Ngăn chặn nạn săn bắt chim trời

Chủ nhật - 26/09/2021 07:12
Thời điểm tháng 9-2021, rất nhiều loài chim tự nhiên di cư về các khu rừng, cánh đồng thuộc tuyến biên giới biển của tỉnh Hà Tĩnh để tìm thức ăn, làm tổ sinh sản. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân địa phương tìm cách săn bắt chim trời làm thức ăn và án ra thị trường để kiếm lời. Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Hà Tĩnh đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn, chấm dứt hành vi trên.
2021092603 2
Cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp cùng các lực lượng chức năng tháo dỡ, tiêu hủy bẫy săn bắt chim trời. Ảnh: Minh Luận

Khu vực biên giới biển tỉnh Hà Tĩnh có nhiều đồi núi thấp, xen lẫn giữa những cánh đồng ngập nước, với nguồn thủy sinh phong phú nên thu hút nhiều loài chim di cư về kiếm ăn, làm tổ sinh sản, phổ biến nhất là các loại chim cò, vạc... Phần lớn nhân dân địa phương cảm thấy thích thú trước hiện tượng thiên nhiên đang diễn ra, họ cùng chung tay bảo vệ môi trường, tạo điều kiện sống, sinh sản cho các loài chim di cư.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân vì nguồn lợi trước mắt, lén lút săn bắt chim trời làm thức ăn và bán ra thị trường để kiếm lời. Thậm chí, ở một số khu dân cư còn xem việc săn bắt chim trời là "nghề" mưu sinh trong mùa mưa, lũ. Để bắt được chim di cư, họ sử dụng rất nhiều hình thức như giăng lưới, đặt các loại bẫy, có trường hợp còn dùng loại súng tự chế săn bắn khi đêm đến...

Săn bắt chim di cư làm ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái môi trường, sự đa dạng của các loài chim đang có. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng vào cuộc ngặn chặn, chấm dứt hành vi săn bắt chim trời. Đồng thời, thành lập các đoàn chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Bảo vệ môi trường sống an toàn cho các loài chim di cư có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng sinh thái và xây dựng ứng xử văn minh với tự nhiên. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng gồm: Kiểm lâm, Công an, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng đánh bắt, tiêu thụ chim trời, trong đó, lực lượng Kiểm lâm đóng vai trò chủ công. Các lực lượng cũng tăng cường tuần tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và sớm có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh để có giải pháp ngăn chặn hiệu quả".

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trên tuyến biên giới biển như huyện Nghi Xuân, huyện Lộc Hà, huyện Kỳ Anh đã đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim di cư. Trong đó, các lực lượng liên quan tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ việc săn bắt chim trong tự nhiên là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Từ đó, vận động người dân ký cam kết không tham gia săn bắt các loài chim trong tự nhiên.

Tuy nhiên, một số hộ dân ở thôn Nam Sơn và Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà vẫn xem việc săn bắt các loài chim di cư là “nghề” kiếm sống trong mùa mưa, bão nên vẫn lén lút thực hiện hành vi trên. Trước thực trạng này, ngày 15-9-2021, ông Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo các ngành Nông nghiệp, Công an, BĐBP Hà Tĩnh... đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và yêu cầu tháo dỡ ngay các điểm đơm, bẫy chim trời còn sót lại.

Ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Trước đây, trên địa bàn có khoảng 50 hộ chuyên làm “nghề” đơm chim di cư, tình trạng đánh bắt chim trời khá tràn lan, phức tạp. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, chúng tôi đã tập trung vào cuộc nên đã giảm, chỉ còn dăm hộ vẫn lén lút đơm bắt. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đang gấp rút huy động lực lượng để xóa bỏ hết các tụ điểm đơm, bẫy chim còn lại".
 
2021092603 3
Lực lượng chức năng thả chim bị săn bắt về với môi trường tự nhiên. Ảnh: Minh Luận

Cũng như Lộc Hà, địa bàn huyện Nghi Xuân được xem là điểm nóng diễn ra hành vi đánh bắt chim di cư. Các địa phương, lực lượng chức năng, Đồn Biên phòng Lạch Kèn, BĐBP Hà Tĩnh đang tập trung vào cuộc cao độ để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt chim trời. Ông Trần Thanh Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân thông tin: “Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương ban hành thông báo đến 17 xã của huyện về việc nghiêm cấm đánh bắt chim trời. Trong hơn 1 tháng triển khai, chúng tôi cũng đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức 11 cuộc tuần tra, kiểm tra, qua đó, đã tiêu hủy 2kg nhựa, 2.600 tẻ đơm, 4.100m lưới bẫy chim, phá bỏ 8 lùm cây ngụy trang, 6 loa gọi chim về, 620 cò giả và thả 71 chim mồi khỏe mạnh về tự nhiên”.

Hiện nay, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đều đang tập trung vào cuộc để ngăn chặn tình trạng đánh bắt, mua bán, chế biến, tiêu thụ chim di cư. Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh phối hợp với chính quyền địa phương các xã, lực lượng Công an, Đồn Biên phòng Kỳ Khang tích cực xuống các địa phương ven biển như: Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang... tuyên truyền, vận động và thực hiện ký cam kết với các hộ dân, đồng thời tổ chức kiểm tra, tháo dỡ và tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim tự nhiên.
 
Chỉ tính từ cuối tháng 8 đến nay, các đơn vị thuộc Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức 46 cuộc kiểm tra, truy quét và xử lý, tịch thu, tiêu hủy 5.795 chim mồi giả, 13.560 que nhựa, 11.250m2 lưới, 39kg nhựa, 15 bộ loa máy phát tín hiệu, 400m dây điện, 175 cọc tre và thả 158 chim mồi về tự nhiên. Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Theo nhận định, thời gian tới, số lượng các loài chim tự nhiên về trên địa bàn sẽ rất lớn, nên chúng tôi đã và đang vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để tình trạng bẫy bắt, mua bán, chế biến, tiêu thụ chim tự nhiên di cư trái phép".
 
Anh Sơn
Theo bienphong.com.vn

Link gốc: https://www.bienphong.com.vn/ngan-chan-nan-san-bat-chim-troi-post444105.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây