

Theo đó, qua các tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Hoài Thương đã có hành vi lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Phạm Hùng, chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để Thương phê duyệt, tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng. Từ đó, Thương chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của TPBank.

Đặc biệt, tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 ngày 09/01/2018, theo cáo trạng của Viện kiểm sát, ông Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua việc vay vốn tại TPBank có tài sản đảm bảo là chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đánh giá Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng TPBank gồm ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT TPBank) cùng một loạt lãnh đạo là các thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng khi phê duyệt hồ sơ vay thực hiện chưa đầy đủ quy định.

Kết luận bổ sung của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của TP.Bank cũng cho hay, TPBank quyết định cho vay hơn 1.700 tỷ đồng nhưng không thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá năng lực tài chính xác định tính khả thi, hiệu quả các phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của 11 công ty.

TPBank nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh và cho vay cũng như bên bảo lãnh chưa thực hiện bảo đảm tiền vay. Chưa hết, TPBank cũng không kiểm tra sau khi cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường...
Theo giaoducthoidai.vn

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/ngan-hang-tpbank-va-nhung-lum-xum-lien-quan-post633241.html
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây