Hà Tĩnh Mới - Tin tức mới nhất về Hà Tĩnh

https://hatinhmoi.vn


“Loạn thu" đầu năm ở Hà Tĩnh: Khi trên bảo dưới không nghe (?!)

Cứ đầu mỗi năm học, các khoản tiền phải đóng nộp luôn là gánh nặng đè lên vai phụ huynh học sinh ở nhiều trường học tại Hà Tĩnh.
"Nếu trường tôi sai thì cả tỉnh đều sai”

Câu nói trên của ông Trần Trọng Thể, hiệu trưởng trường THCS Đậu Liêu (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) trong đầu năm học 2015-2016 khi nói về tình hình thu tiền đầu năm của trường này đã làm dư luận nổi sóng. 

   
  Ông Trần Trọng Thể, hiệu trưởng trường THCS Đậu Liêu có câu nói khiến dư luận nổi sóng: "Nếu trường tôi thu sai thì cả tỉnh thu sai"  

Hầu hết các ý kiến cho rằng, ông hiệu trường này đã phát ngôn “quá lời”, hay như nhiều người nói, là quá “bá đạo”, để rồi sau đó, Đoàn thanh tra của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng khác về kiểm tra, “lôi” ra các sai phạm, cuối cùng đã đình chỉ vị hiệu trưởng này một tuần để xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều người cho rằng, ông hiệu trưởng nói nghe qua thì đúng là hơi quá lời, tuy nhiên, xem xét thực trạng lạm thu đầu năm học ở Hà Tĩnh mấy năm nay thì ngẫm kỹ lại cũng... quá đúng.

Đúng, vì với những gì báo chí phản ánh thời gian qua, không chỉ có mỗi trường THCS Đậu Liêu để xảy ra tình trạng trên. 

Sau khi báo chí lên tiếng, trong hơn 4 triệu đồng tiền thu đóng nộp đầu năm, trường Tiểu học Cẩm Hà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã bị cấp trên yêu cầu trả lại một số khoản bất hợp lý, như: tiền hợp đồng bảo vệ, tiền giấy thi, học buổi hai…; hay Hiệu trưởng trường Tiểu học Cẩm Trung (cũng huyện Cẩm Xuyên) cũng đã phải “đột xuất” họp phụ huynh toàn trường thông báo trả lại 5 khoản lạm thu mà báo chí phản ảnh; hay Trường THCS Sơn Lộc (Can Lộc) cũng đã bị đoàn thanh tra “sờ gáy” khi bên cạnh khoản “trả nợ xây dựng trường chuẩn” cao ngất trời với hơn 1 triệu đồng mỗi em của năm học trước, đầu năm học này phụ huynh lại “choáng” khi còn phải “gánh” thêm 730.000 tiền xây dựng cơ sở vật chất.

Đúng, vì đâu phải chỉ năm học này mới xảy ra nạn lạm thu. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Bằng chứng là mới năm học trước thôi, báo chí lên tiếng về việc thu “11 khoản tự nguyện: bé đi khai giảng cũng phải đóng tiền” phản ánh tình trạng lạm thu ở trường Tiểu học Kỳ Xuân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hay “Vào lớp 1, bé phải đóng hơn 5 triệu đồng” tại trường Tiểu học Kỳ Phong (cũng huyện Kỳ Anh). Sau khi nhận thông tin từ báo chí, Sở GD&ĐT mới thành lập đoàn thanh tra vào kiểm tra từng khoản, yêu cầu các trường này trả lại các khoản thu không hợp lý, chưa đúng quy trình cho phụ huynh.

Chắc chắn, tình trạng trên còn diễn ra ở rất nhiều trường ở các cấp từ mầm non đến THCS, nên ông hiệu trưởng trường THCS Đậu Liêu nói “nếu trường tôi sai thì cả tỉnh đều sai”…cũng dễ thông cảm.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

   
  Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cũng như các Phòng ban, cấp dưới của ông: “Ngay từ đầu năm học mới, Sở đã ban hành quy định rõ ràng gửi các trường học về các khoản thu. Nếu trường nào thu trái quy định sẽ phải xử lý nghiêm, đúng pháp luật” (Ảnh: Nguồn Internet)  

Vấn đề là, cứ sau mỗi năm học, khi báo chí lên tiếng về vấn nạn lạm thu, dư luận lại bắt đầu được nghe điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cũng như các Phòng ban, cấp dưới của ông: “Ngay từ đầu năm học mới, Sở đã ban hành quy định rõ ràng gửi các trường học về các khoản thu. Nếu trường nào thu trái quy định sẽ phải xử lý nghiêm, đúng pháp luật”, hay "Tôi cũng rất bức xúc vì một số anh em vẫn chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo, vẫn để xảy ra sai sót"  (trả lời phỏng vấn báo Infornet.vn mới đây) hay “Sở đã cử nhiều đoàn thanh tra để kiểm tra tất cả các khoản đóng nộp tại các trường học trên địa bàn” (trả lời báo Vietnamnet.vn năm học 2014-2015).

