Thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa đảo ngày càng tinh vi

Thứ hai - 22/05/2023 17:16
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo nhưng vẫn có không ít người dân "tiền mất tật mang" bởi các thủ đoạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi.
D202305172108
Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Ảnh minh họa.

Đi vay lại vướng thêm "nợ"

Ngày 19/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hồ Tuấn Anh (31 tuổi, trú phường Đồng Hải, TP Đồng Hới) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù đã bị chấm dứt hợp đồng lao động với ngân hàng, nhưng Tuấn Anh vẫn mạo danh để nhiều người tin tưởng cho vay số tiền lớn để trả nợ cũ, sau đó mất khả năng thanh toán số tiền đã vay.

Với thủ đoạn trên, bước đầu cơ quan chức năng xác định, Hồ Tuấn Anh đã lừa đảo chiếm đoạt của một số cá nhân số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối tượng này cũng đang bị điều tra liên quan đến một vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khác thông qua hình thức vay mượn tiền, đầu tư kinh doanh.

Trước đó, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) tiến hành điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 300 triệu đồng với thủ đoạn tinh vi.

Cụ thể, ngày 8/5/2023, anh Đ. (41 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn. Do có nhu cầu nên anh đã đồng ý làm thủ tục vay.

Sau đó, anh Đ. phải đóng 6 triệu đồng để được làm hợp đồng. Tuy nhiên, các đối tượng thông báo anh gửi sai tài khoản nên phải gửi lại. Sau đó, các đối tượng thông báo phải chuyển tiếp 9 triệu đồng để làm bảo hiểm hợp đồng. Không thấy giải ngân, anh Đ. lại nhận được yêu cầu phải đóng thêm tiền lãi hàng tháng.

Tổng số tiền anh đã chuyển 300 triệu đồng nhưng chưa được giải ngân khoản vay. Lúc này anh Đ. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Một trường hợp khác cũng mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo xảy ra vào đầu tháng 4 tại Hà Tĩnh. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng trong đường dây giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, các đối tượng đã lập trang web giả mạo ngân hàng, giả danh nhân viên ngân hàng để gọi điện lừa đảo gần 700 bị hại bằng chiêu thức nâng hạn mức thẻ tín dụng, chiếm đoạt thông tin cá nhân tài khoản thẻ ngân hàng, rút tiền trong thẻ chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo nhưng vẫn có không ít người dân "tiền mất tật mang" bởi các thủ đoạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi.

Agribank đưa ra 2 cách thức trong những vụ việc như vậy, bao gồm: mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng bằng cách đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ATM, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ, sau đó yêu cầu đọc mã OTP gửi vào tin nhắn để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cách thức thứ hai, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản khách hàng, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng báo có người chuyển nhầm vào tài khoản khách hàng, hướng dẫn khách hàng thủ tục hoàn trả bằng cách ấn vào đường link và điền thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài khoản của khách hàng.

Bên cạnh đó, những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền cũng là một "chiêu trò" của các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, sau khi "dụ" người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt các lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay và yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống.

Các đối tượng hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và dừng liên lạc.

Do đó, nếu có nhu cầu vay vốn, người dân tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các chuyên gia khuyến cáo người dân không chia sẻ thông tin (sao chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ ngân hàng, mã OTP…) cho người khác. Không truy cập đường link lạ; sử dụng mật khẩu mạnh và thường xuyên thay đổi mật khẩu. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân với bất kỳ ai trên mạng xã hội hay các website không đáng tin cậy.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng biện pháp bảo vệ để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình.

Việc thiết lập hệ thống phần mềm, biện pháp kỹ thuật hoặc tổ chức hoạt động thu thập, chuyển giao, mua, bán dữ liệu cá nhân không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là vi phạm pháp luật.
Theo Đại đoàn kết

Link gốc: Thủ đoạn mạo danh ngân hàng lừa đảo ngày càng tinh vi (daidoanket.vn)
 Từ khóa: ngân hàng, lừa đảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây