Khi đi đến Km 548 QL1A thuộc xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Quân bất ngờ điều khiển xe ô tô chuyển hướng từ QL1A rẽ phải vào đường liên xã theo hướng đến UBND xã Kỳ Tiến dẫn đến gây tai nạn cho xe máy điện BKS 38M1-218.54, do em Hoàng Đức Phượng (SN 1998, trú tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển. Tai nạn làm em Phượng bị cuốn vào gầm xe ô tô.
Biết mình đã gây tai nạn, Phan Đình Quân dừng và nhảy xuống xe quan sát thấy em Phượng nằm bất động phía trước bánh sau bên phụ xe ô tô. Sau đó, Phan Đình Quân lên xe cho xe chạy tiến lên đè qua đầu nạn nhân, làm cho nạn nhân bị vỡ sọ não dẫn đến tử vong.
Trong suốt 1 ngày diễn ra phiên sơ thẩm hôm nay (19/11), bị cáo Quân vẫn quanh co chối tội, cho rằng hành vi lên xe cán qua đầu em Phượng là do hoảng loạn. Bên cạnh đó, mặc dù tòa yêu cầu Quân khai báo thành thật nhưng Quân một mực khẳng định nạn nhân đã tử vong trước đó (khi Quân chưa cán qua nạn nhân lần 2 - PV).
Quân khai hôm xảy ra tai nạn khi rẽ phải có quan sát và bật xi nhan xin đường, nhìn gương chiếu hậu thấy có một người đi phía sau.
"Bị cáo ngồi nghe một tiếng 'bộp', nhưng không hay biết xảy ra tai nạn. Nghi ngờ xe có vấn đề nên xuống xem, thấy nam sinh nằm dưới bánh xe, máu chảy nhiều. Quan sát một lúc thì hô hoán mọi người tới ứng cứu, chờ một lúc không có ai hỗ trợ nên mới lái xe đi", Quân nói.
Trả lời về tòa về suy nghĩ khi biết đã gây tai nạn, Quân ngập ngừng một lát rồi nói: "Bị cáo bị hoảng loạn, lúc đó ý thức là lùi xe nhưng lại cài nhầm số tiến khiến xe cán qua người".
Cho rằng bị cáo không thành thật, chủ tọa nói biên bản lời khai những phiên xử trước cũng như nhân chứng, tất cả đều phủ nhận lời khai của Quân. Cả 7 nhân chứng đều xác nhận thấy tài xế di chuyển không bật xi nhan, lúc xuống xe quan sát khoảng 40 giây rồi nhảy lên ca-bin lái xe đi, không có thái độ hô hoán kêu cứu.
"Hơn nữa, thời gian bị cáo xuống xe rồi lên xe là 40 giây, thử hỏi có ai chạy kịp đến giúp đỡ. Vấn đề quan trọng nhất đó là đạo đức người lái xe, đáng ra khi gây tai nạn, điều đầu tiên là phải đưa nạn nhân đi cấp cứu, chứ không phải cho xe chạy tiếp như vậy", chủ tọa nói.
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn (đại diện cho gia đình bị hại) hỏi Quân nhiều câu hỏi: Tại sao sau khi gây tai nạn, bị cáo nói hoảng loạn nhưng vẫn bình tĩnh đi mua chiếu đắp cho nạn nhân; đã lái xe nhiều năm, việc dùng số tiến và số lùi như thế nào? Thời gian hoảng loạn của bị cáo kéo dài trong bao lâu và trong những thời điểm nào?... Quân đều dùng quyền im lặng để từ chối trả lời.
Mặt khác, tại phiên tòa, Quân khai trong những phiên tòa trước và toàn bộ quá trình làm việc với cơ quan điều tra, lời khai của bị cáo hoàn toàn không bị bức cung, nhục hình. Nhưng khi luật sư của bị hại đặt câu hỏi: Phải chăng hôm nay bị cáo tiếp tục hoảng loạn hay những lời khai trước không đúng? Bị cáo lại tiếp tục chọn quyền im lặng.
Chủ tọa cho hay HĐXX sẽ ra quyết định dựa trên cơ sở pháp lý và khoa học song việc bị cáo Quân khai báo như vậy là không thành khẩn, chưa ăn năn, hối lỗi.
Tại phần luận tội, đại diện VKS cho rằng hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận, tổn thương nặng nề về tinh thần của gia đình bị hại, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị tại địa phương, gây mất trị an xã hội. Hành vi đó phải được xử lý nghiêm và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài.
Khi HĐXX cho bị cáo nói lời sau cùng, Quân cúi đầu xin được giảm nhẹ bản án để được trở về đoàn tụ với gia đình nhưng không có một lời xin lỗi gia đình bị hại.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, HĐXX tuyên bị cáo Phan Đình Quân 12 năm tù về tội Giết người theo Khoản 2, Điều 93, Bộ luật Hình sự năm 1999. Buộc bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 172 triệu đồng.