Nỗi buồn điểm liệt môn văn

Thứ tư - 17/07/2019 06:31
Môn ngữ văn có điểm trung bình không hề thấp (5,49), luôn được xem là môn “chống liệt” nhưng lại là môn “mưa” điểm liệt, gây bất ngờ cho nhiều người, đặc biệt là các nhà giáo.
 
Nỗi buồn điểm liệt môn văn

Sáng 14-7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Đáng buồn là trong 3.128 bài thi bị điểm liệt, môn ngữ văn có số lượng bài thi điểm liệt cao nhất với 1.265 bài, chiếm 40%.

Môn “chống liệt” nhưng lại liệt nhiều nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, môn ngữ văn bị điểm liệt nhiều nhất với 1.265 bài (chiếm 40%); tiếp đến là tiếng Anh với 630 bài, lịch sử 395 bài, toán 345 bài, hóa học 187 bài, vật lý 150 bài, sinh học 98 bài, địa lý 47 bài và thấp nhất là giáo dục công dân với 11 bài.

Năm 2018, tiếng Anh là môn có điểm liệt cao nhất (2.189 bài) thì năm nay đứng ở vị trí thứ hai với điểm liệt chỉ còn 630 bài.

Riêng môn ngữ văn, năm 2018 có 783 bài thi bị điểm liệt thì năm nay tăng hơn 1,6 lần; tăng gấp 2,5 lần (510 bài) so với năm 2017 và xấp xỉ năm 2016 (1.285 bài).

Địa phương có điểm liệt môn ngữ văn nhiều nhất là Hà Nội (104 bài), tiếp đến là Sơn La (91 bài), Quảng Ngãi (90 bài), Đắk Lắk (83 bài), Gia Lai (78 bài), Lạng Sơn (53 bài), Hòa Bình (52 bài), TP.HCM (19 bài)…

Các tỉnh có môn ngữ văn bị điểm liệt ít nhất là Lai Châu, Lào Cai, Ninh Thuận. Mỗi tỉnh chỉ có hai bài thi bị điểm liệt.

Ngữ văn là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và cũng là môn thi tự luận duy nhất. Đa số thí sinh đều đánh giá đề văn không khó, cấu trúc quen thuộc. Các giáo viên cũng nhận định đề không hề đánh đố nhưng điểm thi lại cho thấy một thực tế khác. Môn ngữ văn có điểm trung bình không hề thấp (5,49), luôn được xem là môn “chống liệt” nhưng lại là môn “mưa” điểm liệt đã gây bất ngờ cho nhiều người, đặc biệt là các nhà giáo.

Nỗi buồn điểm liệt môn văn - ảnh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giáo viên “sốc”

“Với đề thi như vậy, tôi không hiểu tại sao điểm liệt môn văn lại nhiều như thế” - cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM, chua xót.

Cô Phương cho biết trong đề thi có những câu rất dễ lấy điểm như câu 1 của phần đọc hiểu về nhận biết thể thơ, câu nghị luận xã hội viết về sức mạnh của ý chí. Thế nhưng nhiều em vẫn không làm.

“Thí sinh bị điểm liệt đa phần các em không làm câu nào trong đề hoặc chép lại nguyên đề bài rồi bỏ trống. Trường hợp này có thể rơi vào thí sinh tự do. Bởi học sinh khối phổ thông đều đã quen với cấu trúc đề thi của bộ. Hơn nữa, trong quá trình học, các em đã được ôn tập nhiều nên với đề trên, lấy điểm trung bình là không quá khó” - cô Phương nói.

 

Nỗi buồn điểm liệt môn văn - ảnh 2
Số lượng bài điểm liệt môn ngữ văn từ năm 2016 đến 2019.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, bày tỏ: “Thấy con số điểm liệt môn văn, tôi hơi sốc. Vì với đề thi năm nay, thí sinh dễ dàng lấy được 2 điểm. Thế nhưng thực tế lại không phải như thế. Tôi nghĩ những em bị điểm liệt là những em có sức học quá yếu hoặc các em không muốn thi. Nhiều người cứ nghĩ văn chỉ cần “chém gió” cũng có điểm nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm. Dù chém gió nhưng cũng phải bám sát vào đề, vào dữ liệu văn học. Nên thực tế trong quá trình chấm, có em viết nguyên trang nhưng vẫn không có điểm nào. Bởi đáp án của bộ rất rõ ràng, đúng câu, đúng ý mới chấm được”.

Tương tự, cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức, tỉnh Bình Dương, chia sẻ những em bị điểm liệt chính là những thí sinh không có kỹ năng làm bài.

“Ngay câu đầu tiên, phần đọc hiểu có những câu hỏi rất đơn giản để thí sinh lấy điểm nhưng nhiều em vẫn bị mất điểm vì không có kỹ năng nhận diện thể thơ, không có kỹ năng thông hiểu nội dung của câu thơ, phân tích tác dụng của biện pháp tu từ. Tôi thấy buồn vì điều này” - cô Tâm phân tích thêm.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An, khẳng định: “Nguyên nhân cơ bản dẫn đến điểm liệt môn ngữ văn phần nhiều là do ý thức, thái độ học tập của học sinh”.

Cô Hà cho rằng với mức độ đề văn như năm nay, để làm được 1 hay 1,25 điểm thì cực kỳ đơn giản. Chỉ cần một vài ý nhỏ đúng, các em đã có thể có điểm. “Với một học sinh học 12 năm, những kiến thức tối thiểu không làm được, không phải do năng lực mà chính là thái độ. Các em chây lười, thụ động, ỷ lại và chủ quan cho rằng viết kiểu gì cũng có điểm” - cô Hà nhấn mạnh.

Cũng theo cô Hà, cũng cần nhìn nhận việc dạy-học văn ở bậc phổ thông vẫn nặng nề kiến thức hàn lâm, tính ứng dụng thực tiễn không cao. Cho nên học trò thường không có hứng thú với môn học. Vì thế, thiết nghĩ trong quá trình học, nếu môn văn gắn bó với thực tiễn nhiều hơn, gần gũi với đời sống hơn thì sẽ khiến học trò thích thú hơn.

Thời điểm phúc khảo bài thi

Theo quy chế, thí sinh bị điểm liệt các bài thi để xét tốt nghiệp (toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài tổ hợp khoa học xã hội, khoa học tự nhiên) thì sẽ bị trượt tốt nghiệp, phải thi lại vào năm sau. Cho nên nếu thấy điểm có sự chênh lệch quá lớn so với dự đoán của mình, thí sinh có thể xin phúc khảo bài thi.

Từ ngày 14 đến 22-7, thí sinh được quyền xin phúc khảo bài thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả cho thí sinh. 

 

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUYÊN

Nguồn tin: Pháp luật Tp HCM

 Từ khóa: môn văn, điểm liệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây