Dưới triều Nguyễn, tội phạm về đút lót (các loại tội về hối lộ) được xem là loại tội phạm hết sức nguy hiểm, xâm phạm nghiêm trọng trật tự pháp luật, bẻ cong pháp luật, làm xấu hình ảnh của các quan thanh liêm, cần phải nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước và lấy lại niềm tin của nhân dân.
Đòi, nhận đút lót có thể bị tử hình
Năm Gia Long thứ 11 (1812), vua đã ban hành bộ luật Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển, 398 điều quy định về đủ loại hình. Trong đó, tội đút lót được quy định tại quyển 17 phần Luật hình.
|
Xử án thời xưa. Ảnh tư liệu |
Sách Đại Nam Hội điển sự lệ phần Luật hình - nhận tiền tang có ghi lại 9 tội về đút lót, trong đó tội Quan lại nhận của tiền đút lót là tội nguy hiểm nhất. Sách chép “Phàm các quan lại (nhân việc làm sai pháp luật hay không) nhận của đút lót thì cứ tính số tang vật mà xử tội”. Hình phạt thấp nhất đối với tội này là phạt 70 trượng với tang vật 1 lạng bạc trở xuống, bãi dịch (không được bổ nhiệm nữa), sau đó đến phạt đồ (khổ sai) và lưu (đày đi nơi xa), cao nhất là tử hình dưới hình thức giảo giam hậu (treo cổ), tang vật 80 lạng bạc trở lên. Các trường hợp đòi ăn đút lót (sách nhiễu hối lộ) thì hình phạt tăng nặng hơn.
Vua Minh Mệnh, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, với nguyên tắc hình luật là “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người để muôn người phải sợ hãi mà tránh), nên việc trị tội quan lại nhũng lạm, đòi hối lộ, nhận hối lộ…rất nặng, có khi vượt xa khung hình phạt.
Sách Đại Nam Hội điển sự lệ cho biết, năm Minh Mệnh thứ 3, Bắc Thành dâng tập tâu về việc tên thông lại sách nhiễu lấy tiền làm sổ của xã và tên ngũ trưởng sách nhiễu lấy tiền hành lý, đã xử trảm và đem hành hình ngay. Nhân vâng chỉ phán rằng việc ấy là việc làm trong khi duyệt tuyển. Từ nay về sau, kẻ tư lại nào còn dám gây ra mối tệ sách nhiễu lấy tiền của dân, thì không kể số tang nhiều hay ít đều chuẩn cho đem ra xử tử trước cho mọi người biết, rồi làm biểu đề đạt lên Bộ hình sau.
Năm Minh Mệnh thứ 10, vua chuẩn y lời tâu như sau: Tên Trần Nhật Vĩnh ở Hộ tào nhũng lãm đến hơn 30 khoản, tiền tang đến hơn 12 vạn lạng bạc, tội nặng quá mức ghi trong pháp luật, dù đến xử tử cũng chưa đủ đền tội. Tên Trần Nhật Vĩnh chuẩn cho chém ngay, lấy đầu giao cho ngựa trạm đem về thành Gia Định bêu riếu cho mọi người biết.
Châu bản triều Nguyễn cho biết (trong chính sử không ghi chép) năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), vua đã xử Kinh lịch Ty án sát Nguyễn Văn Vĩnh treo cổ vì can tội vòi vĩnh và nhận hối lộ.
Nguyễn Văn Vĩnh khi được phái đến xã Bình Lãng, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên đo khám ruộng đất đã đòi 30 lạng bạch kim. Theo như lời khai của điền hộ Trương Mao xã Bình Lãng, huyện Long Xuyên ghi trong văn bản này thì “nguyên Kinh lịch Ty Án sát Nguyễn Văn Vĩnh, vâng phái đến xã đó (xã Bình Lãng) đo khám ruộng đất hiện được 402 mẫu 7 sào, nói rằng số ruộng xã này hơi nhiều, đo khám vất vả, phải cho 30 lạng bạch kim. Y (Trương Mao) tự lo liệu chỉ được 10 lạng giao cho Nguyễn Văn Vĩnh. Nay đã giao trả lại đủ số bạch kim. Duy số mẫu ruộng nguyên đo được ở xã Bình Lãng, Nguyễn Văn Vĩnh có ẩn giảm hay không còn chưa thể biết”.
Sau đó, Tổng đốc Trương Minh Giảng phái người đến xã Bình Lãng đo khám lại được 406 mẫu 2 sào 2 thước 2 tấc, so với trước cao hơn 3 mẫu 5 sào 2 thước 2 tấc. Về sau truy cứu Nguyễn Văn Vĩnh tội đã nhận tiền hối lộ của Trương Mao 10 lạng bạch kim liền kết án xử giảo quyết.
Nhà Nguyễn chống nạn quan lại nhận hối lộ
Các vua kế tiếp như Thiệu Trị, Tự Đức cũng đặc biệt quan tâm đến việc chống nạn quan lại nhũng lạm, nhận hối lộ.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vua xử vụ án Án sát tỉnh Nam Định Lê Hữu Đức (từng là Án sát Quảng Nam) tham nhũng, nhận hối lộ và các quan lại cấu kết bao che cho Đức.