Năm nào cũng “điệp khúc” như vậy, nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra tràn lan từ năm này qua năm khác. Những trường hợp bị xử lý và trả lại tiền thường là nhờ có báo chí và dư luận lên tiếng. Mỗi lần như vậy, dư luận lại thắc mắc trách nhiệm của các nhà quản lý GD&ĐT Hà Tĩnh ở đâu? Nhất là trách nhiệm của ông Trần Trung Dũng, “tư lệnh” của ngành giáo dục tỉnh nhà ở đâu?

 Phải chăng, nhiều cấp dưới của ông Dũng “nhất quyết” không chịu nghe lời? Phải chăng trên nói như “nước đổ lá khoai” với không ít trường? Phải chăng do chưa có chế tài xử lý nghiêm để các trường nhìn vào mà không vi phạm? Hay phải chăng, do cơ chế đề ra và quản lý các khoản thu “xã hội hóa” của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh còn quá lỏng lẻo nên mỗi trường thu mỗi kiểu, khiến Sở và các phòng giáo dục, các cơ quan chức năng không thể theo dõi và quản lý hết được?

Nói mỗi trường thu mỗi kiểu là vì, đến 10 hay 100 trường hay nhiều hơn nữa trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ thấy các phiếu thu với các khoản thu, mức thu ở mỗi trường là khác nhau. Tất nhiên, các trường phải thực hiện đúng theo hướng dẫn 1702/LNTC-GDDT của tỉnh này, tức là phải “đúng quy trình”. Và nhu cầu mỗi trường là khác nhau, mà cái nhu cầu đó thì không bao giờ hết được. 

Từ thực tế có thể thấy, từ cái nhỏ nhất là bóng đèn bị cháy, cái quạt bị hỏng, cái ghế bị gãy chân…đến xây dựng những cái to tát hơn cũng đều “phải xin” phụ huynh thì trường mới có làm, “chứ tiền trên đổ về cho trường khó thể đủ chi tiêu cho các hoạt động dạy và học chứ chưa nói đến xây cơ sở vật chất” như một hiệu trưởng bộc bạch. Cho nên, trường cũng có cái khó và cái lý của mình để…thu. 

Nhưng vấn đề là thu như thế nào cho hợp lý? Thu như thế nào cho vừa lòng và phù hợp với mức thu nhập của người dân, nhất là ở các địa phương khó khăn, vùng nông thôn, miền núi? Thu như thế nào để không bị gọi là “lạm thu”, “tận thu”, "loạn thu"? Thu như thế nào để không còn “Nói đến giáo dục, người dân nghĩ ngay đến việc đóng tiền” như nhận xét đầy đau xót của GS.TSKH Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khi nói về nền giáo dục nước nhà trong cuộc phỏng vấn mới đây trên báo Dân Trí.

Sau khi nhiều trường phải trả lại tiền cho phụ huynh, trong đó có rất nhiều khoản không hợp lý, nhiều khoản với “tên gọi lạ”, dư luận cho rằng đã đến lúc ngành GD&ĐT Hà Tĩnh phải đưa ra các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vấn đề này. 

Có không ít người đề xuất ngành giáo dục tỉnh nhà phải đưa ra những khoản thu chuẩn, được quy định cụ thể, chi tiết, trong đó một số khoản phải có “mức trần” tối đa để các trường có căn cứ thu. Chứ chỉ có hướng dẫn chung để các trường phải thu “đúng quy trình”, không có các khoản và mức thu chuẩn nên đã xảy ra tình trạng mỗi trường thu mỗi kiểu, phụ huynh không biết khoản nào đúng, khoản nào sai để rồi “tự nguyện” ký vào biên bản đồng ý nộp tiền trong ấm ức.

Theo người viết, đó cũng có thể là một giải pháp, cho dù không thể “tiêu diệt” triệt để nạn “lạm thu” thì ít ra cũng có thể góp phần nào hạn chế thực trạng nhức nhối trên.

Khi viết bài này, người viết bỗng nhớ tới một bình luận hài hước, dí dỏm mà không khỏi ngậm ngùi, chua xót của không ít độc giả khi đọc được câu nói của ông hiệu trưởng trên: “Nếu trường tôi thu sai thì cả tỉnh đều sai, nếu tỉnh tôi sai thì…cả nước đều sai nhé”.

Theo Mai Nguyễn - Đặng Sơn Tầm nhìn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây