Ô nhiễm do rác thải ở khu vực nông thôn: Bài 2-Thực trạng thu gom và xử lý

Thứ bảy - 16/03/2019 03:39
Do chất thải rắn được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải y tế, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại, nên chất thải rắn cũng do nhiều cơ quan khác nhau cùng quản lý.

Việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom cũng như xử lý rác ở khu vực này.

Hiệu quả thu gom xử lý đạt thấp

Chú thích ảnh
Lượng rác thải lớn được thu gom ngay trên con đường ven biển chạy quanh đảo ở ấp Bãi Bấc, trên đảo Hòn Sơn (xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Ảnh : Hồng Đạt/TTXVN

Đặc điểm chất thải theo hoạt động kinh tế -xã hội ở khu vực nông thôn là chất thải rắn sinh hoạt phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, trường học, công sở, nơi công cộng. Trong thành phần chất thải sinh hoạt có khoảng 55-69% là chất hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp, rau, hoa quả…; 7-16% là chất thải có thể tái chế như nilon, giấy, nhựa, sắt vụn… được những người thu nhặt đồng nát thu gom; chất trơ khó phân hủy chiếm khoảng 12-36% chủ yếu là xỉ than, gạch vỡ…; chất thải nguy hại như pin, ắc qui không đáng kể, chỉ có khoảng 0,4%.

Chất thải rắn chăn nuôi là phân, nước thải, xác gia súc, gia cầm. Chất thải chăn nuôi chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng và có yếu tố lây lan dịch bệnh nên được xếp vào loại chất thải nguy hại, thường được xử lý để làm phân bón trong nông nghiệp.

Vỏ bao thức ăn gia súc thường được sử dụng để đựng lương thực hoặc đựng rác mà không thải ra ngoài. Còn chất thải là bao bì, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tồn tại ở dạng chai, lọ thủy tinh, chai nhựa, túi nilon, túi nhựa tráng kẽm, khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.

Trong các loại chất thải rắn nông thôn chỉ có chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp quản lý tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất. Các loại chất thải còn lại được thu gom, xử lý tập trung mà không tách riêng từng loại.

Qua khảo sát thực tế của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh.

Ở khu vực Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường khu vực hạ lưu. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao, khi mùa lũ về bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bãi chôn lấp có cấu tạo hở, vào mùa khô, chất thải được đem đốt.

Tuy công tác thu gom chất thải rắn tại nông thôn cũng đã được chú trọng trong những năm gần đây, nhưng cũng chủ yếu tập trung ở các khu vực nông thôn vùng đồng bằng. Còn ở khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà (đổ ra vườn).

Theo thống kê, khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản, song tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, chỉ tính đến tháng 11/2016, cả nước có 35 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. Tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày.

Số lượng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có khoảng 50 lò đốt, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ. Ngoài ra, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (chưa thống kê được đầy đủ các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) với tổng diện tích khoảng 4.900ha.

Trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nhiều xã, đặc biệt là các xã miền núi chưa có các bãi rác tập trung, thiếu người và phương tiện chuyên chở rác, chủ yếu hình thành bãi rác tự phát là nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất.

Chất thải rắn nông nghiệp: Ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phần thân thải bỏ của các cây trồng ngắn ngày (ngô, đậu...) hay các loại vỏ, chất thải sau sơ chế (điều, cà phê...) chiếm một lượng khá lớn, nhưng không được tính toán trong thống kê lượng chất thải rắn phát sinh của các địa phương cũng như toàn quốc.

Bên cạnh đó, chất thải rắn chăn nuôi đang là một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn. Theo ước tính, khoảng 40 - 70% (tùy theo từng vùng) chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch...

Những hạn chế của các mô hình

Chú thích ảnh
Rác thải sinh hoạt tại thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ảnh: Công Tường/TTXVN

Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoại, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Tại khu vực nông thôn hiện nay, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Thực hiện tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tại một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Việc thu gom, xử lý cũng mới bước đầu được áp dụng đối với chất thải rắn sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt bỏ rác thải tràn lan. Theo thống kê, hiện có khoảng 40% số thôn, xã hình thành các tổ, đội thu gom rác tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp... nhưng hiệu quả thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp, do hệ thống phân loại và tái chế rác hoạt động chưa tốt hoặc chưa có.

Đối với các loại chất thải nguy hiểm và khó phân hủy như các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã qua sử dụng... đã tổ chức thực hiện thu gom ở một số nơi nhưng chưa có hướng xử lý sau thu gom.

Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất được thu gom, vận chuyển bởi chính các cơ sở sản xuất hoặc một số đơn vị khác. Về chất thải rắn làng nghề, chỉ một phần nhỏ chất thải rắn thu gom cùng chất thải rắn sinh hoạt của dân cư nông thôn, còn phần lớn chưa được thu gom, xử lý.

Các phương pháp xử lý chất thải rắn nông thôn hiện nay phổ biến là chôn lấp không có xử lý; chôn lấp chất thải rắn có phun chế phẩm EM, vôi bột; chôn lấp có kỹ thuật kiểm soát, xử lý ô nhiễm; sử dụng lò đốt; chế biến phân compost theo công nghệ nước ngoài...