Châu bản triều Nguyễn cho biết, Lê Hữu Đức tuy là quan Án sát tỉnh Nam Định nhưng “tham nhũng nhiều khoản, không chỉ một mà đủ các loại” và “không thanh bạch, tự bẻ cong pháp luật, nhận của cải hối lộ bừa bãi, nếu không nghiêm khắc trừng trị thì lấy gì để răn tệ tham ô”.
|
Xử trảm (chém đầu) - hình phạt tước đi mạng sống đáng sợ nhất thời phong kiến. Ảnh tư liệu |
Khi tra xét vụ Án sát Lê Hữu Đức tham nhũng đã điều tra ra Tổng đốc Định - Yên Trịnh Quang Khanh, Bố chánh tỉnh Nam Định Trần Quang Tiến đã cấu kết, bao che cho Lê Hữu Đức. Ngự sử Nguyễn Cư Sĩ chỉ ra “án kiện của tỉnh Nam Định bị tồn đọng nhiều chồng chất và nguyên án sát đã bị cách chức là Lê Hữu Đức tham nhũng nhiều khoản mà các viên đồng nhiệm nguyên Tổng đốc Trịnh Quang Khanh và Bố chánh Trần Quang Tiến cũng có thuận theo”. Vì vậy, Trịnh Quang Khanh, Trần Quang Tiến bị giao cho Hà Thúc Lương điều tra xét xử xem có tình riêng bao che cho nhau không mà để án kiện kéo dài.
Ghi chép lại việc này, sách Đại Nam thực lục viết: “Lĩnh Tổng đốc Định - Yên, Trịnh Quang Khanh và Bố chính tỉnh Nam Định, Trần Quang Tiến, bị cắt chức. Quang Khanh là người hồ đồ, án chồng chất để đọng lại, thậm chí dân trong hạt bị lưu tán, cũng dường không nghe biết gì nên đã bị giao cho bộ nghị xử. Sau, Quang Khanh cùng với Trần Quang Tiến hội tra việc án Lê Hữu Đức, lâu ngày không kết án xong. Đến khi Hà Thúc Lương tiếp tục tra xét, trước hết đem đại lược tình tiết vụ án vào tâu, xét thấy Quang Khanh vì tình riêng che đỡ, Quang Tiến vì đã thông đồng, đều cất chức, giao cho Hà Thúc Lương và Lê Phác, hội tra việc này. Sau, thành án đưa lên, Quang Khanh bị cách tuột, bắt gắng sức làm việc ở bộ để chuộc tội, Quang Tiến bị phạt trượng và đồ”.
|
Bản phụng dụ của Nội các về việc phái tuần phủ tỉnh Hưng Yên Hà Thúc Lương làm quyền hộ quan phòng Tổng đốc Định Yên tra xét tội trạng tham nhũng của Án sát Lê Hữu Đức. |
Sách Đại Nam thực lục cũng cho biết, năm Tự Đức thứ nhất (1848), vua xử tội hối lộ của Tuần phủ Lạng - Bình Trần Ngọc Lâm (từng làm Bố chính Tuyên Quang, thự Hữu tham tri bộ Lễ, thự Tham tri bộ Hình, thự Tuần phủ Hà Tĩnh, thự Tuần phủ Lạng Sơn, thự phủ Lạng Bình): Ngự sử Nguyễn Cư dò được 13 khoản việc bậy của Tuần phủ Trần Ngọc Lâm. (Thông đồng với lại dịch, làm bừa những việc hối lộ và dặn gửi, thay nộp binh lương, ngầm ngấm mua bán, buông thả bọn tì bộc chia nhau đi bán trát văn mọi khoản) dâng sớ tham hặc. Vua nói : Trần Ngọc Lâm là người có chức trách coi giữ bờ cõi một địa phương quả như lời tham hặc ấy thì không coi phép luật vào đâu, xoay lấy lợi riêng, tham nhũng bỉ ổi, là một con mọt làm hại ở địa phương ấy quá lắm. Bèn sai cất chức của Ngọc Lâm, cho Hộ bộ Thị lang là Trương Hảo Hợp thự Tuần phủ Lạng - Bình. Lại sai Ngự sử là Võ Nguyên Doanh đi trạm đến nơi cùng với thự phủ mới là Trương Hảo Hợp, hội xét việc ấy, sau bản án dâng lên, Ngọc Lâm bị tội giảo giam hậu…
Với việc thực hiện nhiều biện pháp và nhất quán trong việc xử lý là quan lại nhận của, tiền hối lộ, sách nhiễu hối lộ,… các vua triều Nguyễn cho thấy quyết tâm đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này. Mục đích việc này không gì khác là nhằm xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến trong sạch, tạo dựng niềm tin nơi nhân dân, qua đó củng cố và duy trì vương quyền.
Theo Zing.vn