Chiều 10/5, ông Đỗ Xuân Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, trong hôm nay (11/5) sẽ có một đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô và chính quyền địa phương họp bàn, nghe chủ rừng báo cáo tình hình. Đồng thời, đi khảo sát lên phương án truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng giáp ranh Khu BTTN Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) với huyện Krông Pa (Gia Lai).
Hàng loạt cây rừng bị cưa hạ chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng
Trước thực trạng khu BTTN Ea Sô bị tàn phá nghiêm trọng, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk để mở các đợt cao điểm tuần tra truy quét các đối tượng phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng tại khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Đồng thời, phía tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh này.
Một cây lớn trong khu BTTN Ea Sô bị đốn hạ
Việc phá rừng giáp ranh được cơ quan chức năng nhận định rất phức tạp, đáng báo động, ảnh hưởng đến sự bảo tồn đa dạng sinh học tại khu BTTN Ea Sô. Các loại cây bị khai thác như căm xe, bằng lăng, gáo vành, ké, sao… ngoài ra còn có những loại thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Theo đó, lợi dụng việc công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, các đối tượng trà trộn với nhân công khai thác rừng trồng, đóng lán tại khu vực giáp ranh với khu BTTN Ea Sô, từ đó xâm nhập vào khu BTTN Ea Sô để cắt gỗ rồi dùng xe máy độ chế để vận chuyển, tập kết tại khu vực rừng trồng của công ty MDF Vinafor Gia Lai. Số gỗ này được các đối tượng đầu nậu cân, mua theo trọng lượng của gỗ và dùng ô tô vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Nhiều cây gỗ được xẻ thành miếng thuận lợi cho việc vận chuyển bằng xe độ chế
Bước đầu, Ban quản lý khu BTTN Ea Sô xác định các đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các xã Krông Năng, xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa). Các đối tượng thường tập trung thành 7-8 nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người vào rừng.
Từ năm 2017 – 2019, tại khu vực rừng giáp ranh, Hạt Kiểm lâm khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và xử lý 78 vụ, 96 đối tượng, tang vật thu giữ trên 3,362 m3 gỗ tròn các loại, thu nộp ngân sách trên 286 triệu đồng.
Việc rừng bị tàn phá ảnh hưởng sự bảo tồn đa dạng sinh học của khu BTTN
Điển hình, vào ngày 22/9/2019, trong lúc tuần tra tại tiểu khu 618 thuộc Khu BTTN Ea Sô, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện một nhóm gồm 13 đối tượng đang dùng cưa máy khai thác gỗ trái phép.
Theo kết quả giám định của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, số gỗ bị cắt hạ là gỗ giáng hương, nhóm gỗ IIA, tổng khối lượng gỗ thiệt hại quy tròn là 1,756 m3.
Hạt Kiểm lâm khu BTTN Ea Sô đã hoàn thiện và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Ea Kar điều tra, xử lý theo quy định.
Thúy Diễm
Theo Dân trí
Link nội dung: https://dantri.com.vn/xa-hoi/rung-giap-ranh-dak-lak-gia-lai-bi-tan-pha-dang-bao-dong-20200510235505623.htm