Gần đây, nhiều cô gái tự đưa hình ảnh khêu gợi, hở hang của chính mình lên mạng Facebook. Đôi khi đi kèm là những lời giới thiệu khá “mời mọc”: “Ngày mai, tức ngày 24/6... Hưởng ứng ngày ''nâng niu bàn tay Việt'' dành riêng cho đàn ông nước Ta =))) Em ABC đã tự quay 1 clip cô y tá uốn éo trong phòng để tặng riêng các anh. Nhưng mà... Các a like thì em mới up nè moahzzz!”
Nhưng hình ảnh này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Khen nhiều mà chê cũng không ít. Nhiều người đặt câu hỏi, việc làm này có vi phạm pháp luật hay không và có thể bị xử lý như thế nào?
LS.Hằng Nga |
Theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng Văn phòng Luật sư Hằng Nga, Hà Nội), việc đưa hình ảnh khêu gợi lên mạng Facebook như một số cô gái làm gần đây đã có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vị luật sư cắt nghĩa, Bộ luật hình sự quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy – bao gồm văn hóa được thể hiện cụ thể bằng ấn phẩm, sách, báo, băng đĩa, tranh ảnh, phim... trên các vật phẩm quần, áo, bật lửa, đồ dùng thông thường hoặc các loại không thể hiện bằng các vật phẩm cụ thể (không nhìn thấy, sờ thấy, không nghe thấy) có nội dung khiêu dâm, ca ngợi lối sống xa hoa, trụy lạc trái với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Việc đưa hình ảnh khiêu dâm của mình lên mạng chính là sự truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tội phạm này hoàn thành kể từ thời điểm người đó thực hiện một trong các hành vi nêu trên.
Gần đây, có những cô gái đưa hình ảnh của mình lên mạng chưa đến mức lõa thể hoặc cảnh quan hệ tình dục, nhưng chỉ cần ăn mặc mát mẻ, hở hang, có hành động gây kích thích người khác đã được gọi là khiêu dâm. Hành vi đó đã đủ cơ sở để khởi tố về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Tuy nhiên, nữ luật sư cho biết, trên thực tế ở Việt Nam lâu nay không có cô gái nào tự tung hình ảnh khiêu dâm của mình lên mạng mà bị xử lý hình sự cả. Điều đó cho thấy chế tài xử lý đối với hành vi này vẫn chưa cụ thể, chặt chẽ. Luật sư Hằng Nga còn cho rằng luật pháp cần quy định rõ hơn về chủ thể thực hiện hành vi này là truyền bá hình ảnh khiêu dâm của mình hay của người khác.
Những hình ảnh mát mẻ trên mạng Facebook (Ảnh minh họa)
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng luật sư Trịnh, Hà Nội) cho biết, Nghị định 178 từ năm 2004 đã định nghĩa:
Đồi trụy là sự thể hiện bằng hình ảnh, hành động, âm thanh thể hiện lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Khiêu dâm là dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.
Luật sư Trịnh Anh Dũng cho rằng, những cô gái đưa hình ảnh khêu gợi của mình lên mạng Facebook là đã thực hiện việc “làm ra, lưu hành hình ảnh có tính chất đồi trụy và phổ biến tới nhiều người.” Điều này phù hợp với quy định trong Bộ luật hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Như vậy hành vi này đã được pháp luật quy định từ lâu. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nhiều cô gái vẫn ngang nhiên tung ảnh khiêu dâm của mình lên mạng mà không bị xử lý. Theo luật sư Dũng đó là do trách nhiệm của cơ quan chấp pháp.
Ông Dũng cho rằng, muốn ngăn chặn những hành vi này, cơ quan pháp luật phải xử lý chứ không thể đòi hỏi người dân tự tuân thủ được. Vì không bị xử lý nên các đối tượng này ngày càng coi thường luật pháp.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội)
Trái với quan điểm của 2 vị luật sư trên, Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội) cho rằng, hành vi của những cô gái kia không thể bị xử lý. Bộ luật hình sự quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, theo luật sư Thủy khái niệm đồi trụy, khiêu dâm vẫn chưa rõ ràng. Ông nêu câu hỏi: "Trái với thuần phong mỹ tục là như thế nào?".
Ông Thủy cho rằng, đưa hình ảnh của mình lên trang cá nhân Facebook là quyền của mỗi người. Những người xem hình ảnh này là do chính họ muốn tìm đến. Ai vào xem thì tự chịu trách nhiệm. Điều này không giống với việc đưa hình ảnh khiêu dâm ra ngoài đường, ngoài công cộng gây phản cảm.
Vị luật sư này cũng cho rằng, luật pháp không cần điều chỉnh về hành vi nói trên. Đó là quyền của mỗi người, ai có nhu cầu thì làm, không thì thôi.
Luật sư Thủy phân tích, hiện nay, qua mạng Internet, người ta có thể tiếp cận mọi thứ văn hóa trên thế giới. Trong nước có thể xử lý hành vi đó nhưng không thể cản được sự thâm nhập từ bên ngoài vào. Nó giống như một tấm lưới với hàng nghìn mắt lưới. Bịt một hai mắt lưới cũng không giải quyết được điều gì. Chung quy chúng ta lại làm một việc mất công.
Ông Thủy cũng cho rằng xã hội ngày càng văn minh, con người càng hiểu biết. Người ta không còn ngu muội để nhìn vào những thứ đó rồi bị tác động xấu dẫn đến những hành vi nọ kia. Người biết đến những thứ đó đã là người có trình độ văn hóa, nhận thức để lựa chọn, điều chỉnh hành vi của mình.
“Xã hội chúng ta luôn muốn lo lắng mọi thứ, nhưng thực chất chẳng lo được điều gì.” - Luật sư Ngô Ngọc Thủy kết luận.
Tuy nhiên, luật sư Thủy cũng nói thêm: “Còn nếu muốn xử lý thì luật pháp phải có quy định cho cụ thể, rõ ràng.”
Điều 253. BLHS quy định về tội “truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy”: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn