Như phần lớn trong gần 200 độc giả bình luận dưới bài viết “Mức phạt nồng độ cồn không tăng thì thôi, sao lại giảm?”, tôi ủng hộ việc giảm tiền phạt với tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở, nhưng tôi cho rằng mức phạt chỉ nên giảm với xe máy (mức đề xuất là 400 - 600 nghìn đồng). Còn với ô tô, phạt 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 6 - 8 triệu đồng) theo đề xuất của dự thảo nghị định mà Bộ Công an đang lấy ý kiến là hình thức xử lý quá nhẹ, có thể khiến cho tài xế buông lỏng việc kiểm soát hành vi, tùy tiện cầm lái khi trong cơ thể đang có chất cồn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 1.000 người dân Việt Nam có 50 người sở hữu ô tô, nghĩa là số người sở hữu xe ô tô chỉ chiếm 0,5% dân số. Mặc dù vậy, các loại ô tô lại là nguyên gân nhân gây ra hơn 40% số vụ tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông.
Đặc biệt, nhiều trường hợp tài xế ô tô có nồng độ cồn thấp nhưng vẫn có thể gây tai nạn, như vụ việc ngày 12/5 tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi dừng xe máy chờ đèn đỏ, chị N.T.H. tiếp tục đi khi tín hiệu đèn xanh bật lên thì chiếc ô tô từ phía sau lao nhanh tới, vượt lên từ bên phải, chèn ép khiến xe chị H. ngã vào xe tải đang đi bên trái, may là thương tích không nặng.
Sau sự cố, lực lượng chức năng đo nồng độ cồn đối với tài xế gây tai nạn, kết quả là 0,043mg/lít khí thở, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 0,25mg/lít khí thở.
Vụ tai nạn ở TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 18/2/2023 càng nghiêm trọng hơn. Chiếc ô tô chạy tốc độ cao lấn sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào một xe máy khiến hai cha con (người đàn ông 45 tuổi và con gái 13 tuổi) văng ra lề đường, chết tại chỗ. Tài xế ô tô đã uống rượu bia trước đó, nồng độ cồn đo được ngay sau tai nạn là 0,063mg/lít khí thở.
(Ảnh: Minh Đức)
Như vậy, nồng độ cồn thấp không có nghĩa là tài xế không bị ảnh hưởng. Trong giao thông, sai một ly đi một dặm, một tác động dù rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn. Tay lái yếu đi, kém chính xác đi một chút, khả năng quan sát, tốc độ phản ứng giảm đi một chút... là nguy cơ tai nạn đã tăng lên.
Đối với ô tô, khi có va chạm, mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều so với xe máy. Với khả năng tài chính của người sở hữu ô tô, mức phạt 800 nghìn - 1 triệu đồng thật sự chỉ như muỗi đốt gỗ, không đủ để tất cả phải chùn tay nâng chén hoặc tuyệt đối từ bỏ ý định cầm lái sau khi uống.
So sánh mức phạt này với một vài mức phạt khác, chúng ta có thể dễ dàng thấy sự bất hợp lý. Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026), mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng với xe máy là 800 nghìn - 1 triệu đồng, với ô tô là 4 - 6 triệu đồng. Mức phạt lỗi đi sai làn đường với xe máy là 400 nghìn - 600 nghìn đồng, với ô tô là 4 - 6 triệu đồng. Có thể thấy các mức phạt cho ô tô thường cao gấp 4, thậm chí gấp 10 lần xe máy, do mức độ nguy hiểm của hai loại phương tiện này khác xa nhau.
Trong khi đó, theo đề xuất mới kể trên, cùng một nồng độ cồn, người lái ô tô chỉ bị phạt tiền nhiều hơn xe máy vài trăm nghìn đồng. Nếu so sánh với Nghị định 46/2016 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) được áp dụng trước khi có Nghị định 100/2019 hiện hành, sự chênh lệch này bị thu hẹp quá nhiều.
Cụ thể, với nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở, người đi xe máy không bị phạt, còn tài xế ô tô bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng. Với nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/lít đến 0,4mg/lít khí thở, tài xế xe máy bị phạt 1-2 triệu đồng, còn người lái ô tô bị phạt 7-8 triệu đồng. Xét trên khả năng gây họa của ô tô khi tai nạn xảy ra, mức chênh lệch cao này thực sự rất cần thiết.
Rất mong ý kiến này của tôi được các cơ quan chức năng ghi nhận và xem xét để cuối cùng "chốt" một phương án hợp lý nhất, giúp xóa bỏ thói quen tùy tiện cầm lái sau khi uống rượu bia, giảm tối thiểu các trường hợp thương vong do tài xế say xỉn.