Lực lượng cảnh sát: Nói không với tiêu cực trong xử phạt
Từ ngày 1/1, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600.000 đồng. Với tài xế ôtô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tăng cường lực lượng, phương tiện để triển khai các công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuần tra kiểm soát và xử lý những lỗi có nguy cơ cao, đặc biệt là lỗi vi phạm nồng độ cồn và ma túy.
Trong hơn một tuần, lực lượng CSGT đã xử lý rất quyết liệt. Kết quả cho thấy lực lượng CSGT cả nước đã xử lý trên 25.000 lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với số tiền phạt trên 12,5 tỷ đồng.
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao là: Tây Ninh: 308 trường hợp, Đắk Lắk: 214 trường hợp, Bắc Giang: 203 trường hợp, TP HCM: 182 trường hợp, Vĩnh Phúc: 145 trường hợp, Quảng Ninh: 135 trường hợp, Gia Lai: 133 trường hợp, Hà Nội: 129 trường hợp, Thanh Hóa: 114 trường hợp, Hà Tĩnh: 101 trường hợp.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn
"Toàn bộ số tiền thu từ xử phạt được nộp vào ngân sách nhà nước và thực hiện thu - chi theo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho hay.
Theo đại diện này, quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an cũng như Cục Cảnh sát giao thông là "nói không với tiêu cực". Mọi trường hợp can thiệp vào việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đều bị xử lý theo quy định của ngành.
Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các thông tư của Bộ Công an ban hành thì đã quy định rất chặt chẽ quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm của lực lượng cảnh giao thông. Quá trình này đặt dưới sự giám sát của người dân nên đòi hỏi sự minh bạch càng cao.
Nhận định về con số vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong những ngày gần đây, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho hay, 2019 là năm mà cảnh sát giao thông vô cùng quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn và có tới trên 182.000 trường hợp vi phạm. Như vậy, trong 1 ngày có gần 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, thì thời điểm này việc xử lý vi phạm nồng độ còn còn lớn hơn.
"Có những trường hợp chống chế khi bị xử phạt. Xử lý người bình thường vi phạm luật giao thông vốn đã khó khăn huống hồ là người say rượu, bia khi họ không làm chủ được hành vi năng lực của mình. Họ luôn tìm cách để giảm nhẹ mức độ vi phạm, thậm chí có cả những người mạo danh cán bộ cao cấp của các cục, vụ của các bộ...", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.
Bộ Y tế quy định ống thổi chỉ dùng 1 lần
Nhiều người dân bày tỏ lo lắng về vấn đề vệ sinh khi ngậm ống thổi kiểm tra nồng độ cồn. Để hóa giải nỗi lo lắng này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, thiết bị đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, được Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học, Công nghệ) tiến hành kiểm định và cấp tem chứng nhận kiểm định.
"Những thiết bị này rất hiện đại, được nhập khẩu và tương thích với các loại máy mà cảnh sát quốc tế đang dùng, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Theo đó, mỗi người thổi sẽ có một ống thổi riêng. Ống được bọc trong bao nilong và trước khi sử dụng đo nồng độ cồn cảnh sát sẽ bóc bao nilong ra, lắp ống lên máy. Sau khi sử dụng xong ống thổi sẽ được bỏ đi.
"Ống thổi nếu sử dụng lại sẽ có khả năng lây nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút khác nhau nên Bộ Y tế quy định chỉ được sử dụng một lần và chúng tôi phải tuân thủ", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh./.