Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


Cần 'làm sạch' thị trường 'sữa bẩn'

Công ty TNHH XNK&TM Phương Linh, đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sữa Hikid đã phát đi thông cáo xin lỗi khách hàng.
Quảng cáo phạm luật

Thông cáo báo chí trên được đăng tải vào chiều ngày 14/4/2025 trên fanpage “Hikid Viet Nam”, trang có 10 nghìn lượt thích và 11 nghìn lượt theo dõi.

“Công ty TNHH XNK&TM Phương Linh gửi lời xin lỗi chân thành đến Quý người tiêu dùng vì những thông tin truyền thông gần đây có thể đã gây ra sự hiểu lầm và hoang mang”, thông cáo báo chí nêu.

Cũng theo thông cáo báo chí này, Công ty TNHH XNK&TM Phương Linh có địa chỉ tại 33 Nguyễn Như Đổ, Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, Hà Nội thừa nhận đã cung cấp thông tin chưa đầy đủ và chính xác về sản phẩm sữa Hikid.

Trước đó, trên một clip quảng cáo, sữa Hikid được so sánh trực tiếp với sữa tươi qua câu quảng cáo gây sốc: “100g Hikid = 2mg CBP = 20L Sữa tươi”.

Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo 2012. Theo đó, khoản 10, điều 8 luật này nghiêm cấm quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về chất lượng với sản phẩm khác.

Việc này đã gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, tai hại hơn là khiến nhiều người ngộ nhận cho rằng sữa Hikid có giá trị dinh dưỡng vượt trội hơn hẳn sữa tươi thông thường, trong khi đây chỉ là thực phẩm bổ sung, hoàn toàn không thể thay thế thực phẩm chính hoặc có tác dụng thần kỳ như quảng cáo.
 
d2025041603 1
 
d2025041603 2
Thông cáo báo chí xin lỗi người tiêu dùng của công ty phân phối sữa Hikid tại Việt Nam.

Về vi phạm này, thông cáo báo chí của Công ty TNHH XNK&TM Phương Linh cho rằng trong thành phần sản phẩm Hikid có chứa CBP (Colostrum Basic Protein) với hàm lượng 2mg/100g sữa bột.

“Liên quan đến các thông tin so sánh “hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi”, chúng tôi nhìn nhận sự thiếu sót rằng hiện chưa có cơ sở khoa học hoặc tài liệu quy đổi chính thức từ các cơ quan chức năng xác nhận con số cụ thể.

Do đó, nếu những thông tin này đã được diễn đạt chưa đủ rõ ràng trong truyền thông, chúng tôi xác nhận và sẽ điều chỉnh lại theo hướng minh bạch hơn”, thông cáo nêu.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị kiểm tra, xử lý

Cũng trong thông cáo trên, Công ty TNHH XNK&TM Phương Linh cam kết sẽ “truyền thông minh bạch”, đúng sự thật về sản phẩm của mình, đồng thời khẳng định rằng “bất kỳ sự thiếu rõ ràng nào trong truyền thông đều là điều chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận và sẵn sàng điều chỉnh để hướng tới sự chuẩn mực và minh bạch hơn trong tương lai”.

Tuy nhiên, ngày 15/4/2025, theo dõi fanpage “Hikid Việt Nam”, trang phát đi thông cáo báo chí trên, vẫn thấy xuất hiện những quảng cáo vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong một số bài viết, fanpage này thường xuyên xuất hiện cụm từ “Hikid - số 1 chiều cao”.

Đây là sự khẳng định vô căn cứ, không có tài liệu hay cơ sở pháp lý được cơ quan chức năng tại Việt Nam xác nhận. Khẳng định này cũng đã vi phạm khoản 11, điều 8, Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh”.
 
d2025041603 3
 
d2025041603 4
Quảng cáo tự nhận là “số 1” tại trang “Hikid Việt Nam”.
 
Trong bài “Chuyên gia nói gì về sữa Hikid?” (cũng được đăng tải trên fanpage “Hikid Việt Nam”) đã đưa nội dung “Sữa Hikid tự hào là sản phẩm dinh dưỡng được Thạc sĩ- Bác sĩ Phương L. (Giám đốc chuyên môn phòng khám nhi khoa) và Bác sĩ Minh T. (Chuyên khoa 1 Bệnh viện…) khuyên dùng để giúp tăng chiều cao cho bé”.

Chưa cần biết bác sĩ L., bác sĩ T. có thật sự tồn tại và có đưa ra “lời khuyên” “dùng sữa Hikid để tăng chiều cao cho trẻ nhỏ” hay không nhưng việc sử dụng tên, chức danh của bác sĩ, những người có chuyên môn về sức khỏe, có uy tín trong ngành y tế để quảng cáo là hành vi cấm kỵ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế… để quảng cáo thực phẩm.

Như vậy, việc quảng cáo trên của fanpage “Hikid Việt Nam” là không phù hợp, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

Được biết, ngày 15/4/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý nội dung quảng cáo sản phẩm liên quan đến sữa Hikid sau khi có sự phản ánh của dư luận.
 
d2025041603 5
Quảng cáo lợi dụng tên, chức danh, lời khuyên của bác sĩ tại trang “Hikid Việt Nam”.
 
Hiểm họa khôn lường

Mới đây, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan công an xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình khám xét tại 19 địa điểm bao gồm nhà máy sản xuất và văn phòng làm việc của các bị can, đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau, tổng số 26.740 lon thuộc 90 lô sản xuất, cùng nhiều tài liệu và vật chứng phục vụ công tác điều tra.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đã không ghi nhận đầy đủ doanh thu vào sổ sách kế toán, trốn kê khai thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan công an, nhóm đối tượng này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.

Dù công bố thành phần sản phẩm có chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm không chứa các thành phần này mà chỉ sử dụng một số nguyên liệu thông thường cùng phụ gia.

Kết quả giám định cho thấy một số sản phẩm sữa bột có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để xác định là hàng giả.

Trong vòng 4 năm (từ 2021 đến nay), các bị can đã thông qua nhiều công ty để tiêu thụ sữa bột giả ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
 
d2025041603 6
Cơ quan công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả trục lợi 500 tỷ đồng,
 
Hàng loạt đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn bị phát hiện đã cho thấy sự “bát nháo” đáng báo động về thị trường sữa bột.

Sản xuất, buôn bán sữa giả, sữa kém chất lượng, “quảng cáo trên trời”… đó là những hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, gây thiệt hại kinh tế, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người bệnh.

Để ngăn chặn hiệu quả và “làm sạch” thị trường sữa, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và quan trọng hơn, mỗi người dân cần trang bị kiến thức tiêu dùng thông thái để bảo vệ bản thân, gia đình trước “vấn nạn” sữa giả, sữa kém chất lượng.

Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi quảng cáo của fanpage Hikid Vietnam đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo, Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh.
“Các nội dung quảng cáo gắn cụm từ "Hikid - số 1 chiều cao", so sánh sản phẩm với 20 lít sữa tươi, hay sử dụng “lời khuyên của bác sĩ” … là những chiêu trò dễ gây hiểu lầm, lôi kéo người tiêu dùng thiếu tỉnh táo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng”, luật sư Lê Hồng Hiển phân tích.
Theo  GD&TĐ

Link gốc: Làm sạch thị trường sữa bẩn | Báo Giáo dục và Thời đại Online
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây