Phụ huynh với nỗi lo “đóng góp tự nguyện”
- Thứ ba - 01/05/2018 20:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Danh sách liệt kê những khoản đóng đậu dài dằng dặc cùng với những con số biết nói dường như đã trở thành nỗi ám ảnh, lo âu đối với các bậc phụ huynh trong mùa tựu trường. Khoảng thời gian chờ đợi để đón con vào cuối ngày cũng là lúc câu chuyện về đóng nộp đầu năm học của các bậc phụ huynh rôm rả hơn bao giờ hết.
![]() |
Ở Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh), ngoài khoản xây dựng CSVC bao gồm nhiều mục nhỏ và các khoản thu khác như các loại quỹ, tiền phục vụ bán trú..., các bậc phụ huynh còn phải nộp thêm khoản nợ xây dựng cơ bản của năm học trước |
Một phụ huynh Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Con tôi năm nay vào lớp 2, tính sơ bộ cũng thấy nhiều khoản thu như: xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), bao gồm quét vôi, ve, làm lại bồn hoa..., hội phụ huynh trường, hội phụ huynh lớp, tiền nội trú... ngoài ra, còn có bảo hiểm y tế, bảo hiểm toàn diện, đồng phục...”.
Ở Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh), ngoài khoản xây dựng CSVC bao gồm nhiều mục nhỏ và các khoản thu khác như các loại quỹ, tiền phục vụ bán trú..., các bậc phụ huynh còn phải nộp thêm khoản nợ xây dựng cơ bản của năm học trước. Không chỉ “nóng” vì sự đa dạng của danh mục các khoản thu, điều mà các bậc phụ huynh cảm thấy không thỏa đáng là họ không được tham gia góp ý, bàn bạc, đầu năm họp phụ huynh chỉ được nghe nhà trường công bố các khoản đóng đậu rồi biểu quyết. Còn danh mục các khoản đóng đậu này đã có sự thống nhất giữa nhà trường và ban đại diện hội phụ huynh từ trước. Biết thế, song vì sự học của con cái, hầu hết họ đều phải chấp nhận.
Tại Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), ngoài các khoản tiền mua sắm, xây dựng CSVC, tiền học thêm buổi 2, tiền hợp đồng dạy tin học, sổ liên lạc điện tử, thuê bảo vệ giữ xe..., các bậc phụ huynh cũng đang băn khoăn với khoản thu quỹ phụ huynh. Các bậc cha mẹ phải đóng 240.000 đồng quỹ phụ huynh trường (chưa kể quỹ phụ huynh lớp) - mức thu này khá cao so với quy định. Về vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: “Quỹ phụ huynh được thu chủ yếu để phục vụ cho BCH hội phụ huynh hoạt động. Những khoản chi phải có kế hoạch và công khai, rõ ràng, minh bạch và mức thu cũng không nên quá cao, chỉ dao động từ 200 - 300.000 đồng là vừa”.
Biết là nhiều khoản, song không thu lấy gì để chi. Thầy Đặng Quốc Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Với ngành Giáo dục từ mầm non đến đại học thì thu bao nhiêu cũng sai vì không có đơn giá cho mọi hoạt động trong các cơ sở giáo dục. Mặc dù Luật Giáo dục đã quy định, học phí thu đủ cho hoạt động giáo dục và ngoài học phí không thu bất cứ một khoản nào khác, nhưng bao nhiêu là đủ thì chưa ai tính, đó là chưa kể ở các bậc học mấy năm gần đây được miễn học phí nhưng thực tế lại không cấp nguồn để bù vào khoản này và hàng năm, chính quyền địa phương cũng không trích một khoản nào dành cho giáo dục. Vì thế, gần như việc xã hội hóa (XHH) chỉ bổ trên đầu người học”. Và theo phản ánh của phụ huynh, ngoài danh mục các khoản thu trong tờ trình gửi UBND phường, phụ huynh lớp 1 còn phải đóng thêm mỗi em 900.000 đồng tiền bàn ghế.
