Ngày 21/11, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ được quyền nêu quan điểm và đưa ra mức án đề nghị với 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng. Theo kiểm sát viên, vụ án gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các cổng game Rikvip/Tipclup đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản đánh bạc, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cũng huy động hơn 100 điều tra viên, chưa kể hậu cần, trinh sát, giám định làm việc trong 12 tháng nhưng công tác điều tra vẫn chưa toàn diện, triệt để. Việc thu tài sản phạm tội cũng đạt kỷ lục gồm hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt, kê biên trên 240 tỷ đồng. Do số lượng người đánh bạc quá lớn, các bị cáo xóa dữ liệu nên cơ quan truy tố chỉ xử lý được những con bạc thắng từ 25 triệu Rik trở lên (83 đồng đổi 100 Rik) với riêng game tài xỉu trong 2 ngày 8 - 9/8/2016.
Đáng chú ý, kiểm sát viên cũng đề nghị tòa án cần phân hóa các bị cáo tự nguyện nộp lại từ 1/2 số tiền thu lời bất chính trở lên. Ví dụ, bị cáo Phan Sào Nam - GĐ Cty VTC online đã nộp lại trên 1.300 tỷ đồng, đạt trên 90% tiền thu lời bất chính nên cần được đánh giá khác bị cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC chỉ nộp hơn 240 tỷ đồng. Việc này sẽ khuyến khích ý thức chấp hành pháp luật của các bị cáo, phù hợp với chủ trương: “Triệt để thu hồi tài sản do phạm tội mà có”. Ngoài ra, cần ghi nhận việc Phan Sào Nam tự thú hành vi gửi 3,5 triệu USD tại Bank of Singapore.
Cũng theo kiểm sát viên, bị cáo Nguyễn Văn Dương hoàn toàn nhận tội, thừa nhận cầm đầu nhóm tổ chức đánh bạc và chỉ huy nhóm CNC, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng không thành khẩn về số tiền cất giấu. Vì vậy, người giữ quyền công tố đề nghị tòa tuyên phạt Dương từ 8 - 9 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, 3 - 4 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt từ 11 - 13 năm tù. Ngoài ra, cần sung công 1.655 tỷ đồng bị cáo thu lời bất chính.
Với Phan Sào Nam, bị cáo này cũng hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội, là người chỉ huy nhóm đối tượng thuộc Cty VTC online tổ chức đánh bạc, thu về hơn 1.400 tỷ đồng nhưng đã thành khẩn khai báo. Do vậy, người giữ quyền công tố đề nghị phạt Nam từ 3 - 4 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, 3 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt từ 6 - 7 năm tù.
Bao che, chống lệnh cấp trên
Năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương có công văn khẳng định CNC đang vận hành 2 cổng game đánh bạc và yêu cầu các bị cáo Vĩnh, Hóa và ông Nguyễn Công Sơn - Phó tổng cục trưởng báo cáo. Bị cáo Hóa liền lập dự thảo báo cáo thể hiện: “Hoạt động kinh doanh này tạo nguồn thu chi trả phí hoạt động, trả lương nhân viên và sử dụng tái đầu tư mua sắm sản xuất các thiết bị, phầm mềm phục vụ có hiệu quả cho công tác nghiệp vụ”.
Tướng Nguyễn Công Sơn cũng báo cáo lãnh đạo Bộ Công an sai sự thật việc các cổng game Rikvip và 23zdo.com đã được Bộ TT&TT cấp phép. Sau đó, do Thượng tướng Lê Quý Vương tiếp tục yêu cầu báo cáo, Nguyễn Thanh Hóa buộc phải yêu cầu CNC chấm dứt hoạt động của các cổng game trên đồng thời cùng Phan Văn Vĩnh báo cáo sai sự thật. Tuy vậy, các bị cáo vẫn tiếp tục chống lưng cho game Rikvip, lúc này chuyển thành Tipclup.
Theo người giữ quyền công tố, hành vi của 2 cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu chống mệnh lệnh của cấp trên; hợp thức, xóa dấu vết khi có thanh tra; ngăn cản cấp dưới xử lý CNC. “Phan Văn Vĩnh có chức vụ quyền hạn với đầy đủ công cụ, lực lượng được Nhà nước giao để trấn áp tội phạm, có thể quyết định sự sống còn của game bài... Hành vi của các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực” - kiểm sát viên nói.
Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án đánh bạc chưa xác định được các bị cáo hưởng lợi cá nhân nên trong vụ án chỉ xử lý về hành vi lợi dụng chức vụ. Riêng bị cáo Nguyễn Thanh Hóa được xác định quanh co, không thành khẩn. Vì vậy, đại diện VKSND đề nghị tòa tuyên phạt Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thanh Hóa từ 7 năm 6 tháng tới 8 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo người giữ quyền công tố, hành vi của 2 cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu chống mệnh lệnh của cấp trên; hợp thức, xóa dấu vết khi có thanh tra; ngăn cản cấp dưới xử lý CNC; “có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa thực hành tích cực” - kiểm sát viên nói.
Nguồn tin: Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn