Truy tố cha, mẹ giao xe cho con sử dụng khi chưa đủ tuổi gây tai nạn

Thứ năm - 05/03/2020 06:55
Nếu chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe (GPLX) thì ngoài việc người điều khiển phương tiện bị phạt ra, người giao xe (chủ xe) cũng bị liên đới trách nhiệm và bị xử phạt. Ngoài ra, trường hợp gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì người giao xe hoặc chủ phương tiện còn có thể bị truy tố...
T2020030503


Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về điều kiện người lái xe tham gia giao thông, cụ thể, người tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe theo quy định 58, Điều 60 Luật này và có GPLX phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Quy định về độ tuổi lái xe như sau: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ.

Còn trường hợp không đủ tuổi để điều khiển các loại xe như trên (đồng nghĩa với việc chưa được cấp GPLX) là hành vi vi phạm, có thể bị xử phạt.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên đến trường diễn ra khá phổ biến. Việc học sinh điều khiển xe máy đến trường là vi phạm quy định của pháp luật và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho các em học sinh.

Mặc dù, mỗi đầu năm học, Sở GD&ĐT đều yêu cầu các trường tổ chức cho phụ huynh ký cam kết về việc đội nón bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe máy; không giao xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX... Chính vì vậy, việc học sinh vi phạm Luật Giao thông, một phần trách nhiệm cũng thuộc về lỗi của phụ huynh. Nếu chỉ phạt học sinh là chưa đủ mà còn phải xử phạt cả cha, mẹ hoặc người chủ xe gắn máy, mô tô.

Theo khoản 5, Điều 30 Nghị định 100, trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng), người giao xe (chủ xe) cho người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô

Ngoài ra, trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, mô tô gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì cha, mẹ hoặc chủ phương tiện còn có thể bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Tùy vào mức độ của hậu quả mà người chủ phương tiện có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Như vậy, nếu chưa đủ tuổi hoặc không có GPLX thì ngoài việc người điều khiển bị phạt ra, người giao xe (chủ xe) cũng bị liên đới trách nhiệm và bị xử phạt.
Theo VOV Giao thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây