Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


Nhập nhèm nợ bảo hiểm xã hội ở TP Hà Tĩnh

NDĐT- Chín tháng đầu năm 2012, số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp mà các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh nợ cơ quan BHXH đã lên tới 23,2 tỷ đồng. Đây là con số báo động đỏ.

Trong lúc đó, chín tháng đầu năm 2012, tổng nguồn thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn thành phố (TP) Hà Tĩnh mà ngành BHXH thu được chỉ là 72 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch được giao. Cũng theo lãnh đạo BHXH thành phố Hà Tĩnh, nếu không có khoản nợ các loại bảo hiểm trên, thì đơn vị chúng tôi đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm ngay trong đầu quý IV này.

Phó Giám đốc BHXH TP Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Nhật chia sẻ: Thực tế những năm qua cho thấy, tình trạng nợ BHXH ở các đơn vị thuộc doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ cao hơn DN quốc doanh. Đáng bàn thêm là nếu mấy năm trước, nợ tiền các khoản bảo hiểm thường là các DN xây dựng, sản xuất vật liệu, thì nay còn lan sang các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác và số đơn vị nợ cũng có chiều hướng gia tăng.

Điều đáng báo động mà theo báo cáo của BHXH TP Hà Tĩnh: Tính đến ngày 21-9, số tiền mà các đơn vị, DN trên địa bàn nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên đến 23,2 tỷ đồng. Đây là con số nợ lớn nhất từ trước đến nay, tăng 252% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 60% số nợ các khoản bảo hiểm...của toàn tỉnh! Trong danh sách nợ BHXH, BHYT... có không ít đơn vị không chỉ nợ tháng, quý mà nợ kéo dài đến một năm, thậm chí 2, 3 năm và có những đơn vị nợ đến tiền tỷ.

Điển hình cho tình trạng nợ kéo dài, nợ lớn là: Công ty CP Sông Đà 27 nợ trên 1,4 tỷ đồng, Công ty CP Cầu đường Hà Tĩnh nợ gần 1,2 tỷ đồng, Công ty CP Tư vấn xây dựng trên 451 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng phát triển nhà Hà Tĩnh 332 triệu đồng, Công ty CP Xây dựng 1 Hà Tĩnh 224 triệu, Công ty CP xây dựng 269 nợ 220 triệu đồng...

Còn số đơn vị nợ trên dưới một trăm triệu đồng khó thể liệt kê nổi. Chỉ biết chắc rằng, số tiền nợ lớn và thời gian kéo dài trên 6 tháng đến nay là 8,8 tỷ đồng.

Trong danh sách hàng trăm đơn vị nợ BHXH, BHYT…kéo dài vài trang A4 mà cán bộ cơ quan BHXH đưa ra, không ít những cái tên đã là “bạn ruột” lâu năm có uy tín của đơn vị.

Như tâm sự của một lãnh đạo đơn vị bảo hiểm, BHXH thành phố Hà Tĩnh đang rất lúng túng. Tuy có nhiều biện pháp mang tính chuyên môn, nghiệp vụ đều đã được BHXH thành phố áp dụng nhưng chưa thực sự quyết liệt nên chưa mang lại hiệu quả cao. Thậm chí ngay từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã khởi kiện chín doanh nghiệp ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Tĩnh nhưng kết quả còn phải chờ.

Hệ quả trực tiếp của tình trạng này không chỉ gây khó khăn không nhỏ cho ngành. Và quan trọng hơn, nhiều người lao động đang gánh chịu thiệt thòi bởi chủ sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Mặc dù chưa có con số báo cáo cụ thể, nhưng số người đến tuổi về hưu nhưng không được về hưu, hay ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…nhưng chưa (không) được hưởng chế độ có thể lên đến cả trăm người. Đây là gánh nặng đối với người lao động và gia đình họ.

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng BHXH đến mức báo động trên là do, ngoài việc làm ăn thua lỗ, gặp khó khăn do suy thoái kinh tế chung..., còn có những yếu tố chính khác mang nặng tính chủ quan. Hiện một số doanh nghiệp đang lợi dụng chế tài xử phạt thấp của Luật BHXH để trục lợi. Họ sẵn sàng nộp phạt do nợ BHXH, BHYT... theo lãi suất tiền gửi ngân hàng để dùng số tiền đó cho mục đích khác. Số chênh giữa tiền gửi (chính bằng số tiền phạt) và tiền vay là lợi nhuận họ chiếm được bằng việc nợ BHXH. Nếu một doanh nghiệp nào đó chiếm dụng tiền của cơ quan BHXH bằng cách nợ BHXH từ 500 triệu đến một tỷ đồng, kéo dài trong một năm thì sự chênh lệch đó sẽ là một con số đáng kể!

Thêm nữa, nhiều đơn vị nợ các khoản bảo hiểm còn không giao dịch với cơ quan BHXH và thường thay đổi trụ sở làm việc... Đáng nói hơn, biểu hiện làm ăn chụp giật, chầy ỳ, trốn tránh các ngành chức năng, trốn đóng tiền BHXH cho người lao động bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn... của một số doanh nghiệp cũng khiến cho tình trạng nợ ngày càng xấu đi.

Bên cạnh đó, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành như thanh tra lao động, công đoàn, ngân hàng vẫn chưa thật tốt nên chưa đưa lại hiệu quả cao. Việc thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính vẫn chưa được áp dụng triệt để nên không có tác dụng răn đe đối với một số đơn vị nợ chầy ỳ.

Để ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, theo chúng tôi, ngoài việc tăng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật, thời gian tới rất cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành.

Theo Báo Nhân dân

Nguồn tin: hatinhnews.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây