Cán bộ "hạt giống" thời ông Nguyễn Xuân Anh?
Ông Đào Tấn Bằng sinh năm 1975, quê quán ở xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) từng là cán bộ thuộc Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng. Ông từng giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý đô thị (thuộc VP UBND thành phố) sau đó làm Phó CVP UBND trước khi được điều động giữ chức Bí thư quận ủy Ngũ Hành Sơn vào năm 2014.
Ông Đào Tấn Bằng
Tuy nhiên, tháng 10.2015, khi ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Bí thư thành ủy TP.Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2015 - 2020) thì hàng loạt sự xáo trộn về nhân sự cấp cao ở Đà Nẵng bắt đầu diễn ra. Sự xáo trộn đó khiến Đà Nẵng một thời dậy sóng và mãi đến tận bây giờ. Một trong những cán bộ được luân chuyển trong thời kỳ ông Xuân Anh chính là ông Đào Tấn Bằng.
Tháng 3.2016, ông Đào Tấn Bằng thôi chức Bí thư quận Ngũ Hành Sơn, về làm CVP Thành ủy Đà Nẵng thay cho ông Võ Ngọc Đồng sang làm Giám đốc Sở Nội vụ. Ngoài ra, trong "làn sóng" điều chuyển nhân sự thời kỳ ông Nguyễn Xuân Anh còn có những cái tên như ông Nguyễn Điểu - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (xin nghỉ hưu trước tuổi), ông Lê Minh Trung, ông Lê Quang Nam... và đặc biệt là Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng sang làm Trưởng Ban tuyên giáo thành ủy. Vừa rồi, Đà Nẵng đã điều chuyển ông Đặng Việt Dũng từ vị trí ở Ban tuyên giáo trở lại làm Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố.
Vượt quyền tham mưu?
Theo tài liệu mà Dân Việt có được, ông Đào Tấn Bằng, từ khi là Phó trưởng phòng Quản lý đô thị rồi đến Phó CVP UBND thành phố Đà Nẵng dưới các thời kỳ lãnh đạo của 2 Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến nhiều lần tham mưu cho lãnh đạo trong các vụ việc liên quan đến đất đai mà không qua tham khảo, không hỏi ý kiến của các Sở ngành chuyên môn.
Trong đó, nổi bật là các dự án SVĐ Chi Lăng đang là tang vật vụ án Phạm Công Danh, một số vụ việc ở Sơn Trà và các dự án, nhà đất công sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").
Một trong những dự án gây nhiều tai tiếng cho Đà Nẵng chính là dự án SVĐ Chi Lăng. Theo tài liệu, dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại SVĐ Chi Lăng hiện là tài sản phải thi hành án liên quan đến đại án tham nhũng của bị cáo Phạm Công Danh (đã bị TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm và tuyên án vào ngày 24.1.2017).
SVĐ Chi Lăng.
Trong vụ việc này, một trong những vi phạm nghiêm trọng được cơ quan chức năng xác định chính là tách dự án nêu trên thành 10 Giấy chứng nhận để cấp cho 10 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Việc tách Giấy chứng nhận nêu trên được xác định như sau: Ngày 24.1.2011, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có Tờ trình số 15/TTr-VP đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 10 Công ty thành viên và miễn lệ phí trước bạ trong việc cấp sổ đỏ.
Văn bản trên được chuyển đến Văn phòng UBND thành phố vào ngày 27.1.2011, ngay trong ngày 27.1.2011, ông Đào Tấn Bằng cùng các cán bộ của Phòng Quản lý Đô thị - Văn phòng UBND thành phố (Trưởng phòng Phan Xuân Ít, chuyên viên Nguyễn Viết Vĩnh) đã lập Phiếu trình “Gấp” và dự thảo văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, việc tham mưu nêu trên hoàn toàn không có sự tham gia của các Sở, ngành chức năng. Điều đáng nói, dự thảo Văn bản trên cũng đã được trình lãnh đạo UBND thành phố và được duyệt ký ban hành ngay trong ngày 27.1.2011 (Văn bản số 542/UBND-QLĐTh).
Ông Đào Tấn Bằng trong cuộc làm việc giữa Bí thư Trương Quang Nghĩa với Liên đoàn LĐ TP.Đà Nẵng mới đây.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hành vi trên của ông Đào Tấn Bằng và các cá nhân khác của Phòng Quản lý Đô thị - Văn phòng UBND thành phố là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thuế, phí. Nghiêm trọng hơn, sự việc trên mặc dù đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố yêu cầu công ty phải nộp lệ phí trước bạ theo đúng quy định nhưng vẫn được cá nhân ông Bằng tham mưu cho miễn đã gây thất thoát ngân sách hàng tỷ đồng, bỏ qua các nguyên tắc, quy định trong công tác tham mưu, trực tiếp báo cáo lãnh đạo thành phố ký văn bản không có ý kiến tham mưu của các Sở, ngành chuyên môn. Làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng, dẫn đến việc 10 Công ty trên sử dụng các Giấy chứng nhận được cấp đã vay hàng nghìn tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh đã nêu ở trên.
Theo tài liệu mà Dân Việt có được, trong hàng loạt dự án mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận có sai phạm, dẫn đến thất thu ngân sách số tiền 3.400 tỷ đồng tại Kết luận Thanh tra số 2852/KL-TTCP ngày 2.11.2012 mà hiện nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm hậu quả, trong đó có cả việc kiểm điểm người đứng đầu của UBND và một số Sở, ngành qua các thời kỳ có vai trò trực tiếp và tham mưu chính của ông Đào Tấn Bằng trong cương vị Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị rồi Phó CVP UBND thành phố. Tại các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Nguồn tin: (Dân Việt)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn