Đại tá công an giả “thăm” công an thật có thể bị xử lý thế nào?

Thứ ba - 24/12/2019 08:01
Theo luật sư, cần làm rõ mục đích giả Đại tá công an để “thăm” công an huyện thật của đối tượng để có mức xử lý phù hợp.
Tối ngày 19/12, Diệp Ngọc Hà (46 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM), trong bộ cảnh phục công an nhân dân (CAND) mang quân hàm đại tá, bảng tên ghi chức vụ là phó cục trưởng “ghé thăm” Công an huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang).

Hà tự giới thiệu là phó cục trưởng Cục Cơ yếu (Bộ Công an) đang trên đường đi công tác, tiện thể ghé công an huyện thăm anh em.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc thấy đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn nên Công an huyện Châu Thành A đã báo cáo lên cấp trên. Qua xác minh từ Công an tỉnh Hậu Giang xác định đối tượng Hà không thuộc lực lượng CAND.

Đồng thời, đối tượng thừa nhận không phải là công an, tất cả các giấy tờ tùy thân của Hà đều do đối tượng mua trên mạng.

Hiện, Công an huyện Châu Thành A đang tạm giữ hình sự đối tượng để điều tra làm rõ về hành vi “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự.
 
T2019122402
Thẻ Đảng và giấy chứng minh CAND giả của đối tượng Hà.

Trao đổi với Dân Việt về hành vi trên, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết:

Hành vi của đối tượng này có dấu hiệu của Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác. Song để có căn cứ xử lý hình sự cơ quan công an cần làm rõ hành vi của đối tượng giả mạo đại tá công an có cấu thành tội phạm quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) hay không, đối tượng giả mạo có thực hiện hành vi trái pháp luật không hay chỉ là để khoa khoang, ra oai,..

Theo luật sư, khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính Nhà nước về chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang.

Mặt khách quan của tội phạm này, người phạm tội có hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, được thực hiện bằng mọi hình thức (nói, viết, mặc trang phục, phù hiệu…) để thực hiện hành vi trái pháp luật (nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản).

Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác chỉ để khoe khoang, ra oai, bắt tội phạm hay mục đích nào khác không phải để thực hiện hành vi trái pháp luật không cấu thành tội phạm. Nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác để thực hiện hành vi phạm tội, sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó (ví dụ nếu giả mạo để chiếm đoạt tài sản có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Điều 339 BLHS quy định 3 hành vi là “giả mạo chức vụ”, “giả mạo cấp bậc”, “giả mạo vị trí công tác”. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong ba hành vi trên đã đủ cấu thành tội phạm, không cần dấu hiệu hậu quả. Người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Về hình phạt, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
 
Theo Dân Việt

Link gốc bài viết: http://danviet.vn/ban-doc/dai-ta-cong-an-gia-tham-cong-an-that-co-the-bi-xu-ly-the-nao-1043879.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây