Cần khắc phục việc tạm giam quá thời gian luật định
Thứ hai - 08/10/2018 07:09
Pháp luật quy định rõ thời hạn tạm giam và ra hạn tạm giam tuy nhiên có những bị can phải tạm giam hơn 10 năm và nhận án tù đúng bằng thời gian này. Một số trường hợp khác dù được tại ngoại nhưng cũng phải chờ hàng chục năm để “được” tuyên án.
Tạm giam hơn 10 năm
Đang là sinh viên nhưng vướng vào một vụ án, suốt 14 năm chỉ quanh quẩn ở nhà để chờ đợi được giải quyết. Đây là trường hợp của Quản Đắc Thúy (ở Hoài Đức, Hà Nội). Thúy cùng anh trai mình là Quản Đắc Quý được xác định có hành vi cố ý gây thương tích vào năm 2003. Trải qua hơn 10 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, tháng 12/2017, TAND TP Hà Nội mới có thể tuyên án phúc thẩm phạt Quý 5 năm 6 tháng tù và Thúy 5 năm tù.
Hai bị cáo trên còn được tại ngoại trong khi chờ xét xử. Nhiều bị cáo khác phải nhận bản án đúng hoặc gần bằng thời gian tạm giam, như trường hợp vụ án cố ý làm trái tại Tổng Cty giấy Vinapaco xảy ra năm 2006. Năm 2007, công an bắt giam 2 bị cáo đầu vụ là Vũ Thanh Thúy (SN 1979, ở Hà Nội) và Nguyễn Lương Các (SN 1983, ở Hà Tĩnh), 2 bị cáo khác được tại ngoại.
Trải qua nhiều lần xét xử và trả hồ sơ, tháng 1/2018, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm, phạt Vũ Thanh Thúy 12 năm tù. Bị cáo Các nhận 10 năm 27 ngày tù - bằng thời gian tạm giam và được tòa án xác nhận đã chấp hành xong hình phạt. Quá trình 11 năm xử lý vụ án, một bị cáo trong vụ đã quá già yếu, không thể đến tòa và được tuyên án 3 năm tù treo.
Trường hợp khác, vụ lợi dụng dự án giãn dân phố cổ Hà Nội để chiếm đoạt tài sản xảy ra năm 2010, anh em bị cáo Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Đức Lợi bị tạm giam từ năm 2012 nhưng năm 2018 mới có án sơ thẩm. Hoặc bị cáo Đào Ngọc Tỉnh (SN 1949, ở Hà Nội) bị khởi tố năm 2003 về hành vi phạm tội từ năm 1994, bị giam 1 năm, 4 tháng, 2 ngày rồi tại ngoại. Năm 2016, sau nhiều lần trả hồ sơ, thay đổi tội danh…, ông Tỉnh bị tuyên án đúng bằng thời gian tạm giam.
Luật sư Lê Văn Thiệp (Cty Luật Toàn Cầu) cho biết, pháp luật quy định rõ thời hạn tạm giam từ 2 đến 4 tháng tùy theo tội ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần thời gian điều tra dài hơn hoặc không có căn cứ để thay đổi biện pháp tạm giam, CQĐT phải có văn bản đề nghị VKSND gia hạn tạm giam. Mỗi lần gia hạn tạm giam cũng không quá từ 1 đến 4 tháng tương ứng với tội ít nghiêm trọng tới đặc biệt nghiêm trọng.
“Quy định là như vậy nhưng vì nhiều lý do, rất nhiều vụ án, bị can bị tạm giam nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm trong điều kiện cơ sở vật chất của trại tạm giam rất thiếu thốn, điều kiện sống rất khó khăn cũng như nguy cơ lây nhiễm bệnh tật” - luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Tạm giam kéo dài gây tốn kém ngân sách
Trao đổi trong một lần gặp phóng viên tại trại giam Vĩnh Quang, phạm nhân Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh VP Tổng Cty PVC đã so sánh điều kiện trong trại giam tốt hơn rất nhiều so với trại tạm giam. Đặc biệt, ông Hiển cho rằng, vào trại giam tinh thần thoải mái hơn vì vụ việc của mình đã khép, có thể tập trung cải tạo, mong làm lại cuộc đời.
Anh Nguyễn Văn Thanh (ở Bắc Ninh) vừa kết thúc thời gian thụ án trong trại giam Ngọc Lý cũng khẳng định, so với trại giam, điều kiện trong trại tạm giam rất thiếu thốn. Theo anh, phạm nhân khi thụ án trong trại giam có thể lao động, tập thể dục và tham gia một số hoạt động khác, không phải chỉ trong 4 bức tường như trại tạm giam. Ngoài ra, bị tạm giam cũng không thể gặp người thân, không thể “phấn đấu” để được giảm án hoặc tha tù trước thời hạn.
Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Thiệp cho biết, những bị án được cải tạo tại các trại giam sẽ có điều kiện sống tốt hơn, được lao động, học tập và thường xuyên được gặp thân nhân nên tâm lý thoải mái hơn, giúp họ cải tạo tốt và có thể được giảm án, tha tù trước thời hạn. Việc tạm giam kéo dài cũng còn gây tốn kém cho ngân sách, làm quá tải các trại tạm giam. Quá trình xử lý vụ án nếu tuân thủ đúng pháp luật sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, giảm chi phí và bảo vệ quyền con người một cách phù hợp nhất bởi hình phạt ngoài răn đe, phòng ngừa còn có nhiệm vụ giáo dục, cải tạo để tội phạm thành công dân có ích.
Để khắc phục tình trạng kéo dài thời gian tạm giam, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, cần có chế tài quy trách nhiệm, chịu trách nhiệm cho người đứng đầu của cơ quan điều tra, kiểm sát và những người trực tiếp xử lý vụ án nếu tạm giam quá quy định. Theo luật sư Thiệp: “Phải có chế tài như vậy họ mới sợ, mới tuân thủ thời hạn tạm giam theo quy định. Ngoài ra, cần quy định rõ cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát và tiếp nhận đơn thư từ người dân, thân nhân bị can, bị cáo....” .
“Thời hạn tạm giam dài hằng năm thì việc giảm án là điều không thể với bị can mà đối tượng giảm án tha tù, đặc xá chỉ dành cho người đang thi hành án. Đây là thiệt thòi cho những bị can phải tạm giam quá thời hạn, vi phạm tố tụng. Ngay cả các bị can được tại ngoại nhưng phải chờ đợi quá lâu để có bản án, họ và thân nhân sẽ sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang và rất ức chế, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mưu sinh thường nhật”.