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đó là việc lựa chọn các bãi chôn lấp, khu trung chuyển, thu gom chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn có tính thuyết phục. Công nghệ xử lý chất thải chưa đảm bảo kỹ thuật vệ sinh môi trường nên chưa thu được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương.

Ở hầu hết các vùng nông thôn, chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình phần lớn đều được đổ thải trực tiếp tại vườn nhà. Tại nhiều địa phương, việc thu gom rác thải sinh hoạt được xây dựng thành những mô hình tự quản.

Điển hình là mô hình thu gom tự quản do dân tự tổ chức. Đây là hình thức phổ biến ở các vùng nông thôn, do người dân tự thỏa thuận và cử người thu gom cho 1 xóm hoặc 1 cụm dân cư. Rác thải sau khi thu gom thường đổ lộ thiên ven đường làng, bờ mương.

Do chưa được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp địa phương cả về tài chính và chính sách, người thu gom rác phải tự trang bị phương tiện thu gom, thu nhập trung bình chỉ đạt 400.000 - 600.000 đồng/người/tháng.

Họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội và bảo hộ lao động. Hoạt động chưa chuyên nghiệp hóa, số lần thu gom trung bình 1 lần/tuần, có nơi 2 tuần/lần, chủ yếu thu gom rác cho khu vực ven đường chính và khu tập trung dân cư.

Mô hình thu gom do xã, thôn tổ chức được chính quyền địa phương hỗ trợ về phương tiện thu gom, nhiều địa phương đã quy hoạch được điểm tập kết, bãi chôn lấp rác. Nhưng các mô hình này cũng chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thu gom rác thải từ khu dân cư đến các điểm tập kết, chưa có các biện pháp kỹ thuật trong phân loại, xử lý.

Mô hình chưa xây dựng được cơ chế và nguồn tài chính để duy trì công tác thu gom, xử lý rác thải. Số lần thu gom rác 2-3 lần/tuần. Thu nhập của người thu gom trung bình mới chỉ đạt 500.000 -700.000 đồng/tháng, người thu gom chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội.

Hoạt động thiếu chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả thấp. Trách nhiệm của các cấp địa phương chủ yếu là hỗ trợ mà chưa xây dựng được quy trình thu gom, xử lý rác thải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường.

Các mô hình hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường được coi là mô hình hoạt động hiệu quả nhất ở nông thôn. Mô hình này hoạt động theo Luật Hợp tác xã, có điều lệ hoạt động, phương án sản xuất dịch vụ, kết hợp nhiều loại dịch vụ môi trường như thu gom rác thải, thoát nước, cây xanh, quản lý nghĩa trang...

Hình thức này chủ yếu ở các thị trấn, thị tứ, rất ít các xã có hình thức dịch vụ này. Hầu hết các hợp tác xã dịch vụ môi trường đã được đầu tư xe thu gom rác, một số nơi đã được đầu tư xe vận chuyển rác thải.

Thu nhập của người làm dịch vụ môi trường trung bình từ 500.000 - 1.500.000 đồng/người/tháng, người lao động được trang bị bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Số lần thu gom là 3-7 lần/tuần. Còn mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần môi trường rất ít có ở các vùng nông thôn, do các dịch vụ về môi trường không mang lại lợi nhuận về kinh tế.

Về mô hình công ty môi trường đô thị: Một số vùng ven đô, các công ty môi trường đô thị đã mở rộng dịch vụ thu gom rác thải cho các xã lân cận. Công ty có thể làm dịch vụ trọn gói từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải hoặc chỉ vận chuyển và xử lý.

Kinh phí hoạt động của công ty từ nguồn thu phí của dân và ngân sách của thành phố. Thu nhập của người làm dịch vụ từ 1.200.000-2.000.000 đồng/người/tháng và được hưởng đầy đủ các chế độ lao động nặng và độc hại. Hiện chỉ có một số rất ít các xã ven các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng được hưởng các dịch vụ này.

Tiến sĩ Trần Ngọc Ngoạn cho rằng, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thì chất thải từ hoạt động dân sinh ngày càng tăng, đa dạng về chủng loại và thành phần, đặc biệt là chất thải rắn và nước thải. Ước tính hiện nay mỗi người phát sinh khoảng 0,4 kg/ngày chất thải rắn, tương đương 6,6 triệu tấn/năm và tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng.

Đến năm 2020, số lượng người dân tại khu vực nông thôn không thay đổi, các phế phẩm, rác thải không thay đổi nhưng đa dạng hơn về thành phần và chủng loại, đặc biệt là các thành phần khó phân hủy thì áp lực lên môi trường khi không được xử lý đã tăng lên đáng kể.

Tại các làng nghề, tình trạng chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất không được phân loại thì độ phức tạp về thành phần chất thải rắn lại tăng lên gấp bội. Bên cạnh đó, nước thải ngày càng ứ đọng, ngấm sâu vào đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân khu vực nông thôn.

Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ khu vực nông thôn đã và đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương. Chính việc phân công không rõ ràng về đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã khiến cho công tác quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. (còn nữa)

Tác giả bài viết: Văn Hào

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây