Ngày 28/9, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với Lê Thành Công (43 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.
Công là bố đẻ của cháu L.H.A. (6 tuổi, lớp 1A16, Trường tiểu học Xuân Đỉnh). Đối tượng thừa nhận trong cơn nóng giận đã đùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con, sau đó bé gái tử vong.
Thương tích trên cơ thể nạn nhân - Ảnh: NLĐ
Nói về việc này, cùng ngày, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Công ty Luật Golden Sun, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, với tội danh Cố ý gây thương tích mà bị can bị Cơ quan điều tra khởi tố thì bị can phải đối mặt với mức hình phạt tù từ 7 năm đến 14 năm tù.
Các tình tiết tăng nặng có thể áp dụng đối với tội danh của bị can là: Điểm i và k Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự: Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi và phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, hoặc các mặt khác.
Ngoài ra, quá trình điều tra sẽ giúp xác định bị can có phải chịu các tình tiết tăng nặng khác quy định tại điểm d, h, m, p Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, cụ thể là các tình tiết: Phạm tội có tính chất côn đồ; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội; Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm...
Theo Luật sư Vinh, để xác định chính xác hình phạt mà bị can phải đối mặt trong vụ án này cần có kết quả giám định pháp y tử thi (để xác định: nguyên nhân tử vong, vị trí, số lượng thương tích trên cơ thể nạn nhân, hung khí gây án....), kết quả khám nghiệm hiện trường, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra, tìm hung khí gây án, các biên bản hỏi cung bị can (để xác định động cơ, mục đích, hành vi phạm tội, yếu tố lỗi cố ý hay vô ý....), các lời khai của những người liên quan (vợ bị can, hàng xóm...).
"Với tội danh cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự, thì bị can trong vụ án này thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của bị can.
Trường hợp bị can nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, dẫn đến hậu quả chết người thì bị can có thể bị truy tố “tội giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự", Luật sư Vinh cho biết thêm.
Liên quan đến đối tượng Công, được biết, năm 2003, Công cũng là thủ phạm trong vụ bắt cóc cháu P.V.N, con trai Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á Phan Văn Tính, để tống tiền 50.000 USD.
Thủ phạm Công và đồng phạm Vũ Quốc Bảo lĩnh án lần lượt 12 và 11 năm tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thùy Dung
Theo datviet.trithuccuocsong.vn
Link gốc: https://datviet.trithuccuocsong.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/ke-danh-con-gai-tu-vong-tung-bat-coc-tre-em-3439695/