Không riêng gì ở Trường Tiểu học Tân Giang mà hầu hết các trường trên địa bàn thành phố, ngân sách để đầu tư tu sửa CSVC trường lớp cùng biết bao khoản hàng năm đều trông chờ ở tiền đóng nộp của các bậc phụ huynh. Một phụ huynh ở Trường THCS Nguyễn Du bày tỏ: “Đến kỳ họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi được ban đại diện thông báo một số khoản thu gọi là tự nguyện, còn việc thống nhất các khoản thu, chúng tôi chẳng được tham gia. Chỉ biết rằng, trước đó, ban đại diện phụ huynh và nhà trường đã thống nhất tất cả các khoản, còn chúng tôi chỉ có việc đồng ý và nộp tiền”.
Thầy Phan Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Năm học này, chúng tôi thu tiền mua sắm, sửa chữa CSVC theo cấp học. Cụ thể, khối 6 thu 300.000 đồng/HS; khối 7 100.000 đồng/HS, 80.000 đồng/HS khối 8 và 50.000 đồng/HS khối 9. Số tiền này chúng tôi dành để trả nợ các khoản sửa chữa, mua sắm CSVC trường chuẩn quốc gia năm học trước và tiền nâng cấp, sửa chữa sân thể dục năm học 2011-2012. Đối với 173 HS khối 6, chúng tôi thu thêm mỗi em 125.000 đồng sửa chữa bàn ghế, 82.000 đồng mua bảng chống lóa và 500.000 đồng mua 10 bộ vi tính (bao gồm cả bàn, ghế). Biết là nhiều khoản nhưng đối với vấn đề xây dựng, tu sửa CSVC từ năm học 2011-2012 đến nay, chúng tôi không được cấp một khoản nào nên đành phải thu của phụ huynh HS”.
Khi không được đầu tư, mọi khoản thu dưới tên gọi chung là nguồn huy động XHH và biết bao khoản quỹ, phí khác đều đổ lên đầu phụ huynh HS.
Và chuyện tiền dạy thêm, học thêm
Cùng với vấn đề đóng nộp, việc học thêm của con em cũng đang gây nhiều băn khoăn cho các bậc phụ huynh trong năm học mới này. Việc thu tiền buổi 2 tại các nhà trường với mức 15.000-17.000 đồng/buổi tại các trường cũng dễ được phụ huynh chấp nhận bởi theo họ đó là mức vừa phải. Vấn đề băn khoăn nhất là việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài trường học. Dẫu trước đây, việc dạy thêm, học thêm đã được Bộ, Sở chấn chỉnh nhưng thực tế, tình trạng này vẫn âm thầm tiếp diễn dưới nhiều hình thức. Mức thu cho mỗi ca học với thời gian 2h đồng hồ của mỗi giáo viên cũng hết sức đa dạng.
![]() |
Giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh). |
Anh T. - một phụ huynh cho biết: “Học phí đối với môn Tiếng Anh con tôi chỉ đóng 25.000 đồng/buổi, trong lúc lớp Văn của một cô giáo phụ trách từ 20-25 em mà mỗi ca cũng phải nộp tới 40.000 đồng và ở bộ môn Toán, mức thu cũng không kém giờ học của môn Văn. Vẫn biết học thêm là vấn đề tự nguyện của phụ huynh, HS và giáo viên cũng phải đầu tư công sức cho giờ dạy của mình, nhưng mức thu của một số giáo viên như thế quả thực là khủng”.
Đành rằng, XHH giáo dục là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn, góp phần củng cố CSVC trường lớp, trang thiết bị để dạy, học tốt hơn và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Nhưng thực tế ở các trường học, giờ đây, việc sửa sang, bổ sung CSVC hàng năm đang dồn lên vai phụ huynh. Ngoài ra, biết bao khoản quỹ có tên vào mỗi đầu năm học mới đưa con số phải đóng đậu lên hàng triệu đồng vẫn luôn là nỗi lo của phần lớn các bậc làm cha mẹ trong mỗi năm học mới.
Theo Thúy Ngọc - Giang Nam Báo Hà Tĩnh